Nhật Bản quyết định đóng cửa lò phản ứng hạt nhân 9 tỉ USD
Chính quyền Nhật Bản đã quyết định đóng cửa vĩnh viễn một lò phản ứng hạt nhân thử nghiệm trị giá 9 tỉ USD, dù mới chỉ hoạt động 250 ngày.
Lò phản ứng Monju nằm ở thành phố Fukui phía Tây Nhật Bản được thiết kế để đốt phần lớn số nhiên liệu đã qua sử dụng của nó nhằm giải quyết khâu xử lý chất thải hạt nhân, tờ Tuổi Trẻ dẫn tin báo báo Japan Times cho biết.
Tuy nhiên, lò phản ứng này gặp những sự cố đầu tiên chỉ vài tháng sau khi đi vào hoạt động và chạy không suôn sẻ cho đến nay.
Lò phản ứng hạt nhân Monju tiêu tốn hết 9 tỉ USD – Ảnh: AP
Các chuyên gia tính toán sẽ cần phải chi thêm nhiều tỉ USD nâng cấp lò phản ứng Monju để nó khởi động lại. “Chúng tôi quyết định sẽ cho Monju ngưng hoạt động vì khởi động lại nó tiêu tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc” – ông Yoshihide Suga, Chánh văn phòng Chính phủ Nhật, giải thích.
Nhưng người Nhật chưa từ bỏ tất cả hy vọng trên con đường tìm kiếm một giải pháp thay thế cho nguồn năng lượng tự nhiên khan hiếm.
Các nhà làm chính sách vẫn đang tìm kiếm một mô hình lò phản ứng nhanh khác để thay thế Monju, mặc dù phe phản đối cho rằng Nhật nên từ bỏ chương trình này và chuyển sang phương án chôn chất thải.
Theo tính toán, Nhật cần phải chi đến 3,2 tỉ USD để ngưng lò phản ứng Monju và việc tháo dỡ đến năm 2047 mới hoàn thành. Trong khi đó, các quan chức địa phương nơi đặt lò phản ứng phản đối khá dữ giải pháp này vì họ sợ mất đi nguồn trợ cấp và việc làm.
Trước đó, theo VietNamPlus, được xây dựng từ tháng 10/1985, lò phản ứng hạt nhân Monju bị đóng cửa vào tháng 12/1995 sau khi đường ống dẫn chất natri làm lạnh bị vỡ do ảnh hưởng của động đất và khiến 640kg natri bị rò rỉ và tiếp xúc với không khí, gây phản ứng với khí ôxy và không khí ẩm. Tuy nhiên, may mắn là khối lượng natri bị rỏ rỉ không gây nhiễm xạ vì tai nạn xảy ra tại hệ thống làm lạnh phụ của nhà máy.
Năm 2000, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tái khởi động lò phản ứng này nhưng quyết định trên đã dẫn tới các cuộc chiến pháp lý do sự phản đối từ phía người dân lo ngại về độ an toàn của nhà máy.
Tháng 5/2005, Tòa án Tối cao Nhật Bản đã cho phép tái khởi động lò phản ứng này.
(Nguồn ĐSPL)