Romaji – Tưởng đơn giản hoá ra lại là con dao hai lưỡi cho người học tiếng Nhật

Khi bắt đầu học tiếng Nhật, một số người thường chọn Romaji. Romaji là cách phiên âm đọc và viết tiếng Nhật sử dụng Alphabet.

Rõ ràng với những quốc gia sử dụng hệ chữ Alphabet, đây là cách bắt đầu vô cùng đơn giản. Tại sao phải cần Kanji, hiragana hay katakana trong khi chỉ cần Romaji, bạn đã có thể đọc được và nói được tiếng Nhật.

Khoan đã nào, Romaji chỉ thực sự dễ lúc đầu thôi. Vấn đề sẽ bắt đầu lộ diện khi bạn nhận ra đây mới chính là nguồn cơn gây ra những cơn nhức đầu thực thụ.

Mặt trái của Romaji

Rất tiếc khi phải làm vỡ mộng đẹp của những người bắt đầu học tiếng Nhật bằng Romaji, thế nhưng kiểu phiên âm này gây rất nhiều khó khăn cho bạn về sau.

Điều đầu tiên cần phải nhận ra đó là Romaji không giúp bạn đọc tiếng Nhật chuẩn được, và đương nhiên, nếu bạn đang ở Nhật, sẽ không có ai rảnh rỗi phiên âm tất cả các Kanji, hiragana, katakana ra romaji cho bạn.

Bạn có biết hiện tượng từ đồng âm không? Đó là những từ tuy phát âm giống nhau nhưng lại mang nghĩa hoàn toàn khác nhau. Có rất nhiều từ như vậy trong tiếng Nhật thế nhưng nhờ ký tự Kanji khác nhau mà bạn có thể phân biệt được.

Ví dụ, với từ “hashi” viết bằng Romaji, bạn sẽ không thể biết được rằng đó là từ 箸 (đôi đũa) hay 橋 (cây cầu).

Thế nhưng đó chưa phải là điều tệ nhất đâu. Bởi vì, có thể bạn không biết nhưng có hơn 1 dạng Romaji đấy.

Các kiểu viết khác nhau của Romaji

Ảnh Amino Apps

Không có một quy chuẩn nào trong việc viết Romaji, và điều này gây rất nhiều rắc rối cho bạn khi phải đọc Romaji theo rất nhiều kiểu khác nhau.

Ví dụ từ おおきい –  (to lớn) có thể được phiên âm thành Oki, Ookii, Ôkî, Ōkī. Tất cả những cách vừa kể ra đều được chấp nhận.

Thật ra nếu muốn gọi tên một cách chính xác, có thể kể ra ở đây một số hệ thống Romaji như Hepburn, Kunreishiki, Nihonshiki, Waapuro, JSL . . .và còn rất nhiều biến thể khác nữa.

Một số cách phiên âm Romaji sử dụng chữ ji để phiên âm cho chữ じ trong khi một phiên bản khác lại dùng zi.

Chính phủ Nhật Bản sử dụng Romaji kiểu Hepburn, nhưng các tổ chức chính thống khác như ANSI hay ISO lại đề xuất kiểu Romaji Kunreishiki. Những quyển sách giáo khoa không thống nhất cách phiên âm Romaji cho đồng bộ, do đó tất cả đều rối rắm và thiếu trật tự.

Ảnh YouTube

Kết luận.

Tóm lại, Romaji chỉ là một công cụ làm nhiệm vụ cầu nối, lấp bớt lỗ hỏng khoảng cách giữa ngôn ngữ mẹ đẻ của các quốc gia sử dụng Alphabet với tiếng Nhật. Hệ chữ này như một dạng chữa cháy, không được hệ thống bài bản. Nó tồn tại đơn giản chỉ để bạn không quá “khớp” khi bắt đầu học tiếng Nhật. Không sớm thì muộn, bạn cũng sẽ nhận ra những vấn đề với hệ chữ này và suy nghĩ đến việc học Kanji, Hiragana, Katakana một cách nghiêm túc.

Vì thế đừng quá trông chờ vào phiên âm Romaji khi muốn đọc tiếng Nhật, hãy tập dần với việc nhìn Hiragana và Kanji cho quen các bạn nhé. Một khi bạn đã đặt được một chân vào, bạn sẽ không còn cảm thấy Romaji có ý nghĩa gì đặc biệt nữa.

Chúc bạn may mắn và đủ kiên nhẫn trên con đường chinh phục tiếng Nhật.

Tham khảo TOFUGU

Sacchan
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: