Teen bỏ nhà đi bụi – Vấn nạn mới của Nhật Bản

Vào lứa tuổi dậy thì, chúng ta thường hay khó chịu và bất đồng với những lời nói của bố mẹ nên thường xuyên xảy ra các cuộc cãi vã và cho rằng bố mẹ thật phiền phức.

Ở Nhật Bản hiện nay đang xảy ra tình trạng con cái cãi nhau với bố mẹ rồi bỏ nhà ra đi, thường rơi vào độ tuổi từ 10 đến 19 tuổi. Và hàng năm có khoảng 17000 trường hợp mất tích, không trở về nhà. Con trai thì dễ gia nhập vào băng nhóm tội phạm, trở thành kẻ trộm cắp hoặc tệ hơn là vào băng đảng Yakuza (xã hội đen Nhật Bản).

Còn nếu là con gái thì sẽ rơi vào tình cảnh khủng khiếp hơn.

Do không có nơi để trú ẩn khi bỏ nhà đi nên rất nhiều trường hợp đến các thành phố lớn. Các quận đông đúc như Shibuya ở Tokyo được biết đến là thành phố chứa chấp nhiều cô bé teen bỏ nhà đi bụi nhất. Họ cứ đi lang thang, quanh quẩn bên các cửa hàng mở xuyên đêm.

Và đó chính là các con mồi béo bở của kẻ xấu.

Chúng sẽ tiếp cận mục tiêu, mời các cô gái đáng thương đi ăn uống no nê, ra vẻ “người tốt bụng, tử tế”, lắng nghe nỗi bức xúc, tâm sự của tuổi mới lớn rồi khéo léo dẫn dụ họ về nhà với danh nghĩa “cho nơi để tạm ở”.

Các cô gái trẻ ngây thơ, chưa biết gì về hiểm nguy của thế giới bên ngoài cánh cửa gia đình nên nhẹ dạ nghe theo.

Và hậu quả là đa số bị cưỡng hiếp, ép quay phim đồi bại.

Tình trạng các cô gái trẻ bỏ nhà ra đi đã dần trở thành một vấn nạn khi có hẳn một website chuyên giới thiệu trẻ vị thành niên bỏ nhà đi cho những tên đàn ông có nhu cầu.

Trong số đó, có khoảng 10% bị mất tích đến bây giờ vẫn chưa tìm thấy dù gia đình, cảnh sát đã huy động người tìm kiếm. Nhưng rốt cuộc vẫn không nắm được thông tin chính xác. Có người nói họ đã bị Yakuza bắt mất, người thì bảo họ bị đánh thuốc rồi đem bán ở nước ngoài.

Tất cả để lại một dấu chấm hỏi đầy đau đớn: Các cô gái ấy đang biến mất ở đâu tại đất nước này?

Không biết các cô gái có thấy hối hận không? Chỉ vì tranh cãi với bố mẹ vì những chuyện nhỏ nhặt không đâu mà trong một phút bồng bột, họ đã phải đánh đổi bằng cuộc sống, tính mạng, tương lai của bản thân.

Trách nhiệm không chỉ thuộc về họ mà còn về phía gia đình, trường học. Các bậc phụ huynh nên xem lại cách dạy dỗ cũng như quan tâm đến biểu hiện cảm xúc của con nhiều hơn, tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc, dù hối hận cũng đã muộn rồi.

Kengo Abe

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: