Tử tù khởi kiện hình thức tử hình treo cổ ở Nhật Bản vì cho rằng như vậy là tàn ác

Ba tử tù đã đệ đơn lên một tòa án quận chống lại chính quyền trung ương vào ngày 29 tháng 11, yêu cầu không được tử hình họ bằng hình thức treo cổ.

Họ lập luận rằng cái chết do treo cổ là một hình thức tử hình đau đớn và hèn hạ, đồng thời hình thức này vi phạm Hiến pháp Nhật Bản vốn nghiêm cấm các hình thức trừng phạt tàn ác.

Luật Hình sự quy định rằng các vụ hành quyết cấp nhà nước ở Nhật Bản được thực hiện bằng cách treo cổ, một thông lệ được thực hiện từ thời Minh Trị (1868-1912). Nhưng các nguyên đơn lập luận rằng công chúng không biết thực tế tàn khốc của những gì xảy ra khi các tử tù bị treo cổ.

Đơn kiện cho biết nếu Chính phủ khẳng định hình phạt không tàn nhẫn, thì họ nên chứng minh điều đó trước tòa.

Các nguyên đơn hiện đang bị giam giữ tại Nhà tù Osaka cho biết sau khi bị treo cổ, các tù nhân vẫn tỉnh táo và tiếp tục cảm thấy đau đớn và kinh hoàng trong vài phút. Họ cũng lập luận rằng hình thức treo cổ làm tổn hại đến phẩm giá của họ vì gây tổn hại nghiêm trọng đến cơ thể của họ.

Các nguyên đơn viện dẫn Điều 36 của Hiến pháp, trong đó nêu rõ: “Tuyệt đối cấm tra tấn và trừng phạt tàn ác”.

Tòa án Tối cao đã ra phán quyết vào năm 1948 rằng việc thi hành án là hợp hiến.

Phán quyết nêu rõ: “Hành quyết không phải là một hình thức trừng phạt tàn ác bị cấm theo Điều 36 của Hiến pháp, trừ khi nó được coi là đặc biệt tàn ác vì lý do nhân đạo tùy theo thời điểm hoặc hoàn cảnh”. Tòa án Tối cao cũng ra phán quyết vào năm 1955 rằng không có lý do gì để coi việc hành quyết bằng cách treo cổ là đặc biệt tàn ác trên cơ sở nhân đạo.

Trong một trường hợp tương tự, hai tử tù khác kiện Chính phủ về việc thực hiện các vụ hành quyết vào cùng ngày mà người bị kết án được thông báo. Các nguyên đơn đã đệ đơn kiện lên Tòa án quận Osaka vào tháng 11 năm ngoái, yêu cầu bồi thường 22 triệu yên.

Họ cho rằng việc thông báo cho bị cáo về việc thi hành án vào sáng cùng ngày không giúp cho phạm nhân có đủ thời gian liên hệ với luật sư để nộp đơn kháng cáo lệnh thi hành án.

Họ lập luận rằng hành vi này vi phạm Điều 31 của Hiến pháp, trong đó nêu rõ: “Không ai bị tước đoạt mạng sống hoặc quyền tự do, cũng như không bị áp dụng bất kỳ hình phạt hình sự nào khác, trừ khi theo thủ tục do pháp luật quy định.”

 

Sacchan
Xem thêm: