Cựu Maiko lên tiếng về tình trạng quấy rối trong ngành Geisha, sự thật khủng khiếp về “Hoa Liễu giới”

Một cựu Maiko (Geisha học việc) tại nhà Geisha ở Kyoto đã gây ra những tranh cãi trực tuyến sau khi đưa ra bình luận về mặt trái của ngành công nghiệp truyền thống này.

Theo cách nói của người Edo, Karyuukai (花柳界) – “Hoa liễu giới” bao hàm cả hai nghĩa: gái điếm (ẩn dụ của “Hoa”) và Geisha (ẩn dụ của “Liễu”), và làn ranh giữa hai phạm trù này rất mơ hồ. Cả gái điếm và Geisha đều là những nghệ sĩ giải trí có chuyên môn cao và có kỹ năng, tuy nhiên nếu gái điếm thiên về mặt thể xác, thì Geisha được miêu tả ở góc độ nghệ thuật và giải trí về mặt tinh thần.

Hoa và Liễu đều là những phần không thể thiếu trong nền văn hoá cao cấp của Nhật Bản thời Edo. Bước vào cuộc Duy tân Minh Trị và sự chuyển đổi từ Edo sang Tokyo, Hoa dần biến mất nhưng Liễu vẫn được coi trọng. Những Geisha mặt trắng (họ dùng Oshiroi, phấn trang điểm đặc trưng) mặc trên người Kimono lộng lẫy đã trở thành biểu tượng của nước Nhật, ngay cả khi quy mô của ngành công nghiệp Geisha dần bị thu hẹp. Khi các cơ sở Geisha hiện đại cố gắng tái thiết lập vị trí của họ trong xã hội Nhật Bản hiện đại, làn ranh ban đầu của Hoa và Liễu lại một lần nữa được đem ra tranh cãi. Trong một bài Tweet đang viral của Geisha học việc, cô chỉ ra những khó khăn mà cô phải chịu đựng trên con đường trở thành một Geisha chuyên nghiệp.

Câu chuyện kinh khủng trong một thế giới văn hoá.

Kiritaka Kiyoha (桐貴清羽) là một Maiko 22 tuổi – một Geisha tập sự. Maiko học múa truyền thống, âm nhạc và nghệ thuật giải trí, giao lưu với khách theo các hình thức văn hóa của thời đại trước. Vào năm 2015, Kiyoha tập huấn tại Kyoto, một trong bốn trung tâm lớn của văn hóa Geisha. Cuộc sống của một Maiko không hề dễ dàng và tràn ngập trong những cuộc huấn luyện nghiêm khắc.

Tuy nhiên, đối với Kiyoha, sự chịu đựng của cô đã vượt xa mức có thể chấp nhận, có thể hy sinh để trở thành nghệ sĩ. Nói theo cách riêng của cô ấy, “đầu tiên, Maiko sống tại nơi học trong sáu năm, với mức lương ¥0. Họ chỉ cho chúng tôi (các học viên) một ít tiền để tiêu. Cách duy nhất để liên lạc với thế giới bên ngoài là thông qua thư từ hoặc điện thoại công cộng. Maiko không được phép có điện thoại di động. Tại sao, bởi vì nếu Miko biết về thế giới bên ngoài, họ sẽ bỏ chạy”.

Kiyoha có lượng lớn người theo dõi trên Twitter sau khi quyết định rời khỏi “Hoa Liễu giới”. Tính đến thời điểm hiện tại, cô đã có gần 50 nghìn lượt theo dõi trên Twitter, nhiều người trong số họ đã giúp lan truyền câu chuyện đáng lo ngại của cô trong ngành công nghiệp Geisha. Trong vòng mười giờ sau khi đăng, chủ đề đã thu về hàng trăm nghìn lượt thích, thậm chí trở thành xu hướng trên Twitter Nhật Bản. Câu chuyện của Kiyoha vượt ngoài những câu chuyện về sự khó khăn mà người ta thường nghe kể về giới Geisha hiện đại. Thay vào đó, cô tiết lộ một nền văn hóa đáng buồn về những áp lực tình dục đặt lên các Geisha thực tập bị giam cầm.

Ngọn nguồn lời bộc bạch

Đây là những gì mà Kiyoha đã Tweet:

Caption:

“Nói ra có thể khiến tôi bị xoá sổ khỏi thế giới này, nhưng đây là thực tế của việc trở thành một Maiko. Khi tôi 16, tôi đã phải uống rất nhiều rượu, tưởng như có thể tắm trong rượu vậy. Sau đó tôi bị ép tắm chung với khách hàng (mặc dù tôi đã cố chạy trốn). Tôi muốn bạn tự hỏi liệu đây có thực sự là thứ mà họ gọi là văn hoá truyền thống không. Những bức ảnh được chụp khi tôi giành chiến thắng trong một cuộc thi uống với khách hàng, xem ai có thể uống một chai Yamazaki 18 năm nhanh hơn, cũng như rất nhiều trường hợp thi thố uống rượu khác”.

Kiyoha cũng kể về các trường hợp quấy rối và tấn công tình dục khác trong chủ đề bài Tweet.

“Khách hàng luồn tay qua một bên khe hở của Kimono để mơn trớn ngực tôi và khi ở trong phòng riêng, họ mở tà áo Kimono để chạm vào đáy quần của tôi. Maiko thường không mặc đồ lót. Khi tôi nói với “mẹ” về những việc này, bà ấy tỏ ra tức giận với tôi và nói rằng tôi mới là người có lỗi”.

Cuộc đấu giá trinh tiết

Cựu Maiko giải thích thêm về sự tồn tại của hệ thống Danna (旦那). Trước kia, các cô gái trẻ từ gia đình nghèo khó bị cha mẹ bán, bất đắc dĩ phải học việc trở thành Geisha, mục tiêu cuối cùng là tìm được Danna. Danna là một người đàn ông giàu có, người sẽ tài trợ toàn bộ sinh kế cho Geisha để đổi lấy các mức độ độc quyền khác nhau với cô gái; bao gồm cả quan hệ tình dục. Khoản tiền sẽ được trả cho ngôi nhà Geisha mà cô gái “thuộc về”. Tìm Danna là cách duy nhất để thoát khỏi sự khắc nghiệt của ngôi nhà Geisha cũng như đảm bảo cuộc sống về mặt kinh tế, nhưng đổi lại, cô gái bị kiểm soát và mất luôn tự do vào tay người đàn ông.

Ngày nay, khi trở thành Geisha được coi là một lựa chọn để duy trì truyền thống văn hóa hơn là một hành động tuyệt vọng vì tiền, người ta hy vọng rằng các khía cạnh “đen” của văn hóa Geisha trước đây đã trở thành dĩ vãng. Tweet của Kiyoha đã phủ nhận điều này.

“Hệ thống Danna vẫn còn tồn tại. Tôi đã suýt bán trinh tiết của mình với giá 50.000.000 Yên. Và số tiền đó không hoàn toàn thuộc về các Maiko”

Kiyoha giải thích rằng cô sợ hãi khi tiết lộ những thông tin này, nhưng cô cảm thấy cần phải phơi bày những gì đang xảy ra trong ngành công nghiệp Geisha. Kiyoha cho biết thêm vài người ở Kyoto sẽ tìm cách trả đũa cô. Tuy nhiên, cô cần nói điều gì đó.

“Nếu không ai lên tiếng sẽ không có gì thay đổi. Tôi không muốn tiếp tục im lặng khi phải mà hằng năm vẫn có rất nhiều Maiko tìm cách tự tử, cũng như những nỗi đau tinh thần mà họ đang gánh chịu”.

Trên thực tế, “Hoa Liễu giới” đã liên tục thay đổi và phát triển. Từ thời Minh Trị, các Geisha đã luôn cố gắng hiện đại hóa và tạo ra cấu trúc giáo dục riêng cho chính họ. Tuổi trung bình của Geisha nhìn chung đang tăng lên. Trong thời kỳ trước chiến tranh, mục tiêu của một Geisha là tìm được Danna ở tuổi 25. Giờ đây, nhiều người vẫn duy trì nghề nghiệp của mình cho đến tuổi ba mươi. Geisha và Maiko, giống như bản thân Kiyoha vẫn có quyền tự quyết. Tuy nhiên, những vấn đề trong ngành vẫn tồn tại và không phải ai cũng có thể chủ động trong nghề.

Cấu trúc cũ của ngành Geisha không còn là tiêu chuẩn như trước kia. Nhưng câu chuyện của Kiyoha và rất nhiều câu chuyện khác chứng minh rằng mặt tối của ngành công nghiệp này vẫn còn đó.

Sacchan
Xem thêm: