Người Nhật tự trồng rau, đi bộ để giảm bớt chi tiêu giữa bão giá đang tăng cao
Ngạc nhiên trước tốc độ tăng giá nhiên liệu, thực phẩm gần đây, và một loạt các mặt hàng gia dụng khác ở Nhật Bản, Kantaro Suzuki đã quyết định giảm chi tiêu bằng cách đi bộ.
Nhà văn đến từ Tokyo cho biết, anh đã tăng cân vì hạn chế ra ngoài theo khuyến khích của chính phủ vào đầu năm nay bởi dịch Covid-19, Kantaro Suzuki lo lắng về chi phí sinh hoạt khi phải mua quần áo cỡ lớn hơn.
”Tôi không có khả năng sắm cả một tủ quần áo mới, đặc biệt là nếu giá cả bắt đầu tăng, điều này rất có thể xảy ra. Vì vậy tôi bắt đầu đi bộ và chạy bộ”, anh nói.
https://www.scmp.com/
Đối với Yuuki Bando, một chủ doanh nghiệp ở miền Nam Nhật Bản, nỗi lo nhất là giá nhiên liệu tăng. Để cân đối chi phí, cô đã có quyết định mua các loại rau có giá cả phải chăng hơn ở siêu thị.
”Tôi phải sử dụng xe hàng ngày và giá nhiên liệu đã cao hơn đáng kể so với vài tháng trước, trong khi mức lương của hầu hết nhân viên công ty không thay đổi trong hơn một thập kỷ qua, nhưng tôi còn lựa chọn nào tốt đâu? Tôi sống ở vùng nông thôn và rất cần xe để đi lại”. Banto điều hành công ty dịch thuật Bang-Do ở thành phố Tokushima trên đảo Shikoku của Nhật Bản.
Sau hơn 2 thập kỷ giảm phát, trong khi khách hàng đã quen với các chiến dịch giảm giá của doanh nghiệp để thúc đẩy chi tiêu, thì người tiêu dùng Nhật Bản bị sốc khi hoá đơn gia đình bỗng tăng cao. Giá tiêu dùng hồi tháng 9 tăng lần đầu tiên sau 18 tháng. Bloomberg ước tính lạm phát cơ bản của Nhật là khoảng 1,4%. Trong khi điều này chủ yếu bắt nguồn từ giá cả hàng hoá tăng mạnh.
Trong số đó có công ty bột mì Nisshin Seifun đã thông báo tăng giá và dành một bài đăng trên web để giải thích cho quyết định này, với minh hoạ bằng các biểu đồ về tỷ giá đồng yên so với đồng USD hay sự gia tăng chi phí vận chuyển. Tập đoàn sản xuất thực phẩm khổng lồ Kikkoman cho biết, họ sẽ tăng giá nước tương, gia vị quan trọng trong ẩm thực Nhật Bản, lên đến 10% so với hồi tháng 2, do chi phí nguyên liệu thô và phí hậu cần tăng. Ngoài ra giá sữa đậu nành cũng sẽ tăng từ 5-6%.
Một ngày trước đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản báo cáo giá bán buôn tăng 8% trong tháng 10 so với một năm trước, mức tăng mạnh nhất trong hơn 4 thập kỷ. Nguyên nhân là do giá dầu thô tăng cao và đồng yên trở nên yếu đi, đã đẩy chi phí hàng nhập khẩu lên cao.
Giá xăng dầu và các sản phẩm than tăng hơn 44%, tương tự giá gỗ tăng 57%, trong khi thép và sắt tăng gần 22%, kim loại màu tăng cao hơn 31,4%.
Giá hoá đơn tiêu dùng trong các hộ gia đình Nhật Bản cũng tăng cao, với điện, gas và nước đều tăng gần 11%. Chính phủ đang có kế hoạch đưa ra các biện pháp nhằm giảm áp lực lên ngân sách hộ gia đình, trong gói kích thích kinh tế trị giá 55,7 nghìn tỷ yên mà họ sắp công bố.
Các nhà kinh tế nhấn mạnh rằng, người dân Nhật Bản không phải lo lắng quá nhiều vì những khúc mắc trong chuỗi cung ứng có thể sẽ sớm được hoàn thiện, và các quốc gia xuất khẩu nhiên liệu sẽ đẩy mạnh sản xuất trong những tháng tới.
Martin Schulz, chuyên gia chính sách kinh tế tại công ty công nghệ thông tin và truyền thông Fujitsu’s Global Market Intelligence Unit, cho biết Nhật Bản đã tránh được những đợt tăng giá thậm chí còn mạnh hơn từng xảy ra ở các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, Bắc Mỹ. Trong lĩnh vực năng lượng, điều này có được là nhờ các nhà nhập khẩu Nhật Bản thường có xu hướng ký hợp đồng rất dài hạn. Martin Schulz nói: ”Theo tôi, các vấn đề về chuỗi cung ứng sẽ được giải quyết vào năm tới, nhờ vậy giá sẽ giảm. Trong khi tình hình xăng dầu đang tăng giá, tôi kỳ vọng các nhà sản xuất sẽ tăng sản lượng trong mùa Đông này”.
Ông nói thêm: ”Các công ty Nhật Bản đang nhập khẩu với chi phí cao hơn, nhưng rất miễn cưỡng chuyển những chi phí đó sang người tiêu dùng vì tư duy giảm phát của người dân ở đây. Mặc dù chúng ta chứng kiến sự gia tăng chi tiêu tăng mạnh ở châu Âu và Mỹ khi đại dịch đã dịu bớt, nhưng người tiêu dùng ở Nhật vẫn còn e ngại trong việc chi tiêu. Như thể họ vẫn ở trong tình trạng khẩn cấp vậy. Nhưng nếu chi phí cao hơn không được chuyển sang người tiêu dùng, thì một số công ty có thể phải chịu thiệt hại lớn về lợi nhuận” ông giải thích. ” Điều đó có thể khiến họ cẩn trọng hơn khi đầu tư, làm cho đà phục hồi kinh tế tổng thể chậm hơn so với dự đoán của chính phủ.
Ở tỉnh Saitama, phía Bắc Tokyo, bà nội trợ Ayako Ueda đang làm mọi cách để thích nghi. Cô dự định trồng rau trong chậu ở khu vườn nhỏ bên cạnh nhà mình.
”Chúng tôi cố gắng ăn uống lành mạnh, chúng tôi thích rau cũng như trái cây, nhưng tôi có thể thấy khác biệt lớn về giá trong những tuần gần đây”, cô nói. ” Tôi chưa từng thử trồng rau củ, nhưng giờ tôi quyết định thử trồng cây cà tím, tỏi tây, củ cải. Tôi và chồng cũng cắt giảm các chuyến đi chơi vào cuối tuần, vì tôi liên tục thấy trên bản tin rằng, giá nhiên liệu đang tăng. Chúng tôi chỉ muốn vượt qua tình cảnh hiện nay và hy vọng mọi thứ sẽ tốt hơn vào mùa Xuân tới”.
Suzuki, một nhà văn tự do cũng đã thay đổi lối sống của mình, cắt giảm các chuyến đi chơi với vợ và thậm chí cả số tiền họ chi cho rượu bia.
”Chúng tôi đã sống với tình trạng giảm phát hoặc giá cố định quá lâu nên hầu hết mọi người không biết cách đối mặt với vấn đề này. Nhưng những người tôi quen biết đều cũng phải thay đổi cách chi tiêu cả.”
AD