Kế hoạch biến nhà vệ sinh tại cửa hàng tiện lợi thành nhà vệ sinh công cộng và ý kiến của các chủ cửa hàng
Có một vấn đề đang xảy ra tại thành phố Yamato thuộc tỉnh Kanagawa đó là tình trạng không có đủ nhà vệ sinh công cộng. Đây là vấn đề mà Hội đồng thành phố đặt ra sau khi so sánh chênh lệch giữa con số 242,000 cư dân thành phố và 46 nhà vệ sinh công cộng, phần lớn được đặt tại ga tàu và công viên. Con số nhà vệ sinh công cộng vẫn giữ nguyên từ hơn 20 năm qua, trong khi Hội đồng thành phố cho rằng như vậy là không đủ. Họ thậm chí lo lắng về giá cả, ước tính rằng không có đủ chi phí để xây dựng nhà vệ sinh công cộng mới vì có thể tốn tới vài triệu Yên.
Nhưng sau đó, các nhà quy hoạch thành phố đã đưa ra một con số khác mang đến hy vọng mới. Trên địa bàn thành phố có 110 cửa hàng tiện lợi, và Hội đồng thành phố đang có kế hoạch biến những nhà vệ sinh tại các cửa hàng đó trở thành nhà vệ sinh công cộng.
Theo kế hoạch đó, cửa hàng tiện lợi sẽ dán Stiker trước lối vào như trong ảnh để thể hiện khách có thể sử dụng nhà vệ sinh như nhà vệ sinh công cộng (không cần mua hàng).
Chủ cửa hàng được chọn có tham gia vào chương trình này hay không và thành phố đã bắt đầu trưng cầu ý kiến vào tháng 2. Tuy nhiên trong khi các quan chức cho rằng đó là một ý tưởng tuyệt vời, đa số chủ cửa hàng không quá nhiệt tình. Hiện tại chỉ có 7 trên tổng số 110 cửa hàng đồng ý tham gia vào kế hoạch, trong số đó 3 cửa hàng có cùng chủ, đồng nghĩ với việc chỉ có 5 người tán thành kế hoạch này.
Không quá khó để thấy được nguyên nhân đằng sau sự miễn cưỡng này. Đối với các chủ cửa hàng, khoản đền bù duy nhất họ nhận được là 200 cuộn giấy vệ sinh miễn phí, dùng trong 1 năm. Trong khi đó, với việc biến nhà vệ sinh tại đây thành nơi công cộng, tần suất sử dụng tăng lên, đi kèm theo việc cần nhiều dụng cụ và nhân lực hơn để giữ nhà vệ sinh sạch sẽ. Thật vô lý khi các nhà hoạch định muốn biến một địa điểm thành nơi công cộng, nhưng chi phí vệ sinh lại thuộc về tư nhân.
Chưa kể việc nhà vệ sinh của cửa hàng bị biến thành nơi công cộng có thể đem lại hình ảnh khó chịu cho một số khách hàng. Trong một xã hội đề cao giá trị của vệ sinh, sạch sẽ như Nhật Bản, rõ ràng sẽ có nhiều người không muốn đi mua sắm (chủ yếu là thức ăn sẵn) tại một nơi gần với nhà vệ sinh công cộng. Cái giá mất đi khách hàng là quá cao so với 200 cuộn giấy vệ sinh đền bù.
Nhưng vốn dĩ phần lớn các cửa hàng tiện lợi trên khắp Nhật Bản đều cho phép khách hàng sử dụng nhà vệ sinh, dù họ có mua sản phẩm hay chỉ đến để xem. Đương nhiên cũng có nhiều khách lịch sự hỏi trước về việc sử dụng, hay mua một món đồ nào đó từ cửa hàng (với mức giá tối thiểu khoảng 100 Yên) sau khi dùng nhà vệ sinh xong.
Vấn đề ở đây có lẽ nằm ở bản thân chiếc Sticker, cụ thể là sự chênh lệch đẳng cấp giữa nhà vệ sinh của cửa hàng và nhà vệ sinh công cộng trong suy nghĩ của các chủ cửa hàng. Dù sao thì kế hoạch của Hội đồng thành phố có thể sẽ phải huỷ bỏ vì thiếu tính khả thi.
Sacchan