Bị toàn dân Nhật tẩy chay chỉ vì sống sót sau thảm kịch Titanic

Tai nạn đắm tàu RMS Titanic vào ngày 15 tháng 4 năm 1912 đã trở thành một đại thảm họa trong lịch sử hàng hải với hơn 1500 người tử nạn. Sống sót sau thảm kịch, những tưởng bạn đã may mắn hơn 1500 người còn lại.

Thế nhưng ở Nhật, đó lại là một bi kịch khác. Tôi đang muốn nói về câu chuyện hổ thẹn của Musabumi Hosono – người đàn ông Nhật Bản duy nhất thoát chết sau vụ đắm tàu lịch sử này để rồi trở thành tội đồ của toàn dân Nhật.

1. Sống sót sau thảm kịch

Hosono là một viên chức làm việc trong Bộ giao thông vận tải Nhật Bản. Vào năm 1910, ông được cử đến Nga để nghiên cứu về Hệ thống đường sắt trung tâm ở đấy. Năm 1912, Hosono được sắp xếp để trở về nước trên tàu Titanic. 11 giờ 40 đêm ngày 14 tháng 4, tàu Titanic va vào một tảng băng trôi cách Newfoundland (Canada) 400 hải lý về phía Nam.

Khi đó Hosono đang ngủ say ở toa hạng 2. Ông được một nhân viên đánh thức và thông báo về tình trạng con tàu. Người ta đưa cho Hosono một cái áo phao tuy nhiên không cho lên tàu cứu sinh vì để ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em.

Ông chia sẻ “Tôi đã chuẩn bị tất cả cho giờ phút cuối cùng của mình, và sẽ chết trong danh dự như một công dân Nhật Bản. Thế nhưng một phần khác trong tôi vẫn tìm kiếm con đường sống sót”.

Vào lúc pháo hiệu bắn lên, một sĩ quan hét lên “Còn dư hai chỗ” cho thuyền cứu sinh số 10.

Trước Hosono, một người đàn ông khác đã âm thầm nhảy lên thuyền khiến Hosono quyết định làm điều tương tự. Vì trời quá tối, người ta không thể nhận ra người vừa lên thuyền là đàn ông hay phụ nữ, do đó Hosono được cứu sống.

(Theo hồi ức của Hosono)

Trang hồi ức của Musabumi Hosono

2. Sự hổ thẹn với tư cách một công dân Nhật Bản

Tuy an toàn trở về nước, Hosono không được người dân Nhật Bản chào đón. Ngược lại, họ cho rằng hành động của Hosono đáng khinh bỉ và phản bội lại tinh thần Samurai.

Họ phê phán ông vì đã không chết ngẩng cao đầu như những người đàn ông khác, họ tẩy chay ông vì đã làm xấu mặt người Nhật trước thế giới. Nhiều người ác miệng còn nói rằng Hosono đã tự xem mình là phụ nữ khi nhảy lên thuyền cứu sinh.

Từ một viên chức được ngưỡng mộ, Hosono mất việc, trở thành tội đồ và sống trong hổ thẹn suốt phần đời còn lại. Trong hồi ức của mình, ông kể đã nhiều lần hối hận và ước rằng mình chết đi thay vì hành động một cách hèn nhát.

Ông qua đời vào năm 1939 ở tuổi 68. Sau cái chết của Hosono, dư luận vẫn không chịu dừng lại. Những lời ra tiếng vào về sự việc của Hosono tiếp tục khiến gia đình ông nhiều lần khốn đốn.

3. Chết vinh hay sống nhục – Sự lựa chọn không hề dễ dàng.

Nếu Hosono không phải là người Nhật, có lẽ kết cục của ông đã khác. Ở Nhật, định kiến của con người về đạo đức rất lớn.  Một “cái chết đẹp” đối với người Nhật là cái chết không vướng bận, là bình thản đón nhận cái chết, là cái chết tựa như hoa anh đào.

Khoảnh khắc đẹp nhất cũng là lúc sắp tàn lụi. Nhưng trong trường hợp Hosono, liệu người đàn ông ấy có can tâm chấp nhận cái chết khi cơ hội sống đang chờ phía trước. Trong hồi ức của mình, Hosono viết:

“Cuối cùng thì tâm trí con người vẫn là một địa hạt kì lạ và khó đoán”

Dù đã chuẩn bị tâm lý cho “cái chết đẹp” của mình, cuối cùng, Hosono vẫn chọn sống nhục để rồi hối hận suốt phần đời còn lại. Theo bạn, liệu Hosono có đáng bị lên án chỉ vì đã cố gắng nắm lấy cơ hội sống cuối cùng?

Sachiko

Công cuộc phục hồi sau 5 năm bị động đất sóng thần ở Minamisanriku tỉnh Miyagi

Confessions: Từ câu chuyện lớp học Nhật Bản gây ám ảnh đến nỗi sợ một xã hội vô cảm

Thế nào là một cái chết đẹp?

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: