Nhiều trường Trung học ở Tokyo yêu cầu điểm thi đầu vào cao hơn đối với học sinh nữ

Tại Tokyo, mặc dù Chính quyền địa phương đã nỗ lực khắc phục vấn đề phân biệt giới tính trong việc tính điểm của các kỳ thi tuyển sinh vào các trường Trung học Phổ thông nhưng 80% các trường học vẫn đặt ra mức điểm đậu của nữ cao hơn nam.

Để giải quyết vấn đề, Ủy ban Giáo dục Thủ đô Tokyo đã áp dụng các biện pháp khắc phục đối với 30 – 40 trường học mỗi năm, nhưng tài liệu nội bộ Chính phủ cho thấy từ năm 2015 đến năm 2020, khoảng 80% trường học vẫn yêu cầu điểm đậu cao hơn đối với nữ sinh. 

Ảnh https://mainichi.jp/english/articles/20210526/p2a/00m/0na/017000c

Trong thang điểm 1000, có trường hợp trường học yêu cầu nữ sinh đạt điểm cao hơn so với nam sinh 243 điểm, và 20 nữ sinh khác bị đánh trượt mặc dù điểm của họ cao hơn điểm của 20 nam sinh thấp điểm nhất trong số người đậu. 

Kết quả điều tra của Mainichi Shimbum cho thấy, những trường Trung học thuộc quyền quản lý của Ủy ban Giáo dục Thủ đô Tokyo là những trường duy nhất được quản lý bởi Chính quyền địa phương và thực hiện việc kiểm soát giới tính dựa trên tỷ lệ nam nữ.

Việc xét điểm đậu phụ thuộc vào 2 yếu tố: Học bạ (300 điểm) và điểm từ bài thi tiếng Nhật, Toán, tiếng Anh, Khoa học và Xã hội (tổng 700 điểm). 

Để ngăn chặn việc phân biệt giới tính, bắt đầu từ các kỳ kiểm tra tuyển sinh năm 1998, Hội đồng Giáo dục thành phố đã thực hiện biện pháp điều chỉnh với các Trường học có chênh lệch điểm đậu giữa nam và nữ đặc biệt cao. Hệ thống xét tuyển áp dụng 90% dựa trên giới tính rạch ròi để tính đậu hoặc rớt, 10% còn lại là dựa vào thứ tự ưu tiên phi giới tính để xét tuyển. Hệ thống đã được sử dụng cho khoảng 30 đến 40 trường cấp 3 truyền thống ở Thủ đô những năm vừa qua.

Để đảm bảo tính hiệu quả, Hội đồng Giáo dục Thành phố xem xét thay đổi ngưỡng đậu qua mỗi năm. Khi Mainichi Shimbun đưa ra yêu cầu công bố thông tin bao gồm cả kết quả từ việc đó, vào tháng 3 năm 2021, Hội đồng Giáo dục Thành phố đã cung cấp thông tin về 199 Trường học. 

Ảnh https://mainichi.jp/articles/20210526/k00/00m/040/009000c

Trước khi có biện pháp điều chỉnh, trong số 170 trường, có 90% trường có sự khác biệt về ngưỡng điểm đậu thấp nhất dành cho nam sinh và nữ sinh. Có 27 trường có ngưỡng điểm đậu dành cho nữ sinh cao hơn 100 điểm so với nam sinh, 41 trường có ngưỡng là 50-99 điểm, 31 trường có ngưỡng 40-49 điểm, 27 trường có ngưỡng 30-39 điểm, 26 trường có ngưỡng 20-29 điểm, 8 trường có ngưỡng 10-19 điểm, 10 trường có ngưỡng 9 điểm hoặc thấp hơn. 

Số điểm chênh lệch lớn nhất được ghi nhận là 426 điểm. Trong 10% các trường còn lại, ngưỡng điểm đậu của nam và nữ gần như nhau, hoặc ngưỡng điểm đậu dành cho nam sinh cao hơn nữ sinh. 

Sau khi thực hiện các biện pháp điều chỉnh, trong 153 trường, vẫn có khoảng 80%, trường giữ ngưỡng điểm đậu của nữ sinh cao hơn. 

Nhìn chung, mức chênh lệch ngưỡng điểm đầu vào của nữ sinh so với nam sinh đã giảm xuống. Từ 100 điểm trở lên ở 5 trường, 50-99 điểm ở 14 trường, 40-49 điểm ở 5 trường, 30-39 điểm ở 13 trường, 20-29 điểm ở 34 trường, 10-19 điểm ở 36 trường và từ chín điểm trở xuống tại 46 trường, mức chênh lệch lớn nhất vẫn là 243 điểm, cho thấy các biện pháp chưa hiệu quả. 

Mainichi Shimbun cũng yêu cầu công bố điểm đậu thấp nhất của các trường Trung học chưa được áp dụng biện pháp điều chỉnh, nhưng Hội đồng Giáo dục Thành phố đã từ chối với lý do là “Nó có thể dẫn đến việc xếp hạng trường học và thúc đẩy sự cạnh tranh.”

Ảnh https://news.yahoo.co.jp/byline/sendayuki/20180803-00091738/

Về tình trạng hiện tại, một quan chức của Hội đồng Giáo dục cho biết không có vấn đề gì với hệ thống tuyển sinh này: “Các thí sinh biết rất rõ về sự khác biệt trong ngưỡng điểm đầu vào giữa nam và nữ.”

Họ nói thêm: “ Chúng tôi thừa nhận rằng các biện pháp khắc phục hiện tại không hoàn hảo. Chúng tôi muốn nghĩ cách để cải thiện nó phù hợp với xã hội ngày nay.” 

Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ đưa ra ý kiến của mình về vấn đề: “Về mặt tổng thể, việc mọi người bị đối xử khác biệt do giới tính của họ vì những lý do phi lý là không tốt”. Nhưng họ tiếp tục: “Chúng tôi coi sự khác biệt trong việc tuyển sinh nam và nữ là hợp lý theo đánh giá của Chính quyền Thủ đô Tokyo.”

LINH
Xem thêm: