Vụ việc TikTok “tiếp thị lén lút” trên Twitter gây lùm xùm ở Nhật
Quảng cáo truyền hình được thực hiện theo chỉ dẫn từ nhà sản xuất, do đó không thể bao hàm các thông tin tiêu cực của nhãn hàng.
Tương tự với các chương trình TV, môi trường hoàn hảo để các nhà tài trợ thực hiện kế hoạch giới thiệu sản phẩm, không những không thể đưa ra thông tin tiêu cực mà cả những điểm mạnh của sản phẩm cũng được trình bày một cách cường điệu.
Thế nhưng tin tức trên mạng thì khác.
Vì các bài đăng trên mạng xã hội thể hiện tiếng nói của người dùng, do đó với những bài viết nhận được đánh giá cao, nhiều người sẽ cho rằng tin tức bao hàm trong đó đáng tin cậy.
Từ đó mà các phương pháp Marketing sử dụng khéo léo những bài đăng trên mạng ra đời, gọi chung là ステルスマーケティング (Stealth Marketing – Marketing lén lút: quảng cáo nhưng cố để người khác không nhận ra là có quảng cáo).
Một số nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội (Influencer) sẽ nhận yêu cầu từ nhãn hàng, viết theo yêu cầu (ở một mức độ thoả thuận) để quảng cáo cho nhãn hàng. Cũng có trường hợp nhãn hàng cho Influencer trải nghiệm sản phẩm và nói ra/viết ra cảm nhận thật. Trường hợp này Influencer được phép viết tự do, do đó ở một mức độ nào đó, các thông tin có thể được tham khảo.
Dù là vậy…vì là bên được nhận, các Influencer cũng hạn chế đưa ra ý kiến tiêu cực (dù thật tâm họ nghĩ như thế nào), do đó cũng không thể khẳng định độ tin cậy là 100%.
Do đó phương pháp trên cũng được bao gồm trong Stealth Marketing, và loại hình Marketing này tạo nên sự khác biệt lớn về mặt kiểm soát thông tin.
Trong thế giới Internet hiện tại, nhiều nhãn hàng sử dụng Stealth Marketing để bán sản phẩm, nhưng không khéo léo nên bị cư dân mạng phát hiện, ném đá. Trong số đó có một vụ việc “khá to” xảy ra ở Nhật.
Nhà điều hành TikTok ở Nhật Bản, ứng dụng Video phổ biến với giới trẻ đã gây ra một vụ lùm xùm khi tiến hành Stealth Marketing. Cụ thể, Tiktok Nhật Bản trả thù lao cho người dùng Twitter (một nền tảng mạng xã hội khác, cực kỳ phổ biến ở Nhật) để đăng Video cụ thể. Vì nội dung Video gần giống nhau nên người dùng nhận ra ngay đó là quảng cáo cho TikTok dù bài đăng không nêu rõ.
Nếu ngay từ đầu cho biết rõ đây là quảng cáo thì không có vấn đề gì với cách làm này, thế nhưng vì không chỉ rõ nên Liên đoàn Luật sư Nhật Bản đã đưa công văn và chỉ ra hành động này là lừa dối người tiêu dùng.
Người phát ngôn của ByteDance ở Nhật Bản (điều hành TikTok) cho biết:
“Mục đích của chúng tôi là chia sẻ nội dung, không bao gồm dịch vụ hay sản phẩm, do đó không cần công bố đây là quảng cáo.
Tuy nhiên về mặt kết quả, không thể phủ nhận khả năng gây hiểu lầm cho người dùng. Trong tương lai chúng tôi sẽ tổ chức triệt để để ngăn chặn tình huống tương tự xảy ra”.
Đây là một trường hợp bất thường, trong đó niềm tin của cộng đồng mạng vào các thông tin truyền miệng bị lung lay khi một nền tảng mạng xã hội chọn Stealth Marketing trên một nền tảng mạng xã hội khác, thay vì quảng cáo để bán sản phẩm cho nhãn hàng như thông thường.
Tóm lại, các thông tin trên mạng xã hội đều có khả năng chứa quảng cáo, và bạn là người quyết định có nên tin tưởng hay không. Trước khi quyết định điều gì sau khi đọc một thông tin trên mạng, khuyên bạn nên tìm hiểu kỹ càng nhiều nguồn tin khác nhau ở những nền tảng khác nhau để kiểm chứng.
Kengo Abe