COVID-19 VS Nắng nóng khắc nghiệt : Vấn đề nên hay không nên đeo khẩu trang gây tranh cãi ở Nhật Bản
Khi cái nóng kỷ lục vào mùa hè bao trùm Nhật Bản và đại dịch COVID-19 tuy đã có sự suy giảm nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ, các trường học trên khắp đất nước đang chia rẽ vì một câu hỏi cơ bản: nên hay không nên đeo khẩu trang?
Bộ giáo dục đã nhiều lần yêu cầu trẻ em bỏ khẩu trang trong giờ học thể dục và trên đường đến trường để tránh say nắng. Tuy nhiên hướng dẫn này đã bị ngó lơ ở nhiều khu vực ở Nhật, nơi mà mùa mưa đã qua và cái nóng bắt đầu gay gắt hơn. Nhà trường không thể bỏ qua lo ngại từ phụ huynh, mong muốn con họ được đeo khẩu trang xuyên suốt do sợ lây nhiễm dịch bệnh.
Vào khoảng 2:30 chiều ngày 29 tháng 6 tại trường tiểu học Hiranishi phường Nishi, Nagoya, một giáo viên nữ nói với các học sinh lớp hai trên sân chơi trước khi các em về nhà: “Hôm nay trời nóng quá và có thể nguy hiểm đến tính mạng của các em. Các em cần cởi bỏ khẩu trang trên đường về nhà”.
Vào ngày hôm đó, cảnh báo nắng nóng nguy hiểm đã được tỉnh Aichi lần đầu tiên ban hành trong năm nay, với mức thủy ngân đạt ngưỡng cao ở 37,5 độ C tại Nagoya. Tuy nhiên vẫn có nhiều đứa trẻ mang khẩu trang trên đường về nhà. Khi một phóng viên của Mainichi Shimbun hỏi tại sao các em lại đeo khẩu trang, một em trả lời rằng “Cháu sợ bị say nắng, nhưng cháu cũng sợ bị nhiễm bệnh nữa”.
Momono Kojima, một giáo viên 23 tuổi trả lời với báo chí rằng: “Tôi đã bảo bọn trẻ bỏ khẩu trang ra ít nhất hai đến ba phút khi chúng về nhà trong thời tiết nóng bức, miễn là bọn trẻ không nói chuyện với nhau. Tôi cũng khuyến khích các em uống nước trong giờ học”.
Vào ngày 10 tháng 6, Bộ giáo dục đã kêu gọi các hội đồng giáo dục địa phương hướng dẫn kỹ lưỡng cho trường học để đảm bảo trẻ em bỏ khẩu trang trong lớp học thể dục và các hoạt động câu lạc bộ, trong nhà hoặc ngoài trời, và trên đường từ trường về nhà hoặc ngược lại. Bộ cũng khuyến cáo rằng trẻ em không nên nói chuyện gần nếu không đeo khẩu trang.
Mặc dù Bộ đã ban hành các quy định này vào tháng 5, nhưng vẫn có nhiều trường hợp trẻ em được đưa đến bệnh viện với các triệu chứng say nắng sau khi tập thể dục do đeo khẩu trang.
“Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc giải thích nhiều lần để đảm bảo cho quy tắc này được thực hiện nghiêm túc”, một quan chức của Bộ cho biết.
Tuy nhiên, hiệu trưởng trường tiểu học Hiranishi, Kozo Matsufuji, 55 tuổi, cho biết : “Về cơ bản, việc đeo khẩu trang hay không là tùy ý của mỗi người, vì vậy chúng tôi không thể bảo trẻ em bỏ khẩu trang ra. Tất nhiên trong cái nóng bức oi ả này chúng tôi không thể làm ngơ, nhưng quyết định cuối cùng vẫn là ở các em . Điều quan trọng là phải cho chúng biết thời điểm tốt nhất để tháo khẩu trang và để người lớn làm gương cho chúng”.
Tại phường Adachi, Tokyo, văn phòng phường đã gửi email cho người giám hộ của học sinh tiểu học và trung học cơ sở công lập sau thông báo của Bộ giáo dục vào tháng 6, yêu cầu họ khuyến khích con cái bỏ khẩu trang vào mùa hè. Tuy nhiên, một số bậc cha mẹ bày tỏ lo lắng cho sức khoẻ của các em, cũng như có một số học sinh từ chối tháo khẩu trang do ngại lộ mặt.
Hơn hai năm xảy ra đại dịch, khẩu trang đã trở thành một phần không thế thiếu trong cuộc sống của mọi người, đến mức gần như không có mấy cơ hội để lộ mặt trước người khác. Thậm chí có thể thấy những ví von trên internet so sánh việc tháo khẩu trang với cởi đồ lót, gọi khẩu trang là “quần lót che mặt”. Một quan chức phường Adachi cho biết: “Một số trẻ em lấy tay che miệng vì xấu hổ khi tháo khẩu trang theo sự hướng dẫn của giáo viên”.
Giáo sư Ryoji Kasanami tại Đại học Giáo dục Nara, chuyên về các biện pháp đối phó với say nắng và các vấn đề sức khỏe học đường, nhận xét “Nếu bạn so sánh nguy cơ của say nắng với COVID-19 vào mùa hè, say nắng có nhiều khả năng gây ra tình huống xấu hơn, thậm chí dẫn tới tử vong. Tôi hy vọng mọi người không liều lĩnh hướng tới Zero COVID”.
“Ở Nhật Bản, mọi người có xu hướng làm theo những gì mà những người xung quanh họ đang làm. Trước tiên mọi người cần tập trung vào việc tránh những rủi ro lớn hơn”.
Sacchan