Chính quyền Tokyo có động thái chính thức ủng hộ cộng đồng LGBT thông qua “Chế độ tuyên thệ bạn đời”

Một người có thể mang trong mình nhiều cá tính, được nhận diện bằng các đặc thù trên cơ thể, các đặc điểm thuộc tinh thần trong đó có những năng lực khác nhau. Dù ở thể loại nào, thiểu số luôn gặp khó khăn trong việc khiến những người xung quanh thấu hiểu, kết quả họ bị cư xử không phù hợp. Có nhiều trường hợp nhóm thiểu số không nhận được những đối đãi mà lẽ ra phải được nhận với tư cách là một công dân.

Trong số các nhóm thiểu số đang chịu những bất công từ xã hội có cộng đồng LGBT, vấn đề đã được đem ra tranh luận trong nhiều năm liền.

Hiện tại ở một số quốc gia đã có những thừa nhận nhất định đối với cộng đồng LGBT, tuy nhiên ở Nhật, họ vẫn chưa thực sự được thấu hiểu.

Quan điểm người Nhật khá rõ ràng:

Nam phải cư xử cho ra nam

Nữ phải cư xử cho ra nữ

Bạn có biết từ tiếng Nhật 女々しい (Memeshii) không? Từ này tạm dịch là ẻo lả, nhu nhược, ám chỉ những người dù là con trai nhưng không quyết đoán hay không có năng lực hành động giống như con gái. Từ ý nghĩa này có thể nhận thấy đây là từ rất phân biệt giới tính.

Cá nhân tôi cho rằng hiện tại, phụ nữ quyết đoán và hành động nhanh lẹ hơn cánh đàn ông nhiều.

Tại Nhật có quan niệm nam giới làm việc bên ngoài, còn nữ giới ở nhà lo việc gia đình, nuôi dưỡng con cái và hỗ trợ chồng. Do đó ở Nhật có cách gọi chồng là 主人 (Shujin) – dịch ra là “chủ nhân”.

Rõ ràng hôn nhân không phải là mối ràng buộc chủ – tớ mà là sự hỗ trợ của những người “bạn đồng hành”.

Để giải quyết điều này, rõ ràng nam giới phải thay đổi suy nghĩ, thế nhưng cũng có nhiều nữ giới Nhật mong muốn được kết hôn và trở thành nội trợ toàn thời gian. Trên phương diện này tôi cho rằng cách nghĩ của người Nhật và các nước khác không giống nhau.

Và do đó Nhật Bản trở thành đại diện cho quốc gia có phản ứng rất chậm với các vấn đề liên quan đến cộng đồng LGBT.

Tuy nhiên cuối cùng, Chính quyền Tokyo đã đưa ra những động thái tích cực.

Vào mùa Thu năm 2022, Chính quyền Tokyo sẽ hoàn thành chế độ “tuyên thệ bạn đời”.

Theo Luật pháp Nhật Bản, kết hôn chỉ được diễn ra giữa nam và nữ. Chính quyền địa phương không thể thay đổi điều này, nhưng họ có thể công nhận một số quyền lợi vợ chồng cho các cặp đôi LGBT, một trong số đó là sử dụng nhà ở đô thị.

Nhà ở đô thị là mô hình do Chính quyền Tokyo quản lý, rất phổ biến với các hộ gia đình có thu nhập thấp vì họ có thể sử dụng nhà ở được cung cấp với giá thấp. Chính sách này được thực hiện để hỗ trợ cho các gia đình gặp khó khăn, nhưng giới hạn đối tượng, chỉ dành cho các gia đình.

Về bản chất, các cặp đôi LGBT là gia đình. Nếu cả hai cùng tuyên thệ, hai người sẽ được thừa nhận là một gia đình, và dự kiến sẽ có thể sống chung với nhau.

Thêm nữa là các thông tin y tế.

Vì thông tin y tế là thông tin cá nhân do đó có quy tắc chỉ được tiết lộ thông tin này cho cá nhân đó và người nhà.

Trong trường hợp các cặp đôi LGBT, hiện tại một người không được phép nhận thông tin bệnh tình hoặc điều trị của người còn lại, nhưng qua tuyên thệ, việc này cũng có thể được thay đổi. Rõ ràng họ có quyền biết rõ về tình trạng sức khoẻ của bạn đời.

Theo một khảo sát của Chính quyền Tokyo trên 66,000 người, khoảng 70% trả lời rằng “Chế độ tuyên thệ bạn đời” là cần thiết. Có nghĩa là không chỉ cộng đồng LGBT mà những người dị giới cũng đồng quan điểm.

Tuy “Chế độ tuyên thệ bạn đời” không có hiệu lực về mặt pháp lý, nhưng nếu chế độ này được Chính quyền Tokyo thực thi, rõ ràng cuộc sống của các cặp đôi LGBT ở Tokyo sẽ dễ dàng hơn, đồng thời tạo tiền lệ cho các Chính quyền địa phương khác học theo. Dần dần, Luật pháp cũng sẽ thay đổi, và đến một lúc nào đó, Nhật Bản sẽ công nhận hôn nhân đồng tính.

Kengo Abe
Xem thêm: