Người chuyển giới ở Nhật Bản, họ muốn được coi là những người bệnh!
Lý do đằng sau điều tưởng chừng khó tin và ngược đời này là quy chuẩn pháp luật và xã hội khắt khe đối với người chuyển giới tại xứ sở Hoa anh đào.
Suốt nhiều thập kỷ qua, cộng đồng LGBT nói chung và cộng đồng người chuyển giới nói riêng, với sự đồng hành của các nhà hoạt động xã hội và làn sóng ủng hộ của công dân toàn cầu, đã không ngừng đấu tranh để kêu gọi quyền bình đẳng. Một trong những nỗ lực kiên quyết nhất của họ là chứng minh xu hướng tình dục và biểu hiện giới tính khác biệt không thể được coi là bệnh lý.
Thế nhưng tại đất nước Nhật Bản, cộng đồng người chuyển giới nơi đây lại không mấy mặn mà với phong trào đấu tranh này. Nghịch lý thay, họ lại muốn được coi là những người bệnh, cụ thể hơn là bệnh nhân mắc chứng rối loạn nhận dạng giới tính (GID).
Người chuyển giới Nhật Bản muốn được coi là những người bệnh, cụ thể hơn là bệnh nhân mắc chứng rối loạn nhận dạng giới tính (GID).
Tính tới thời điểm này, GID vẫn thuộc “Bảng phân loại quốc tế về bệnh tật” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tức là nó vẫn được coi là một bệnh tâm lý. Chứng rối loạn này được định nghĩa là “khát khao được sống và công nhận như một người mang giới tính đối lập với giới tính vốn có”.
Tuy nhiên, bản phác lược mới nhất của “Bảng phân loại quốc tế về bệnh tật” đã xóa bỏ GID khỏi danh sách bệnh lý, và nếu WHO thông qua phiên bản này vào năm 2018, người chuyển giới sẽ không còn được coi là bệnh nhân.
Đây sẽ là niềm hạnh phúc vỡ òa đối với cộng đồng LGBT toàn thế giới… trừ Nhật Bản.
Sở dĩ là bởi tại đất nước hoa anh đào, chỉ khi được chẩn đoán mắc chứng GID, quyền lợi của người chuyển giới mới được bảo vệ bởi một bộ luật dành riêng cho họ, thường gọi với cái tên Luật dành cho Bệnh nhân Rối loạn nhận dạng giới tính, được thông qua vào năm 2003. Bộ luật này đảm bảo các “bệnh nhân” chuyển giới sẽ không gặp phải bất kỳ sự kì thị, gây khó dễ nào và được hưởng đầy đủ quyền công dân như bao người khác.
Người chuyển giới và những nhà hoạt động xã hội vì quyền bình đẳng giới kỳ cựu tại Nhật lo ngại rằng, nếu WHO ngừng xếp GID vào danh sách bệnh lý, thì bộ luật bảo vệ quyền lợi cho người chuyển giới theo nền tảng bệnh nhân tâm lý này cũng theo đó mà sụp đổ.
Tại Nhật Bản, chỉ khi được chẩn đoán mắc chứng GID, quyền lợi của người chuyển giới mới được bảo vệ bởi một bộ luật dành riêng cho họ, thường gọi với cái tên Luật dành cho Bệnh nhân Rối loạn nhận dạng giới tính, được thông qua vào năm 2003.
Bên cạnh sự ràng buộc về mặt pháp lý, một lý do khác khiến người chuyển giới Nhật không chung chí hướng với cuộc đấu tranh loại bỏ GID khỏi danh sách bệnh lý, là để tiếp tục “miễn nhiễm” với những định kiến khắt khe của xã hội đất nước này. Mặc dù truyền thông đại chúng Nhật Bản rất cởi mở trước độ phủ sóng của các hình ảnh hay thông tin về người chuyển giới, trong đời sống thường nhật, đây lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Nếu như không có chẩn đoán mắc chứng GID, người chuyển giới Nhật chỉ được coi là những người “trai giả gái, gái giả trai” lập dị và lệch lạc, và nhận dạng giới tính khác biệt của họ sẽ khó có thể được cộng đồng chấp nhận. Với một tờ bệnh án chẩn đoán mắc GID, ít nhất họ được đối xử như những bệnh nhân mắc chứng rối loạn tâm lý ngoài mong muốn, và nhận được sự cảm thông từ xã hội.
Aya Kamikawa, một thành viên Hội đồng Thành phố Tokyo, cũng là viên chức chính phủ chuyển giới đầu tiên tại Nhật Bản, là một nhà hoạt động xã hội vì bình đẳng giới. Cô quyết định theo đuổi sự nghiệp chính trị vào năm 2003 với mục đích vận động chính sách, khuyến khích ban hành một bộ luật cho phép người chuyển giới được thay đổi giới tính pháp lý của mình.
Cũng trong năm 2003, Luật dành cho Bệnh nhân Rối loạn nhận dạng giới tính được thông qua, chính thức dập tắt mọi hy vọng và nỗ lực của Aya Kamikawa cũng như những nhà hoạt động khác. “Bệnh nhân tâm lý” có lẽ là danh tính ưu ái nhất mà người chuyển giới Nhật Bản được trao cho, ít nhất là trong tương lai gần.
Nếu như không có chẩn đoán mắc chứng GID, người chuyển giới Nhật chỉ được coi là những người “trai giả gái, gái giả trai” lập dị và lệch lạc, và nhận dạng giới tính khác biệt của họ sẽ khó có thể được cộng đồng chấp nhận
“Xã hội cho rằng việc được tự do lựa chọn giới tính là một điều thật nực cười” – Aya chia sẻ đầy chua xót.
Người chuyển giới Nhật sống trong mạng nhện kìm kẹp, nhưng có vẻ như lại lầm tưởng đó là một vỏ kén an toàn.
Tiến sĩ Jun Koh – một bác sỹ tâm lý tới từ Trường Đại học Y Osaka – đã từng làm việc với hơn 2000 người chuyển giới Nhật. Ông nói rằng ông cảm thấy bất công và giận dữ khi việc sinh ra với hình hài khác với giới tính thật sự lại được coi là một căn bệnh, nhưng cũng chính tay ông đã từng cung cấp không biết bao nhiêu bệnh án chứng minh mắc chứng GID cho người chuyển giới.
Jun Koh chia sẻ câu chuyện về một bà mẹ khẩn khoản cầu xin vị bác sỹ hãy cấp cho con gái bà một tờ giấy chẩn đoán bệnh, để cô bé có thể được cho phép tham gia lớp học thể dục cùng các nữ sinh, mặc dù giới tính trên giấy tờ của bé vẫn là nam. Và Jun Koh, không còn cách nào khác, đã làm điều đó.
“Tôi ghét hệ thống luật lệ này” – vị bác sỹ bộc bạch – “Nhưng tôi nhìn vào con người với tư cách những cá nhân, và tôi chỉ quan tâm tới việc tôi có thể làm gì để họ có thể sống cuộc đời mà họ mong muốn”.
Tiến sỹ Tâm lý học Jun Koh
Tâm sự của Jun Koh cũng là nỗi lòng của nhiều người chuyển giới cũng như các nhà hoạt động xã hội khác tại Nhật. Một cô gái mang tên Tsukasa, hiện đang là mẹ của một cặp sinh đôi 5 tuổi, chia sẻ trên trang cá nhân rằng cậu con trai nhỏ của cô đã bắt đầu nhận thức được rằng mình thật ra mang giới tính nữ từ khi lên 3. Cô đã cố gắng giải thích cho con hiểu về ý nghĩa của việc là một người chuyển giới, chứ không phải là bệnh nhân mắc chứng GID. Tuy nhiên, cũng chính cô đã đưa con mình tới gặp bác sỹ để có được một tờ giấy xác nhận rối loạn tâm lý, với mong muốn mọi quyền lợi của con đều được đảm bảo khi đứa trẻ bắt đầu tới trường.
Trong khi đó, Ran Yamamoto, một người chuyển giới, đồng thời cũng là chủ tịch của một hiệp hội người chuyển giới gồm 1500 thành viên tại Nhật Bản, lại chọn cách chối bỏ danh tính này của chính mình: “Tôi không coi bản thân là một người chuyển giới. Tôi là một phụ nữ mắc chứng GID”. Ran tin rằng giới tính mỗi người là sự định đoạt của Chúa trời và tạo hóa, nên con người không thể đòi hỏi quyền được lựa chọn giới tính bản thân mà không dựa trên bất kỳ một nền tảng bệnh lý nào.
Nhiều vấn đề đang khiến những người chuyển giới tại Nhật Bản yếu ớt buông xuôi và tự tước đi quyền cơ bản nhất của con người: quyền được quyết định cuộc sống của chính bản thân mình.
Đó là cách những người chuyển giới tại Nhật Bản đang sống. Họ hoặc là giận dữ, bất mãn nhưng vẫn cam chịu, hoặc là dần dần chấp nhận danh tính và giá trị mà xã hội và pháp luật định đoạt cho họ. Và những con người thuộc về vế sau, như cô Ran Yamamoto, có lẽ đáng thương hơn vế trước, rất nhiều.
Họ là những nạn nhân của loạt quy chuẩn xã hội và pháp luật độc đoán, bất công. Những cá nhân với đầy đủ quyền con người, lại an phận tin rằng họ không có, và không nên có quyền quyết định mình là ai, và mình muốn sống như thế nào.
Người chuyển giới Nhật Bản đang bấu víu vào bộ luật tưởng chừng như là vỏ kén an toàn bảo vệ họ khỏi những bất công và phân biệt, kỳ thị trong xã hội, mà không nhận ra rằng chính vỏ kén ấy đang khiến họ yếu ớt buông xuôi và tự tước đi quyền cơ bản nhất của con người: quyền được quyết định cuộc sống của chính bản thân mình.
Nguồn: Kenh14
Quán rượu “chuyển giới” ở Nhật
Ít ai biết rằng, nhà sư trẻ chuyển giới người Nhật Bản này còn là một bậc thầy trang điểm