Công bố chính thức của Chính phủ Nhật Bản về kịch bản tồi tệ nhất khi đại động đất xảy ra

Gắn liền với hình ảnh nước Nhật, bên cạnh Hoa Anh Đào còn có…thảm hoạ thiên nhiên, cụ thể là động đất. Cứ vài năm một lần đất nước này lại phải đối mặt với một trận động đất lớn, gây ra những thiệt hại liên tiếp.

Có lẽ nhiều người vẫn nhớ như in về Thảm kịch “Đại động đất ở miền Đông Nhật Bản” xảy ra vào tháng 3 năm 2011.

https://www.jiji.com/jc/d4?p=lat216&d=d4_quake

Nhưng cũng chính vì thường xuyên đối diện với động đất mà các đối sách hạn chế thiệt hại của quốc gia này ngày càng được hoàn thiện. Dù các toà nhà có bị rung chấn thì khả năng gây nguy hiểm do sụp đổ rất ít.

Tuy nhiên vấn đề nghiêm trọng hiện tại chính là không thể ngăn chặn được sóng thần (hiện tượng thường xảy ra kèm với động đất). Nếu một cơn sóng thần như trong ảnh tấn công vào đất liền, lúc này không còn chạy kịp nữa.

Độ cao của cơn sóng thần này lên tới 40 mét, hãy tưởng tượng cơn sóng với chiều cao tương đương toà nhà văn phòng 10 tầng và căn hộ chung cư 13 tầng. Dù có làm bao nhiêu đê chắn sóng cũng không thể nào ngăn được cơn sóng với chiều cao như vậy.

Phần lớn thiệt hại nước Nhật đang gánh chịu do động đất trong hiện tại đa phần có nguồn cơn từ cơn sóng thần năm ấy. Con số người thiệt mạng là 15.899 người. Gia đình tôi sống ở vùng ven biển Iwate, có người đã qua đời do bị sóng cuốn đi, có người mất tích đến tận bây giờ.

Giả sử thảm hoạ như vậy lặp lại thì sao?

Đó không phải là quan ngại mang tính cá nhân mà đã trở thành vấn đề được đặt ra trên toàn nước Nhật. Thậm chí gần đây Chính phủ đã công khai các thông tin cho thấy nhận định chính thức của họ với những con số gây choáng ngợp.

Trải dài từ Hokkaido đến vùng Tohoku có một rãnh đại dương lớn (Rãnh đại dương hay Máng nước sâu là một dạng địa hình lõm kéo dài và hẹp với kích thước cỡ nửa bán cầu nằm trên đáy đại dương – Theo Wiki). Tại đây khả năng sẽ xảy ra một trận đại động đất.

Trong trường hợp xảy ra động đất lớn cấp 9, tối đa 190,000 người, tức là khoảng 200,000 người sẽ thiệt mạng. Nếu động đất xảy ra vào mùa Đông, đây sẽ là kịch bản tồi tệ nhất.

Hokkaido và Tohoku đều là những vùng lạnh giá. Khi động đất sóng thần xảy ra, việc cung cấp điện và khí đốt sẽ tạm ngưng. Lúc này ngay cả khi cứu được người ra khỏi đống đổ nát của động đất, cũng không đảm bảo được họ sẽ sống sót vì thiếu thốn lương thực và thời tiết khắc nghiệt.

Đại thảm hoạ năm 2011 là vết thương lớn không ngừng làm đau nước Nhật, thế nhưng với mức độ thiệt hại gấp 10 lần, tiếp theo đây quốc gia này có thể phải nhận đòn tấn công chí mạng mang tính huỷ diệt. Đặc biệt là ở Hokkaido.

Rút kinh nghiệm từ quá khứ, thiệt hại của sóng thần chủ yếu gây ra cho vùng ven biển. Một số ý kiến cho rằng nếu giải tán khu vực dân cư ven biển thì có thể giảm thiểu thiệt hại. Chuyện không thể được giải quyết đơn giản như vậy khi còn vấp phải vấn đề việc làm.

Sở dĩ Chính phủ Nhật Bản công bố các dữ liệu dự đoán này là bởi họ đang nghiêm túc cân nhắc đến các đối sách khi thảm hoạ thực sự xảy ra. Cùng lúc đó, Chính phủ cũng đưa ra thông điệp cho mỗi người dân phải tự trang bị các kiến thức để bảo vệ cho chính mình, cụ thể:

  • Khi động đất xảy ra phải chú ý đến cảnh báo sóng thần
  • Khi có cảnh báo sóng thần, lập tức di chuyển đến các địa điểm tị nạn theo chỉ định
  • Mỗi nhà đảm bảo biện pháp chống rét, lương thực và nước uống
  • Tự trang bị máy phát điện hoặc sạc dự phòng dung lượng lớn trong trường hợp cắt điện

Nếu chỉ trông đợi vào cứu trợ không thể đảm bảo an toàn cho tính mạng mỗi công dân. Mỗi người bắt buộc phải tự chuẩn bị các biện pháp để tồn tại.

Qua thông tin này tôi hy vọng các bạn đang sống ở Nhật, đặc biệt là những bạn sống ở vùng ven biển hãy chuẩn bị thấu đáo.

Kengo Abe
Xem thêm: