Chính phủ Nhật Bản tổ chức cuộc họp về bệnh đậu mùa khỉ
Liên quan đến bệnh “đậu mùa khỉ”, một căn bệnh truyền nhiễm đang trở thành mối quan ngại lớn ở châu Âu và Hoa Kỳ, Chính phủ đã tổ chức cuộc họp đối phó của các bộ, ngành liên quan để thảo luận về các biện pháp trong tương lai. Các chuyên gia chỉ ra rằng nguy cơ xuất hiện thêm người nhiễm bệnh ở Nhật Bản là rất cao.
Liên quan đến bệnh “đậu mùa khỉ”, các báo cáo về số người nhiễm bệnh đã xuất hiện tại hơn 70 quốc gia và khu vực kể từ đầu năm nay. WHO tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm” vào ngày 23 vừa qua.
Trước những động thái này, Chính phủ Nhật Bản tổ chức cuộc họp đối phó của các bộ, ngành liên quan, đồng thời tiến hành xây dựng hệ thống khám và tiếp nhận bệnh nhân trong trường hợp xác nhận có bệnh nhân nghi nhiễm bệnh tại Nhật Bản.
Các chuyên gia cho thấy thái độ rất khẩn trương với căn bệnh truyền nhiễm này.
Giáo sư Shigeru Morikawa, Bộ môn Vi sinh, Đại học Khoa học Okayama cho biết:
“Vì đã có 75 quốc gia xuất hiện ca nhiễm, tôi nghĩ nguy cơ Nhật Bản trở thành quốc gia thứ 76 hoặc 80 là khá cao”.
Về vấn đề kiểm soát lây nhiễm, giáo sư cho biết thêm:
“Đặc biệt ở Nhật, khi số ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng trở lại, mọi người hãy khử trùng tay bằng cồn ở khắp mọi nơi các bạn đi đến, từ siêu thị, nhà hàng,…chú ý tập thói quen rửa tay bằng xà phòng để có thể tránh rủi ro”.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đang chuẩn bị các loại thuốc điều trị, và sẽ thành lập một đội ngũ chuyên môn vào ngày 29 tháng này để thảo luận về việc liệu vắc xin đậu mùa có thể được sử dụng để ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ hay không.
Theo thông tin mới nhất, trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở Nhật Bản vừa được xác định. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội thông báo rằng một người đàn ông Tokyo khoảng 30 tuổi đã được xác nhận mắc bệnh.
Bệnh đậu mùa khỉ do vi rút đậu mùa khỉ gây ra ở động vật như sóc châu Phi. Khi mắc bệnh, các triệu chứng như phát ban, sốt, sưng hạch bạch huyết xuất hiện và thường tự khỏi trong 2 đến 4 tuần.
Sacchan