Dễ mà khó: Phân biệt Gomen nasai và Sumimasen

Trong một bài viết, Japo đã giới thiệu đến bạn những cách nói Xin lỗi phổ biến trong đời sống người Nhật (xem lại tại đây). Và trong số hơn 20 cách đó, Sumimasen và Gomen nasai là 2 cách nói quen thuộc nhất mà bất kỳ người học tiếng Nhật trình độ nào cũng đều phải học qua.

Ảnh: https://nihongo-box.com/243/

Tuy cùng thể hiện sự ân hận của người nói dành cho người nghe nhưng đâu là điểm khác nhau cơ bản? Và trường hợp sử dụng chia ra như thế nào?

Đó là câu hỏi không hề dễ, thậm chí nhiều người Nhật cũng không thể phân biệt được.

Thế nên trong chương trình TV mang tên” Điểm khác biệt là gì?”  (この差って何ですか?) một nhà ngôn ngữ học đã giải quyết dễ dàng câu hỏi đó bằng cách phân tích Kanji.

Ảnh: http://datenshiecd.blogspot.com

Gomen nasai (御免なさい)

御 (go): Cách nói tôn kính

免なさい=許しなさい (yurushinasai) : bỏ qua cho tôi (thể mệnh lệnh)

Ý nghĩa: Xin lỗi là xong nên có thể kết thúc tại đây

Trường hợp dùng: khi muốn kết thúc cuộc hội thoại và người được xin lỗi cũng không phàn nàn hay bắt bẻ gì thêm.

Ví dụ:

Bạn vội vã chạy đến chỗ làm, không may va phải người đi từ phía ngược lại. Bạn quay lại và hỏi :

“Chị có sao không?”

“Tôi không sao” – Người bị va phải đáp.

Vậy ở đây bạn có thể kết thúc bằng câu xin lỗi:” Gomen nasai” và tiếp tục đi.

Thêm vào đó, Gomen là cách nói vắn tắt của Gomen nasai, mức độ trịnh trọng thấp hơn nên chỉ nên dùng cho người quen hay người thân trong nhà.


 

Ảnh: https://yossense.com/sumimasen/

Sumimasen (済みません)

済む(sumu): kết thúc

済みません=終わりません(owarimasen): không kết thúc

Ý nghĩa: Chưa thể kết thúc tại đây, sau đó sẽ còn tiếp diễn hành động

Trường hợp dùng: khi người mắc lỗi tỏ ý muốn giúp đỡ hoặc đền bù sau đó với nạn nhân/người được xin lỗi.

Ví dụ:

Bạn vội vã chạy đến chỗ làm, không may va phải người đi từ phía ngược lại. Bạn quay lại và hỏi :

“Chị có sao không?”

“Không sao mới lạ đấy. Bể hết trứng rồi” – Người bị va phải đáp.

Lúc này, vì có thêm những hậu quả phía sau nên bạn không thể kết thúc hội thoại và bỏ đi được mà phải hỏi về tiền đền bù,…Lúc này đừng quên câu “Sumimasen”.

Lưu ý:

  • Nam giới còn dùng “Suman” thay cho Sumimasen khi đối phương là người quen.
  • Suimasen là khẩu ngữ của Sumimasen.
  • Sumimasen (Suimasen) còn tương đương với “Excuse me – xin lỗi cho hỏi…” để bắt đầu cuộc hội thoại.

 


 

Ảnh: https://www.oishikerya.com/entry

Đặc biệt, ngoài 2 cách nói xin lỗi trên. Còn một cách nói thể hiện thái độ hối lỗi cao nhất. Đó là:

Moushiwake arimasen (申し訳ありません)

申す(Mousu): nói

申し訳ありません: tôi không còn gì để nói

Ý nghĩa: khẳng định sai lầm thuộc về mình nhưng không có cách nào để giải quyết sai lầm đó.

Ví dụ:

Bạn vội vã chạy đến chỗ làm, không may va phải người đi từ phía ngược lại. Bạn quay lại và hỏi :

“Chị có sao không?”

Người ấy không nói gì mà dáo dác nhìn xung quanh. Thì ra cô ấy đang tìm chiếc nhẫn cưới.

Tình huống này, nhẫn cưới là món kỷ vật không gì đánh đổi được. Lỗi hoàn toàn thuộc về bạn và bạn cũng không biết làm gì để chuộc lại lỗi lầm cũng như lý do bào chữa. Bạn nói “Moushiwake arimasen”!

Ngoài ra Moushiwake arimasen thường xuyên được dùng trong E-mail hoặc giao tiếp trong công ty.

Ảnh: https://aminoapps.com/

Nếu so sánh mức độ hối lỗi của từng cách nói thì thấp nhất là Gomen nasai , sau đó đến Sumimasen, cao nhất là Moushiwake arimasen.

Áp dụng thường xuyên hai cách nói Gomen nasai và Sumimasen để “tuôn” ra cho thành thục và đúng trường hợp nhé! Chúc các bạn may mắn!

Nguồn: この差って何ですか?

Chee

Vì sao lời xin lỗi của lãnh đạo công ty ở Nhật lại bị người dân cực kỳ phản đối?

Một khái niệm hoàn toàn khác về: “lòng tốt” “xin lỗi”, “cảm ơn”ở Nhật – Liệu có nên học hỏi?

Lý do người Nhật Bản luôn xin lỗi vì những điều dường như không phải do họ gây ra

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: