Câu chuyện người tử tù và tiếng khóc than của một gia đình
Dù ở quốc gia nào đi chăng nữa, phạm tội phải bị trừng phạt.
Mặc dù vẫn có những tranh cãi xung quanh mức phạt dành cho một tội nhất định là quá nặng hay quá nhẹ, thế nhưng tôi nghĩ rất ít người phản đối việc trừng phạt các phạm nhân. Thế nhưng trường hợp một người bị oan thì sao?
Và cho dù có thực sự gây ra tội, bạn nghĩ gì về việc gia đình của họ cũng phải chịu các trừng phạt của xã hội?
Trước khi trả lời cho câu hỏi này, hãy cùng đọc qua câu chuyện dưới đây.
Chuyện xảy ra cũng mới đây thôi, vào tháng 6 năm 2021.
Tại Sân Bay Quốc tế Kansai ở Osaka, một người phụ nữ 37 tuổi ôm bé gái mới 4 tuổi, nhảy từ cầu Sky Gate Bridge R xuống để tự sát.
Người phụ nữ là con gái của tử tù Hayashi Masumi còn bé gái là con của cô.
Ngay trước vụ việc, Sở cứu hỏa đã nhận được trình báo của người phụ nữ 37 tuổi (ở Nhật Bản, cung cấp xe cứu thương thuộc thẩm quyền của Sở cứu hỏa). Nguyên nhân vì con gái lớn của cô bị mất ý thức. Khi nhân viên của Sở cứu hỏa đến hiện trường thì xác nhận cô con gái 16 tuổi đã tử vong. Nguyên nhân tử vong là sốc chấn thương ngoại. Khả năng cao vì cô bé đã bị bạo hành thể xác hằng ngày. Thế nhưng bên bạo hành là gia đình hay nhà trường, vẫn chưa thể xác định.
Bây giờ hãy đến với câu chuyện của tử tù Masumi Hayashi (mẹ của nhân vật trên).
Vào năm 1998, tại một sự kiện của hiệp hội khu phố, 4 nạn nhân bao gồm cả học sinh tiểu học và học sinh cấp 3 tử vong do ăn phải Cà ri bị lẫn chất độc. Đến năm 2019, Tòa án tối cao xác định án tử hình dành cho Masumi Hayashi, người được cho là chủ mưu. Trước đó tù nhân bị giam tại Nhà giam Osaka.
Masumi Hayashi có tổng cộng bốn người con. Đứa con gái – người ôm con tự sát là con cả. Khi vụ án của mẹ cô xảy ra, cô mới chỉ là học sinh trung học năm 3. Vụ án này chính là nơi vòng lặp địa ngục của một gia đình bắt đầu.
Con gái lớn hỏi người mẹ đang bị giam trong Nhà giam Osaka rằng:
“Mẹ làm vậy thật sao? Hãy kể cho con nghe sự thật”.
Trước người con không thể giữ được sự bình tĩnh, Masumi Hayashi đã trả lời “Mẹ không làm vậy”.
Dù cô vẫn tiếp tục học cấp 3, nhưng sau 1 năm đã bỏ học và bắt đầu đi làm ở Osaka. Không có người thân để nương tựa, khoảng 1 tuần cô trở thành người vô gia cư. Công ty và cửa hàng làm thêm của cô biết chuyện đã đuổi việc cô. Và việc này cứ tiếp tục lặp đi lặp lại. Một vòng luẩn quẩn không hồi kết.
4 người con trong gia đình tin rằng mẹ mình vô tội, thế nhưng việc mẹ họ (khi ấy) đứng trước nguy cơ bị kết án tử hình trong mắt xã hội đã quá rõ ràng. Trên cương vị những kẻ kinh doanh buôn bán, cũng không thể trách khi các doanh nghiệp không chấp nhận thuê con cái của người đã phạm trọng tội.
Dù có bị cả xã hội quay lưng, cô con cả vẫn chịu đựng mà sống. Dù khổ sở là vậy, nhưng cô vẫn tìm được bạn đời, thậm chí dắt theo con của mình (cháu của Masumi Hayashi) đến thăm bà. Con gái luôn tin mẹ vô tội, và đã hạ quyết tâm chiến đấu đến cùng.
Thế nhưng Tòa án tối cao đã quyết định án tử hình. Trừ khi có trường hợp đặc biệt nếu không phán xét này sẽ không thể bị lật ngược.
Từ khi phán xét được đưa ra, cô con gái không xuất hiện một lần nào trong cuộc họp của nhóm những người ủng hộ. Và kết cục của cô đã được nhìn thấy ở đầu bài.
Masumi Hayashi luôn phủ nhận tội trạng của mình. Nhưng dù vậy, các chứng cứ gián tiếp (những bằng chứng dựa trên suy đoán, ví dụ như dấu vân tay, trái với chứng cứ trực tiếp khẳng định một sự thật, không cần thêm suy luận hay các bằng chứng bổ sung khác) đã chống lại bà và dẫn đến bản án tử hình.
Phán quyết đã được đưa ra, nhưng Masumi Hayashi có đúng là kẻ chủ mưu và có oan không khi bà phải lãnh án tử hình?
Thêm nữa, dù suy luận theo cách nào, người nhà của Masumi Hayashi không gây ra bất cứ tội trạng nào. Vậy liệu có đúng đắn không khi họ phải sống một cuộc đời khổ sở và chịu kết cục bi thảm như vậy?
Bản thân kẻ đang sợ hãi trước bản án tử của mình lại phải nghe tin con gái tự sát sẽ cảm thấy như thế nào? Khi đó lỗi thuộc về hệ thống pháp luật, hay phương tiện truyền thông?
Câu trả lời cho câu hỏi này không hề đơn giản, thế nhưng hãy tự hỏi bản thân về những cảm xúc lúc này khi đọc một tin tức như vậy…
Abe Kengo