Làm baito ở Nhật: Để không bị sa thải?

Du học sinh khi sống ở Nhật, điều quan trọng nhất là kiếm việc làm thêm (baito) để chi phí những khoản khác. Nhưng để tự mình xin việc khi tiếng nhật chưa đủ tốt là điều cực kỳ khó khăn.

Thường du học sinh phải thông qua trường học hoặc người quen giới thiệu. Mặt khác, khi có việc làm thêm nhưng lại xảy ra nhiều trường hợp mới làm được 1 tháng đã bị sa thải. Trình độ tiếng Nhật chưa tốt là nguyên nhân rất nhều.

Trong bài viết này, dựa theo những thông tin tham khảo trên mạng, tôi sẽ tổng hợp và giới thiệu đến các bạn độc giả, đặc biệt là du học sinh những điều cần lưu ý khi làm việc tại Nhật để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

1. Lời chào

Lời chào Aisatsu (あいさつ) là điều cơ bản nhất khi làm trong môi trường Nhật Bản. Với người Nhật, chào hỏi là một trong những cách thức giao tiếp quan trọng với người khác. Đó được xem là việc mà ai cũng có thể làm được, vì vậy người không biết chào hỏi sẽ bị đánh giá là không làm được việc gì.

Ngoài ra, cách chào cũng quan trọng. Nếu bước vào chỗ làm mà chào với vẻ mặt buồn rầu, giọng nhỏ xíu sẽ bị cho là không có tinh thần làm việc. Những người biết chào hỏi nghiêm túc với vẻ mặt tươi tắn, giọng to rõ ràng, đầy sức sống, rất được người Nhật quý mến và thích làm việc cùng.

Vì vậy các bạn hãy bắt đầu ngày làm việc với lời chào thật khỏe khoắn nhé!

2. Nếu có kế hoạch gây ảnh hưởng đến công việc phải thông báo ngay

Một trong những nguyên nhân gây sa thải nhiều nhất thường là đi trễ, đột ngột nghỉ việc mà không báo trước… Người Nhật là một dân tộc luôn tuân thủ theo đúng kế hoạch được giao, công việc đã định.

Vì vậy, người không tuân thủ sẽ bị đánh giá là vô dụng. Trong công ty, việc giao sản phẩm cho khách hàng đúng thời hạn là chuyện hiển nhiên. Nếu vì ai đó đột nhiên nghỉ việc làm chậm trễ giao hàng cho khách sẽ khiến công ty mất việc, làm ảnh hưởng đến uy tín, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ bị phá sản.

Cho nên, trong công ty cũng như chỗ làm, nếu vì lý do nào đó bạn phải nghỉ thì hãy thông báo trước cho người quản lý ít nhất 1 tuần, để họ nhanh chóng sắp xếp xử lý, không ảnh hưởng đến công việc.

Hoặc trên đường đi phát sinh sự cố ngoài ý muốn làm bạn sẽ phải đến trễ, thì hãy nhanh gọi điện thoại cho người quản lý thông báo rõ tình hình. Tuyệt đối, tránh việc không thông báo liên lạc gì khi đến nơi lại vội vàng thanh minh, viện lý do.

Với người Nhật, việc “tuân thủ thời gian” rất nghiêm khắc, dù trễ 1 phút cũng bị cho là trễ nên có biện hộ cũng không ai tin, ngược lại còn bị đánh giá kém.

3. Sau khi ký hợp đồng, không được thay đổi ngày làm việc

Có những người khi phỏng vấn thì nói: “Tôi có thể làm việc vào thứ 7, Chủ Nhật.” Nhưng sau khi được tuyển vào thì lại bảo: “Tôi không thể đi làm thứ 7, Chủ Nhật được”, vì thế mà bị đuổi việc.

Tại nơi làm, nhất là các quán ăn nhà hàng, lượng công việc vào hai ngày cuối tuần tăng cao nên họ cần những người có thể đi làm vào hai ngày đó. Nếu bạn biện minh vì trường học nghỉ nên bạn cũng không muốn đi làm thì họ sẽ nói rằng: “Vậy chúng tôi không cần bạn vào làm nữa”.

Cách tốt nhất là ngay khi phỏng vấn, bạn cần trao đổi rõ ràng nguyện vọng của bản thân cũng như hiểu được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Nếu làm tại các nhà hàng, bạn buộc phải chấp nhận làm thêm cả ngày thứ 7, Chủ Nhật và ngày lễ.

4. Khi không hiểu, phải hỏi lại lần nữa

Hầu như đây là lỗi mà ai học ngoại ngữ cũng một lần mắc phải. Mặc dù nghe không hiểu gì vẫn gật đầu nói “Hai, Wakarimashita” – Vâng, tôi hiểu rồi.

Nếu là cuộc nói chuyện bình thường thì không xảy ra vấn đề gì lớn nhưng trong công việc, khi nghe không hiểu chỉ thị của cấp trên mà lại nói hiểu rồi sẽ làm sai chỉ thị, làm ảnh hưởng đến công việc chung của tập thể. Bạn sẽ bị đánh giá kém, có khả năng bị đuổi việc.

Để tránh những trường hợp thế này, khi không hiểu, bạn nên nói:

“すみません、よくわかりませんでした。もういちどおしえてもらえませんか”

Sumimasen, yoku wakarimasendeshita. Mouichido oshietemoraemasenka.

nghĩa là: Xin lỗi, tôi vẫn chưa hiểu lắm. Anh/chị có thể nhắc lại một lần nữa được không ạ?

Đừng ngại người Nhật trách mắng, họ sẽ giải thích rõ cho bạn, chỉ cần bạn không làm sai chỉ thị được giao.

5. Không được tự ý phán đoán nội dung công việc

Cũng có những trường hợp bị đuổi là do tự ý phán đoán rồi làm sai công việc so với nội dung chỉ thị được giao. Nếu người quản lý nói rằng: “Hãy làm như thế này”, thì hãy làm theo như vậy.

Cho dù bạn có nghĩ ra cách nào hay hơn cũng không được tự ý làm mà phải hỏi ý kiến quản lý rằng: “Tôi nghĩ làm theo cách XXOO này sẽ tốt hơn, không biết anh/chị thấy sao.” Khi được sự cho phép của quản lý mới được làm.

Nếu bị từ chối, dù cách đó có mang lại hiệu quả tốt thế nào cũng không được tự ý hành động. Bạn nhất định phải tuân thủ chặt chẽ chỉ thị được giao.

Đó là 5 điều quan trọng khi làm việc trong môi trường Nhật Bản. Không chỉ ở nơi làm thêm mà còn có thể áp dụng khi đang làm việc trong công ty Nhật Bản.

Hãy cùng ghi nhớ và tuân thủ chặt chẽ 5 điều này để hòa nhập tốt với môi trường làm việc mới nhé!

Kim Ngân

Du học sinh Việt tại Nhật Bản làm thêm tới kiệt sức: Cuộc sống ở Nhật thực sự “rất khổ”?

Nữ du học sinh ở Nhật và những cú sốc khi đi làm thêm

Trải nghiệm những “góc khuất” của Nhật Bản qua lăng kính một du học sinh Việt

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: