3000 con cá chết trong ao do trộm đột nhập, chủ ao bật khóc “Những nhân viên của tôi đã chết”

Kazunori Yamada điều hành một hồ câu cá trong nhà có tên Tsuribori Honpo ở thị trấn Toki, tỉnh Gifu. Một sáng, khi đến hồ cá để chuẩn bị mở cửa, anh thấy ai đó đã bẻ khóa cửa sổ lồng vào cửa sau và đột nhập vào bên trong.

Những kẻ trộm đã lấy vài nghìn yên tiền mặt, cùng với bộ định tuyến WiFi văn phòng và ổ cứng chứa dữ liệu từ hệ thống camera an ninh. Xét mức thiệt hại về tài sản có thể xem như không nhiều, nhưng thiệt hại về tinh thần của anh Yamada là vô cùng lớn. Khoảng 3.000 con cá trong ao đã chết sau vụ đột nhập. Ngoài việc phá cửa sổ phía sau, bọn trộm còn cắt đường dây điện của tòa nhà, làm vô hiệu hóa hệ thống lọc và bơm không khí của ao, dẫn tới cái chết của tất cả cá trong ao.

“Đối với tôi, những con cá này là nhân viên của tôi. Các nhân viên của tôi đã thiệt mạng” Yamada vừa nói vừa khóc.

“Trong vòng 5 năm, chúng tôi chăm sóc cá, nuôi dưỡng chúng… Số tiền chúng tôi mất và những thiệt hại về tài sản, thành thật mà nói, chẳng là vấn đề nếu so với lũ cá. Tôi rất đau lòng khi chúng bị giết như vậy”.

Cũng khá ngạc nhiên khi chủ một hồ cá lại quan tâm đến tính mạng của các con cá khi mà mỗi ngày, chúng ở đó để khách hàng của anh ấy câu lên. Thế nhưng hồ cá trong nhà ở Nhật rất đặc biệt, ở đó cá trong hồ không phải để bị ăn.

Trong Tsuribori Honpo có cá vàng, cá Koi và cá Tầm. Trong số 3 loại đó, cá Tầm là loài duy nhất được nuôi chủ yếu để ăn. Người ta không ăn cá vàng và cá Koi ở Nhật, do đó nếu câu hai con cá này lên là để đem về nhà nuôi. Tóm lại, cá vàng và cá Koi là để làm cảnh trong vườn, chứ không phải để cho lên dĩa.

Mà cho dù khi kết cục của một con cá là để bị ăn, thì các giá trị văn hoá của Nhật Bản vẫn tôn trọng mạng sống của một con vật khi chúng còn sống, và cả khi nó đã thành thức ăn. Họ luôn nói “Itadakimasu” trước khi ăn một món gì đó.

“Cá là sinh vật sống, và tôi ước rằng bọn họ (những tên trộm) có thể hiểu được giá trị mạng sống của chúng” – Yamada nói.

Sacchan
Xem thêm: