Du học sinh và tu nghiệp sinh, bạn nên chọn con đường nào?

Với các bạn đang có định hướng tìm kiếm thu nhập, học tập và làm việc tại Nhật Bản thì việc băn khoăn giữa 2 lựa chọn  “du học” hay “thực tập sinh” đôi khi lại là một quyết định khó khăn.

Sự giống nhau và khác nhau giữa 2 chương trình này đã khiến không ít bạn trẻ bị nhầm lẫn và bối rối khi lựa chọn. Để giúp bạn đọc có cái nhìn cụ thể hơn, tôi xin chia sẻ một số thông tin và mong rằng có một phần nào giúp được các bạn.

  1. Thực tập sinh hay còn gọi là Xuất khẩu lao động.

Đây là hình thức duy nhất đi xuất khẩu lao động Nhật Bản. 70% tuyển lao động phổ thông, còn lại là lao động có tay nghề như: hàn, tiện, phay, bào, dệt may,… Theo chương trình này, người lao động vẫn được hưởng lương theo luật Lao động Nhật Bản, hợp đồng thông thường là 3 năm.

Chương trình thực tập sinh nhật bản, chọn đúng công ty là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến thời gian, chi phí và cơ hội đi của người lao động. Cần cảnh giác khi chọn công ty, không nên nghe cá nhân nào đứng ra đảm bảo hoặc cam kết chắc chắn, bởi việc tuyển chọn hoàn toàn phụ thuộc vào công ty tuyển dụng nên không có bất cứ một bên thứ 3 nào có thể can thiệp vào kết quả tuyển chọn. Trực tiếp xí nghiệp Nhật sang Việt Nam để tuyển chọn lao động, tất nhiên những ai có ngoại hình, bằng cấp, kinh nghiệm, tay nghề… sẽ có được những lợi thế nhất định.

Sau khi sang Nhật trong 10 tháng đầu tiên, bạn sẽ được đào tạo( gọi đào tạo thế thôi chứ thực chất thì vẫn làm việc bình thường )  và sẽ nhận tiền trợ cấp khoảng 80,000 yên/ tháng ( khoảng 16 triệu đồng). Sau 10 tháng huấn nghệ nếu thi đậu bằng nghề, thì sẽ được chuyển sang tư cách gọi là “Thực Tập Sinh”, được trả lương tương đương với mức lương người Nhật tập sự từ 120,000 yên – 140,000 yên/ tháng ( khoảng 24 đến 28 triệu đồng).

Thông thường khi đăng ký Tu nghiệp sinh thì toàn bộ chi phí không phải trả, mà công ty tuyển chọn bạn sẽ chi trả tất cả. Thế nhưng nếu bạn muốn đi thì phải đăng ký qua các công ty môi giới ở Việt Nam, thông thường họ sẽ thu của bạn từ 100 đến 150 triệu tiền chi phí, một mức phí đáng phải suy nghĩ. Tuy nhiên vì chúng ta không đủ điều kiện đứng ra ký hợp đồng trực tiếp, cũng như không thể tự giới thiệu bản thân đến doanh nghiệp được nên cũng không còn cách nào khác.

Điều kiện để xuất khẩu lao động:

  • Nam/Nữ có độ tuổi từ 18-30( điều kiện cơ bản).
  • Trình độ học vấn, tốt nghiệp cấp 2 trở lên hoặc theo học các trường cao đẳng, trung cấp nghề.
  • Đảm bảo đủ các điều kiện sức khoẻ ( kết quả khám sức khoẻ).
  • Chưa tùng đi sang Nhật theo dạng xuất khẩu lao động, hoặc 5 năm sau khi hoàn tất quá trình xuất khẩu lao động trước đó ( nếu có).
  1. Du học sinh.

Đi du học, đơn thuần là đi học. Việc làm thêm chỉ để có thêm tài chính giảm bớt gánh nặng kinh tế gia đình. Với nhiều công ty du học thì họ định hướng cho bạn đi theo hệ vừa học vừa làm, thế nhưng điều này chưa chắc đã tốt cho bạn. Vì du học thì không có hệ nào cho bạn vừa học vừa làm cả, chương trình du học Nhật hoàn toàn giống các nước tiên tiến khác nhưng yêu cầu về ngôn ngữ có thể “dễ thở” hơn đôi chút.

Thời gian 1-2 năm đầu sinh viên sẽ chuyên tâm vào việc học tiếng, đây cũng là khe hở để các công ty du học làm sai, vì kể cả sinh viên học quá kém thì cũng phải 1-2 năm sau mới thi chuyển hệ, không bị đuổi về từ thời gian ban đầu, và lúc đó thì công ty đưa đi cũng đã hết trách nhiệm.

Vấn đề làm thêm của các sinh viên thường là công việc phục vụ ở quán ăn, khách sạn, cửa hàng tiện lợi,… Quy định của chính phủ Nhật là chỉ cho phép du học sinh được làm việc 28 tiếng/tuần. Những việc này là làm thêm nên có thể nghỉ bất cứ lúc nào, không có tính chất ổn định, không có chế độ khác. Thu nhập từ làm thêm có thể giúp du học sinh phần nào trang trải học phí và tiền sinh hoạt hàng ngày.

Điều kiện để du học:

  • Trình độ học vấn tối thiểu là tốt nghiệp cấp 3.
  • Chứng minh tài chính ( tối thiểu đủ khả năng chi trả tất cả các khoản chi phí học tập, ăn ở trong 1 năm, khoảng 200 triệu đồng).
  • Trình độ tiếng Nhật có thể giao tiếp .
  • Có mục tiêu cụ thể và kế hoạch trong tương lai.

Đối với những bạn, mới tốt nghiệp cấp 3, cao đẳng, đại học đủ khả năng tài chính, có thể cân nhắc con đường du học, vì sau khi tốt nghiệp bạn có thể được chọn ở lại làm việc lâu dài, hoặc nếu về nước thì cũng có một tấm bằng có giá trị để “ lận lưng”, cộng thêm kinh nghiệm và vốn tiếng Nhật thì vấn đề tìm một công việc ổn định, có thu nhập tương đối tốt trong thời buổi mà các doanh nghiệp Nhật đang đầu tư mạnh vào thị trường Việt Nam như hiện tại, thì hoàn toàn đơn giản.

Cả 2 chương trình tu nghiệp sinh và du học sinh đều có những ưu và nhược điểm riêng. Tuỳ vào điều kiện gia đình, năng lực bản thân mà mà hãy lựa chọn cho mình một hướng đi đúng đắn nhất.

Nhật Bản là một đất nước phát triển có nhiều điều tốt đẹp thì không phải bàn cãi, thế nhưng việc gì cũng có cái giá của nó, cuộc sống xa nhà, xa quê hương cùng những cám dỗ của cuộc sống là một thách thức không nhỏ đòi hỏi mọi người phải có đủ bản lĩnh để có thể vượt qua, vì thế hãy suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra những quyết định để bản thân không phải hối tiếc về sau nhé.

Hải Âu

Du học sinh Việt tại Nhật Bản làm thêm tới kiệt sức: Cuộc sống ở Nhật thực sự “rất khổ”?

Độc chiêu tiết kiệm của du học sinh Nhật

Hồi tưởng của người Thực tập sinh những ngày đầu ở Nhật

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: