Áp lực làm dâu của Hoàng hậu Nhật Bản
Ở tuổi 72, Hoàng hậu chỉ ước có được chiếc áo tàng hình để thoải mái đi lại giữa nhà ga đông đúc, được đến Kanda-Jimbocha đọc sách như hồi đi học.
Sinh ra trong một gia đình giàu có và quyền lực, bà Shoda Michiko được dạy dỗ để trở thành người phụ nữ độc lập, nhân hậu. Bà tốt nghiệp Đại học Tokyo với tấm bằng cử nhân nghệ thuật văn học Anh.
Bước ngoặt cuộc đời đến với bà từ một cuộc gặp gỡ trên sân tennis với Thái tử Akihito (hiện tại là Thiên hoàng thứ 125 của Nhật Bản). Mối tình đẹp đã được ghi dấu bằng một hôn lễ long trọng, nhưng cũng từ đó bà Michiko phải đánh đổi sự tự do của bản thân, để đối diện với những quy định khắc nghiệt chốn Hoàng cung.
Sống trong Hoàng cung, bà Michiko phải tuân theo nhiều điều lệ khắc nghiệt.
Khi mới về làm dâu, bà Michiko từng bị mẹ chồng là Hoàng hậu Nagako đánh giá thấp bởi nguồn gốc xuất thân từ dân thường. Thậm chí, việc gia đình bà theo đạo Công giáo cũng luôn bị đem ra chỉ trích.
Cùng với đó, bà Michiko phải thực hiện “không sai một li” tất cả các quy định tồn tại từ bao đời, chẳng hạn, nếu muốn về nhà bố mẹ đẻ ở Tokyo, bà phải xin phép trước 14 ngày; luôn đi sau chồng ba bước trong mỗi lần xuất hiện chính thức trước công chúng, không được có tiền riêng, phải thay Kimono 3 lần mỗi ngày và thậm chí là gọi điện thoại cũng phải xin phép…
Những hành động rất đỗi bình thường, như vén màn cửa giúp các phóng viên thuận lợi hơn khi chụp ảnh hoàng tử mới sinh của bà cũng bị khiển trách nặng lời. Đáp lại tất cả, bà Michiko chỉ biết cúi đầu im lặng.
Cuộc sống trong Hoàng cung của bà Michiko là những chuỗi ngày buồn bã, lo lắng cùng nỗi sợ hãi không thể thỏa mãn được sự kỳ vọng từ mọi người xung quanh. Cuộc sống của bà còn khó khăn hơn khi Thái tử Akihito chính thức lên ngôi Nhật hoàng vào năm 1989.
Năm 1993, bà bị đột quỵ dẫn đến mất giọng và phải chữa trị một thời gian mới lấy lại khả năng phát âm. Sau đó, bà Michiko từng phải tạm dừng các nhiệm vụ lễ nghi hàng ngày vì bị chảy máu ruột mà nguyên nhân là do stress.
Ở tuổi 72, khi được hỏi về mong muốn của mình, Hoàng hậu chỉ ước có được chiếc áo tàng hình để thoải mái đi lại giữa nhà ga đông đúc, được đến Kanda-Jimbocha đọc sách và làm những việc giống như hồi còn đi học.
Tình yêu của chồng là động lực để bà Michiko hoàn thành vai trò của một Hoàng hậu.
Áp lực là vậy nhưng Michiko cũng là Hoàng hậu giành được nhiều tình cảm của người dân Nhật Bản. Họ yêu quý bà bởi sự giản dị và vẻ đẹp cả về hình thức lẫn trí tuệ, tâm hồn. Bà quan niệm. Tôi xuất thân bình dân, thế nên khi chết đi cũng vẫn là một người dân thường.
Tôi không cảm thấy được làm Hoàng hậu thì có gì vinh quang hơn người, cũng chưa từng nghĩ được gả vào gia đình Hoàng tộc thì sẽ trở nên khác biệt với những người bình thường. Tôi trước nay vẫn chỉ là vợ của Akihito mà thôi, có thể cùng ông ấy sống bên nhau đến đầu bạc răng long đã là phúc phận lớn nhất của cuộc đời tôi rồi.
Có lẽ tình yêu chân thành, son sắt với Nhật hoàng Akihito là sức mạnh để bà Michiko vượt qua tất cả khó khăn và tạo dựng một gia đình hạnh phúc.
(Nguồn giadinh)
Chuyện tình đẹp của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản
Chuyện tình đẹp của cô gái Việt và chàng trai Nhật kém 6 tuổi