Bạo lực gia đình tăng cao, đàn ông ở Nhật Bản tố cáo bị phụ nữ hành hung

Trong nhiều thập kỷ, vai trò của người phụ nữ Nhật Bản bị xã hội đánh giá thấp. Quan niệm nữ giới nên ở nhà và nội trợ, dọn dẹp cũng như chăm con vẫn còn rất phổ biến ở Nhật Bản. Thế nhưng tình hình hiện nay đã khác khi tỷ lệ bạo hành gia đình mà nạn nhân là nam giới đang gia tăng chóng mặt.

Ngày 31/5/2019, cảnh sát khu vực Saitama ở phía Bắc Tokyo đã bắt giữ bà Mika Masaoka 44 tuổi vì tình nghi giết chồng mình là ông Kenichi. Bà Mika Masaoka khai với cảnh sát rằng mình mất bình tĩnh khi cãi nhau với chồng và đã đâm vào cổ, ngực của ông bằng dao làm bếp.

Vào tháng 3 cùng năm đó, một phụ nữ 43 tuổi ở ngoại ô Machida, Tokyo cũng bị bắt vì tội đánh thuốc mê bạn trai rồi đâm ít nhất 10 nhát vào anh ta. Người phụ nữ tên Chinatsu Sato nói với cảnh sát rằng mình không hạnh phúc với mối quan hệ này và đã lên kế hoạch giết bạn trai trong khoảng 1 tuần.

Cũng trong tháng 3 đó, bà Yoshiko Imaguchi 65 tuổi ở tỉnh Osaka cũng bị bắt vì tội mưu sát chồng mình vào một buổi sáng. Bà Yoshiko Imaguchi cho biết đã giết chồng, ông Mitsuaki 74 tuổi vì quá căng thẳng bởi những lời phàn nàn không ngừng của ông ấy.

Các trường hợp bạo lực như trên chỉ là đại diện cho một xu hướng đang lan rộng trên nước Nhật. 

Theo trang SCMP đưa tin, các báo cáo chính thức cho thấy số vụ bạo lực gia đình mà nạn nhân là các ông chồng tại Nhật đang tăng đáng kinh ngạc trong những năm gần đây. Các chuyên gia phân tích rằng sự suy giảm kinh tế và sự thay đổi văn hoá lịch sử đã đè nén cảm xúc của các bà vợ, khiến họ phát điên khi phải chăm sóc chồng lớn tuổi không ngừng phàn nàn.

Theo cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, trong năm 2014 có 181 đơn khiếu nại về bạo lực gia đình do nam giới gửi đến. Nhưng con số này đã tăng lên 1,571 vụ vào năm 2018.

Số liệu của Văn phòng Nội các Nhật cho thấy con số bạo hành có thể lớn hơn rất nhiều vì có nhiều trường hợp không được báo với cơ quan chức năng.

Một cuộc khảo sát chỉ ra rằng vào năm 2017, tỷ lệ đàn ông Nhật từng bị bạo lực gia đình là 14,5%, tăng từ 10,8% năm 2014, và 8,1% trong năm 2002. Con số này có thể xuất phát từ các áp lực lên người phụ nữ trong bối cảnh Covid-19.

Tuy các số liệu này vẫn thấp hơn đáng kể so với những vụ bạo lực do chồng, bạn trai gây ra cho phụ nữ, tuy nhiên tỷ lệ báo cáo nam bạo hành nữ tại Nhật đã có xu hướng giảm từ 33,2% năm 2008, 32,9% năm 2011 xuống 31,3% năm 2017.

Khi các nạn nhân được hỏi tại sao họ không trình báo trường hợp của mình sớm hơn cho cảnh sát, hầu hết nam giới cho biết những vụ bạo hành như thế này không đến mức nghiêm trọng để yêu cầu sự giúp đỡ, trong khi những người khác cho rằng họ có một phần lỗi trong các vụ bạo hành như vậy.

Giáo sư Makoto Watanabe của trường Đại học Hokkaido Bunkyo cho biết: ”Rất nhiều vụ bạo hành nam giới diễn ra ở các cặp vợ chồng từ 40 đến 50 tuổi. Đối tượng là những gia đình khá giả. Khi ngân sách gia đình bị thu hẹp, những người phụ nữ cho rằng lỗi là tại các ông chồng”.

Việc kinh tế Nhật giảm mạnh trong 1/4 thế kỷ cũng góp phần làm gia tăng cảm giác khó chịu của các bà vợ. Họ không còn hứng thú với hôn nhân, dẫn đến các cụ bạo hành và mưu sát chồng.

Giáo sư Makoto Watanabe nói thêm rằng ” Các bà vợ cảm thấy thất vọng trong cuộc sống của mình. Họ đã từng có rất nhiều niềm vui trong quá khứ, nhưng cuộc sống của họ bây giờ chẳng còn gì thú vị nữa”.

Đồng quan điểm, Giáo sư Tomoko Suga tại Đại học Rakuno Gakuen ở Hokkaido, người đã nghiên cứu các xu hướng bạo lực gia đình trong 2 thập kỷ, nhận định rằng đàn ông Nhật Bản hiện tại đang trở nên hoà nhã, mềm mỏng hơn trước. Họ mong nhận được sự giúp đỡ từ xã hội khi bị vợ hành hung. Trong khi đó, phụ nữ vẫn đang tiếp tục đấu tranh cho các quyền lợi tại nơi làm việc và bình đẳng trong xã hội.

Tomoko Suga cho biết “Xã hội Nhật Bản đã thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây và nam thanh niên ngày nay điềm đạm và hiền lành hơn xưa”.

Đánh giá đó cộng hưởng với sự xuất hiện của thế hệ “thanh niên ăn cỏ” ở Nhật Bản, những nam giới không có hứng thú với chuyện tình dục. Trong khi phụ nữ Nhật vẫn hàng ngày vùng lên đòi quyền bình đẳng trong xã hội. Điều này khá trái ngược với Nhật Bản thời kỳ hậu Thế chiến với đại đa số đàn ông Nhật có tinh thần tự tôn cao gắn liền với tham vọng xây dựng nên một nền kinh tế Nhật Bản phát triển.

”Tôi nghĩ rằng trước đây đã có tình trạng nữ giới bạo hành nam, tuy nhiên chẳng ai muốn báo cáo sự việc vì nó thật xấu hổ, và cũng không có sự giúp đỡ nào cho họ” bà Suga nói.

yuki
Xem thêm: