Tại sao việc tổ chức quốc tang cho Abe Shinzo lại gây tranh cãi ở Nhật?
Hiện tại công chúng Nhật Bản đang có những ý kiến trái chiều xung quanh việc tổ chức quốc tang cho ông Shinzo Abe.
Ngày 25 tháng 8 đánh dấu 49 ngày kể từ khi Shinzo Abe bị ám sát. Theo Phật giáo, đó là ngày linh hồn người quá cố tái sinh, do đó nhiều người lên mạng xã hội để cầu nguyện, chia sẻ những kỷ niệm, hồi ức đẹp về ông. Thế nhưng bên cạnh đó cũng có những lời chỉ trích. Shinzo Abe là một chính trị gia có sức ảnh hưởng, và sự ra đi của ông đã lật tẩy mối quan hệ phức tạp giữa các Đảng phái chính trị và các tôn giáo mới. Chính vì vậy, khi Thủ tướng Kishida thông báo tổ chức quốc tang cho Shinzo Abe vào ngày 27 tháng 9 tại Nippon Budokan, tin tức này vấp phải sự giận giữ lẫn nghi ngờ từ công chúng. Kishida tuyên bố lễ tang mang ý nghĩa Nhật Bản không cho phép bạo lực đe doạ nền dân chủ, nhưng liệu đám tang này có thực sự mang ý nghĩa như vậy?
Theo một cuộc thăm dò của JNN vào ngày 7 tháng 8, 45% phản đối đám tang và khoảng 42% ủng hộ. Trong khi đó cuộc thăm dò của Yahoo! cho thấy 72% phản đối đám tang, với chỉ 27% ủng hộ. Election Gals (選挙ギャルズ), một nhóm bao gồm sinh viên đại học, nhân viên văn phòng và tình nguyện viên bầu cử đã tổ chức “Cuộc diễu hành vì hòa bình” ở Tokyo để phản đối việc tổ chức lễ tang và sửa đổi hiến pháp. Nhiều người cho biết mặc dù cái chết của Abe là một thảm kịch, nhưng điều đó không có nghĩa rằng nên tổ chức quốc tang cho ông.
新宿西口アルタ前国葬反対デモ① pic.twitter.com/4wphU5f1SW
— 東郷禮子 (@cvTz2iJpycfVCL4) August 16, 2022
Sự phản đối mạnh mẽ này cho thấy rất nhiều người biết về các hoạt động đáng ngờ của Giáo hội Thống nhất Hoà bình. Bảy trong số mười bốn bộ trưởng bị loại bỏ trong quá trình cải tổ Nội các của Kishida có quan hệ với Giáo hội này. Một cuộc thăm dò cho thấy 77% người muốn làm rõ mối quan hệ giữa Chính phủ với Giáo hội. Thêm vào đó là những bất ổn khác như lạm phát và sự gia tăng đột biến các ca nhiễm COVID-19, tất cả những điều đó đã khiến nhiều người không mong muốn tổ chức quốc tang.
Ý nghĩa của quốc tang ở Nhật.
Nhà sử học và chuyên gia tang lễ cấp nhà nước Miyama Junichi cho biết quốc tang (国葬, kokusou) đầu tiên được tổ chức vào năm 1878, dành cho Okubo Toshimichi, bị Samurai bất mãn ám sát. Đám tang được tổ chức rất hoành tráng với hàng trăm người tham dự.
Vào năm 1926, việc tổ chức quốc tang được hợp pháp hoá cho thành viên Gia đình Hoàng gia và những người có công lao đặc biệt, chủ yếu là Thủ tướng. Tương tự đám tang của Okubo, quốc tang thường được sử dụng để thao túng dư luận. Ví dụ vào năm 1943, Chính phủ tổ chức quốc tang cho Đô đốc Yamamoto Isoroku, thiệt mạng vì bị quân đội Hoa Kỳ bắn rơi máy bay, để ủng hộ chiến tranh. Năm 1947, Hiến pháp thay đổi sau khi Nhật Bản bị quân Đồng Minh chiếm đóng. Ngoại trừ quốc tang của Thủ tướng Yoshida Shigeru vào năm 1967, còn lại tang lễ của các Thủ tướng khác đều là lễ tang tiêu chuẩn, do LDP chi trả một phần chi phí tổ chức thay vì sử dụng hoàn toàn tiền thuế.
Quốc tang của Abe Shinzo không phải là tang lễ duy nhất vấp phải sự phản đối của công chúng và các Đảng phái chính trị đối lập. Trong một bài báo của Gendai, học giả nghiên cứu về tôn giáo Shimada Hiroshi đề cập đến sự phản đối gay gắt từ các thành viên Hạ viện đối với lễ tang cấp nhà nước cho thủ tướng Yamagata Aritomo năm 1922. Tang lễ vẫn diễn ra bất chấp sự chỉ trích dữ dội của giới truyền thông.
Về thời gian tổ chức quốc tang
Gác những quan hệ phức tạp giữa Chính phủ và Giáo hội sang một bên, thời gian diễn ra quốc tang cũng là yếu tố làm giảm tác động của sự kiện này. Tang lễ riêng của Shinzo Abe diễn ra vào ngày 12 tháng 7, 4 ngày sau khi ông qua đời. Những người yêu mến ông hoặc thương tiếc cho sự ra đi của ông đã đổ ra đường vào ngày hôm ấy, tập trung đông đúc tại Đền Zojoji để đưa tiễn.
Hầu hết các quốc tang đều diễn ra vài ngày sau ngày mất, nhưng quốc tang của ông Abe lại được lên lịch sau những 2 tháng rưỡi. Việc kéo dài thời gian dẫn tới những mâu thuẫn mãnh liệt hơn xoay quanh mối quan hệ giữa ông Abe, LDP và Giáo hội. Sau một thời gian, những gì mà người dân cảm thấy lúc này không còn là thương tiếc, họ cần sự minh bạch và trách nhiệm từ những người nắm quyền.
Sacchan