Doanh nghiệp Nhật Bản sẽ cắt giảm tối đa đồ nhựa dùng một lần trong tháng 4/2022
Bắt đầu từ tháng này, một số doanh nghiệp ở Nhật Bản sẽ phải giảm thiểu tối đa các sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm cả loại nĩa nhựa phổ biến được giao tại các cửa hàng tiện lợi và nhiều nơi khác trên khắp Nhật Bản.
Luật khuyến khích tái chế rác thải nhựa được Chính phủ Nhật Bản ban hành có hiệu lực từ ngày 01/04/2022. Có nghĩa là các doanh nghiệp ở Nhật phải giảm phụ thuộc vào 12 mặt hàng nhựa sử dụng một lần, bao gồm nĩa, thìa và bàn chải đánh răng.
Nhiều doanh nghiệp cố gắng thay đổi chính sách sử dụng đồ nhựa dùng một lần để kịp với thời gian của quy định mới vào đầu tháng 4. Tuy nhiên một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tìm giải pháp để thu được hiệu quả cao nhất.
Các nhà bảo bệ môi trường cũng lo ngại rằng luật mới có thể không duy trì được lâu.
Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, một số ít doanh nghiệp trước đây cung cấp miễn phí sản phẩm nhựa bắt đầu tính phí cho khách. Thay vào đó, hầu hết doanh nghiệp dự định thực hiện các biện pháp thay thế, chẳng hạn như sử dụng chất liệu khác.
Theo luật mới, các nhà điều hành cửa hàng bán lẻ như cửa hàng tiện lợi và siêu thị, cơ sở ăn uống sẽ phải đặt mục tiêu giảm thiểu đồ nhựa và xem xét lại cách thức cung cấp cho khách hàng những sản phẩm nhựa này.
Họ buộc phải áp dụng ít nhất một trong các biện pháp sau: tính phí cho sản phẩm đó, hỏi khách hàng liệu có nhu cầu dùng đồ nhựa không, tặng ưu đãi cho những khách hàng từ chối dùng đồ nhựa, làm cho đồ nhựa nhẹ đi hoặc sử dụng loại vật liệu an toàn, thân thiện với môi trường hơn, hoặc cung cấp các sản phẩm có thể tái chế…
Những doanh nghiệp này trước đây đã tính phí cho túi nhựa thì giờ đây, họ có thể chọn các giải pháp thay thế khác.
Nhiều cửa hàng tiện lợi ở Nhật đã bắt đầu hành động. FamilyMart giới thiệu những chiếc thìa và nĩa loại nhẹ được khoét lỗ trên tay cầm trong tháng 01/2022. Bắt đầu từ ngày 10/03, FamilyMart cũng tạm dừng cung cấp dao, nĩa và các mặt hàng nhựa khác cho khách tại 10 cửa hàng ở Tokyo.
Seven-Eleven Nhật Bản bắt đầu sử dụng thìa và nĩa nhựa được làm từ khoảng 305 nguyên liệu có nguồn gốc thực vật.
Lawson cũng sử dụng thìa, nĩa loại nhẹ có khoét lỗ trên tay cầm giống FamilyMart. Họ cũng sẽ áp dụng thìa bằng gỗ tại một số cửa hàng ở Tokyo và Osaka.
Tuy nhiên, các chuỗi cửa hàng tiện lợi sẽ không tính phí sản phẩm nhựa với khách hàng, vì họ tin rằng sẽ khó để đạt được thoả thuận từ các chủ cửa hàng nhượng quyền.
Siêu thị Benny Super ở phường Adachi của Tokyo, có khu vực bán đồ ăn nhanh và Bento, tại đây khách hàng có thể lấy nĩa và thìa nhựa gần quầy thanh toán. Siêu thị cho biết sẽ dán các tấm poster tuyên truyền trong việc giảm sự lệ thuộc vào đồ nhựa và khuyến khích khách hàng hợp tác.
Tomoya Akatsu, Giám đốc trụ sở chính của siêu thị cho biết: ”Nếu chúng tôi tính phí các sản phẩm nhựa dùng một lần, doanh số bán hàng của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng. Nếu chúng tôi thay đổi từ nhựa sang gỗ hoặc các vật liệu khác, điều này sẽ làm tăng giá bán”.
Hiệp hội siêu thị quốc gia Nhật Bản với khoảng 300 thành viên là các cửa hàng vừa và nhỏ, đã tiến hành một cuộc khảo sát về vấn đề giảm thiểu đồ nhựa vào tháng Giêng 2022.
Hàng chục cửa hàng đã trả lời bảng câu hỏi khảo sát và khoảng một nửa trong số đó cho biết vẫn chưa quyết định phải làm gì.
”Giải pháp cơ bản không phải là thay đổi vật liệu hoặc giảm số lượng đồ nhựa” Hiromasa Otate, người phụ trách các vấn đề về nhựa thuộc tổ chức Greenpeace cho biết. ”Chính phủ lẽ ra phải yêu cầu các doanh nghiệp tính phí hoặc cấm họ phân phối đồ nhựa cho khách hàng”.
Liên minh châu Âu đã thông qua luật cấm phân phối đồ nhựa dùng một lần như dao, đĩa và ống hút từ năm 2019.
Nhât Bản chỉ mới bắt đầu các nỗ lực thân thiện với môi trường, thua xa các hoạt động tích cực của EU. Có thể thấy các biện pháp đối phó với đồ nhựa chưa quyết liệt, chỉ giới hạn ở việc nhân viên hỏi khách hàng có muốn dùng sản phẩm nhựa hay không.Các chủ doanh nghiệp có trách nhiệm đặt ra mục tiêu cắt giảm của riêng họ, nhưng tỷ lệ cắt giảm cũng như mục tiêu đạt được vào năm tài chính nào là tự nguyện. Họ được yêu cầu thông báo kết quả của các nỗ lực giảm thiểu đồ nhựa nhưng không cần báo cáo với Chính phủ
Điều này đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ phải đối mặt với một trận chiến khó khăn, nếu muốn những nỗ lực giảm thiểu đồ nhựa đạt được hiệu quả cao hơn.
yuki