Ngày 6/8/2020 – Tưởng niệm 75 năm vụ ném bom hạt nhân ở Hiroshima và Nagasaki
Năm 2020 đánh dấu 75 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử ở hai thành phố Hiroshima (ngày 6 tháng 8) và Nagasaki (ngày 9 tháng 8) trong Thế chiến II. Chính quyền thành phố dự kiến sẽ tổ chức lễ tưởng niệm, nhưng do đại dịch Covid-19 mà việc tổ chức sự kiện gặp nhiều hạn chế. Tuy khó có thể mở cửa cho nhiều người tham dự nhưng sự kiện sẽ được phát sóng Online.
Ảnh http://www.abolition2000.org/en/news/2020/07/05/nuclear-remembrance-days-75th-anniversary-of-hiroshima-and-nagasaki-nuclear-bombings/
Phát biểu ở cuộc họp nội các trước thềm sự kiện tưởng niệm thường niên, Thủ tướng Abe chia sẻ:
”Tôi gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới linh hồn các nạn nhân. Chúng ta không bao giờ để thảm kịch ở Hiroshima và Nagasaki lặp lại.”
Ông cũng cam kết duy trì 3 nguyên tắc phi hạt nhân của Nhật Bản, không sản xuất, không sở hữu và không cho phép vũ khí hạt nhân tồn tại trên lãnh thổ của mình.
Lễ kỷ niệm chính thức tại Hiroshima và Nagasaki sẽ diễn ra vào ngày 6 và 9 tháng 8, vào lúc 8:00 sáng theo giờ Nhật Bản. Buổi lễ năm nay sẽ được thu hẹp do đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Chính quyền thành phố Hiroshima cho biết đại diện của 93 quốc gia và Liên minh Châu Âu EU sẽ tham dự sự kiện tưởng niệm hoà bình lớn thứ 2, kể từ lễ tưởng niệm 70 nămnăm 2015 với đại diện của 100 quốc gia tham dự.
Chính quyền thành phố Nagasaki cũng ước tính sẽ có quan chức của 74 quốc gia tham dự sự kiện năm nay.
Tưởng niệm các nạn nhân trong thảm hoạ bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki là sự kiện thường niên ở Nhật Bản. Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, quân đội Mỹ đã ném quả bom nguyên tử lõi urani mang tên “Little Boy” xuống thành phố Hiroshima lúc 8h15 sáng 6/8/1945. Sức công phá của quả bom đã cướp đi sinh mạng của 140,000 người.
Vài ngày sau đó, ngày 9/8/1945 thành phố Nagasaki cũng bị ném bom nguyên tử, khiến 70,000 người thiệt mạng trước khi Nhật Bản đầu hàng kết thúc Thế chiến II. Những tác động của phóng xạ vẫn khiến hàng nghìn người bị ảnh hưởng về sức khoẻ, cuộc sống sau này.
Hàng năm kể từ năm 1984, một nhóm nhỏ các nhà vận động hoà bình từ Pháp và Đức đã nhịn ăn từ ngày 6 tháng 8 đến ngày 9 để tưởng niệm các vụ đánh bom hạt nhân, đồng thời kêu gọi xoá bỏ vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Trong những năm gần đây, nhiều cá nhân, tổ chức ở Bờ Biển Ngà, New Zealand, Anh và Hoa Kỳ cũng tham gia.
AD