Tưởng lịch sự hoá ra phản tác dụng, mặt trái của hậu tố – SAMA trong giao tiếp kính ngữ
Trong tiếng Nhật có rất nhiều cách gọi tên người khác để thể hiện sự tôn kính. Trong đó cách phổ biến nhất là thêm -san vào sau tên. Ví dụ Abe-san, Yamada-san, Tanaka-san,…
Trong trường hợp đối phương là nam giới, nhỏ tuổi hơn mình, đặc biệt là những cậu bé, hãy thêm -kun sau tên.
Tuy vậy, việc xác định tuổi tác của đối phương để gọi hoàn toàn là cảm tính và rất dễ mắc lỗi. Ngày xưa, vào thời của các lãnh chúa phong kiến, người ta thêm 殿(dono) vào tên những vị Samurai ở đẳng cấp trên. Ngày nay tuy không còn được sử dụng nữa, nhưng thỉnh thoảng bạn sẽ thấy từ này được in trên những bằng khen, chứng chỉ khi đạt được một giải thưởng nào đó.
Hôm nay chúng ta sẽ bàn về một hậu tố theo sau tên người, nhằm thể hiện cách gọi tôn kính. Đó là hậu tố 様 (sama).
Từ này thường được sử dụng trong ngành dịch vụ chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên gần đây một sự cố liên quan đến cách sử dụng từ này tại bệnh viện gây chú ý, thậm chí xuất hiện trên mặt báo.
Ảnh https://buzzmag.jp/archives/88001
10 năm về trước, nhân vật trong câu chuyện làm việc tại một bệnh viện, đã phải học cách sử dụng -sama khi gọi người đến khám bệnh. Đây là cách gọi vô cùng lịch sự thể hiện sự tôn trọng tối cao đối với khách hàng.
Nhưng khi được gọi như vậy, một bộ phận bệnh nhân thay đổi thái độ với nhân viên bệnh viện. Không chỉ nói chuyện cợt nhã, hành động bạo lực, có người còn có ý định lạm dụng tình dục các nhân viên ở đây.
Phát hiện sự việc bất thường, giám độc bệnh viện quy định chuyển cách gọi khách hàng từ -sama thành -san. Thái độ của bệnh nhân sau đó có phần ổn định hơn.
Chỉ là một hậu tố, chuyện gì đã gây nên sự thay đổi nghiêm trọng như vậy?
Với dịch vụ khách sạn, nhân viên vẫn dùng -sama để gọi khách hàng và không có vấn đề gì xảy ra.
Tuy vậy, bệnh viện là một dịch vụ có chức năng đặc biệt.
Khi tới khách sạn, người ta mong đợi được hưởng thụ, tận hưởng cuộc sống khi được nhân viên tận tình phục vụ chu đáo. Tuy nhiên ở bệnh viện, các bệnh nhân đến đó để chống chọi lại với căn bệnh của mình nhằm níu kéo sự sống. Nhân viên bệnh viện phải là một người vô cùng nghiêm khắc, ngăn không cho bệnh nhân hút thuốc, ăn các loại thực phẩm dù trước kia từng rất thích nhưng lại có hại cho sức khoẻ hiện tại.
Trong trường hợp này, khi sử dụng -sama để gọi bệnh nhân, vô hình trung, các bá sĩ và y tá đã tự hạ thấp vai trò, trách nhiệm và quyền lực của mình trước bệnh nhân.
Không đơn giản chỉ mang nghĩa lịch sự, khi thêm bất kỳ hậu tố nào vào sau tên đối phương, bạn cần cân nhắc đến vị trí, đặc điểm mối quan hệ giữa hai bên. Trong trường hợp bệnh viện, môi trường này gần giống với trường học. Có thể xem học sinh là khách hàng, người mà giáo viên cần chăm sóc. Tuy nhiên nếu quá hạ mình sẽ không thể nào la mắng, dạy dỗ, uốn nắn được những đứa trẻ hư.
Trong môi trường kinh doanh cũng thế, không phải khách hàng nào cũng thích được gọi với từ -sama. Sama khi được dùng nghe có vẻ rất sang trọng và lịch sự nhưng lại tạo cảm giác xa cách. Nếu muốn xây dựng quan hệ thân thiết với đối tác, hãy sử dụng -san.
Để tránh lỗi giao tiếp kính ngữ với người Nhật, không cần thiết phải phân biệt cầu kỳ, hãy cứ gọi tất cả mọi người theo công thức: họ + san.
Nếu bạn vẫn muốn sử dụng -sama trong văn bản, hãy dùng Hiragana さま thay vì Kanji 様, như vậy sẽ bớt đi sự cứng nhắc. Ngoài ra với người trong công ty hoặc người thân, hãy cứ dùng -san là ổn rồi.
Kính ngữ trong tiếng Nhật không bao giờ dễ dàng, vì vậy lúc sử dụng bạn nhớ chú ý một chút nhé !
Kengo Abe
Rất nhiều người hiểu sai – Ý nghĩa thực sự của Itadakimasu và Gochisosama
Những điều có thể bạn vẫn hiểu sai về hai mặt tối của xã hội Nhật Bản : NEET và Hikikomori
Phân biệt 3 loại áo khoác truyền thống: Hanten, Happi và Haori