Nhật Bản sẽ cấp học bổng 4-8 triệu đồng/tháng cho SV nghèo

Chính quyền Nhật Bản sắp đưa ra chương trình học bổng đầu tiên do nhà nước hỗ trợ nhằm mở rộng cơ hội vào đại học cho những sinh viên gặp khó khăn về tài chính.

Theo Japan Times, chương trình này được coi như là bước tiến lớn ở một đất nước mà đến nay chỉ có các khoản vay của chính phủ dành cho sinh viên (SV). Tuy nhiên, quy mô của chương trình vẫn còn quá nhỏ để có thể giúp đỡ tất cả những SV cần hỗ trợ tài chính.

Vào tuần trước, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã trình dự luật lên Quốc hội. Dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 4 sắp tới, chương trình học bổng sẽ được thực hiện hoàn toàn vào năm sau.

Được biết, chương trình học bổng dành cho SV là con em những gia đình thu nhập thấp ví dụ như những gia đình được hưởng trợ cấp hoặc được miễn thuế nhà ở.

Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản (JASSO) sẽ cung cấp cho SV một khoản tiền hàng tháng, từ 20.000 yên (khoảng hơn 4 triệu đồng) đến 40.000 yên (hơn 8 triệu đồng) phụ thuộc vào loại trường đại học mà SV theo học và tình trạng nhà ở của họ.

Ví dụ, một SV đại học tư thục sống xa nhà sẽ nhận được 40.000 yên một tháng. Khoản hỗ trợ này sẽ ít hơn nếu SV theo học một trường quốc lập có học phí rẻ hơn và SV sống cùng gia đình.

Ngoài ra, chương trình hỗ trợ cũng cung cấp khoản tiền trang trải lệ phí nhập học 240.000 yên (hơn 48 triệu đồng) dành cho những SV đến từ các trại trẻ.

Tân sinh viên khoa Dược Trường Đại học Y dược Tohoku (Nhật Bản) trong buổi lễ nhập học. (Ảnh: Kyodo)

Trong năm tài chính 2017, tổ chức JASSO dự định sẽ cấp học bổng cho khoảng 2.800 SV được coi là có nhu cầu cấp thiết được hỗ trợ tài chính, ví dụ như những SV đến từ các trại trẻ và SV trường đại học tư thục sống xa gia đình.

Chương trình sẽ được mở rộng từ năm tài chính 2018 để hỗ trợ tổng cộng 20.000 SV khó khăn.

Bộ Giáo dục Nhật Bản dự kiến chi phí của chương trình trong năm tài chính 2017 là 1,5 tỷ yên, và đến năm tài chính 2021 là 22 tỷ yên.

Bộ Giáo dục Nhật Bản ước tính có khoảng 61.000 người cần hỗ trợ tài chính để đi học đại học. Điều đó có nghĩa là 2/3 trong số những thanh niên nghèo muốn đi học đại học sẽ không thể nhận được học bổng từ chương trình.

Ngoài ra, khoản hỗ trợ hàng tháng cũng rất ít để có thể trang trải học phí tại một trường công lập, điều đó khiến cho SV không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp cận khoản vay dành cho SV.

Hirokazu Ouchi, giáo sư Giáo dục học Trường Đại học Chukyo ở Nagoya, hoan nghênh chương trình này là một bước tiến lớn, nhưng cũng nhận định rằng chương trình cần mở rộng trong tương lai.

“Vì Nhật Bản hiện chỉ có chương trình cho SV vay tiền, nên chương trình học bổng này có ý nghĩa rất lớn. Nhưng lượng SV được nhận học bổng thì rất nhỏ, và khoản học bổng cũng không đủ”, giáo sư Ouchi nói.

Về phương pháp chọn lựa SV được trao học bổng, các trường trung học sẽ giới thiệu những em cần hỗ trợ của nhà nước. Dựa vào số học sinh là con em những gia đình thu nhập thấp, mỗi trường sẽ giới thiệu ít nhất 1 em nhận học bổng. Đây là những em có điểm cao nhất hoặc có hoạt động ngoại khóa nổi bật nhất.

Nhưng vì các học sinh nghèo thường có điểm thấp hơn, và cũng không có thời gian rỗi để tham gia hoạt động ngoại khóa vì bận làm thêm, các chuyên gia nhận định rằng những SV thật sự cần hỗ trợ có thể bị bỏ sót.

Đến nay ở Nhật Bản cũng có một số hình thức học bổng như học bổng dành cho SV của các chính quyền địa phương, học bổng của doanh nghiệp và các trường đại học.

Hiện nay tổ chức JASSO có hai hình thức cho vay SV: 1 khoản vay không có lãi suất và 1 khoản vay có lãi suất tối đa 3%.

Trong năm tài chính 2015, 1 trong số 2,6 SV đại học ở Nhật Bản nhận được khoản vay SV so với tỷ lệ 1:4,3 trong năm tài chính 2004. Cũng trong năm tài chính 2015, có khoảng 1,3 triệu người vay có lãi suất từ tổ chức JASSO, trong đó có 837.000 SV, chiếm 63%.

Theo Japan Times, số người vay tăng là do nhiều bậc cha mẹ phải vật lộn để chu cấp cho con học đại học khi học phí tăng.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục Nhật Bản, mức học phí hàng năm của đại học tư Nhật Bản tăng đến mức 864.384 yên (hơn 174 triệu đồng) trong năm tài chính 2014 so với mức 570.584 yên (gần 115 triệu đồng) trong năm tài chính 1989.

Với các đại học quốc lập, mức chi phí hàng năm là 535.800 yên (gần 108 triệu đồng) trong năm tài chính 2014 so với 339.600 yên (hơn 68 triệu đồng) trong năm 1989. Cộng với khoản phí nhập học, SV phải trả tới 1,13 triệu yên (hơn 227 triệu đồng) trong năm đầu tiên học dại học tư và 817.800 yên (gần 165 triệu đồng) với đại học quốc lập.

(Nguồn Dantri)

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: