Cuộc chuyển giao lịch sử của Nhật Bản
Nước Nhật đang chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao lịch sử sau khi Nhật hoàng Akihito bày tỏ nguyện vọng thoái vị và vấn đề này đang được đưa ra xem xét tại Quốc hội.
Nhật hoàng Akihito (bên phải) sắp chuyển giao ngai vàng cho Thái tử Naruhito (bên trái)
Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 19-5 đã thông qua nội dung dự luật đặc biệt cho phép Nhật hoàng Akihito thoái vị và chuyển giao quyền lực cho Thái tử Naruhito. Dự luật thoái vị này đã được trình lên Quốc hội Nhật Bản trong cùng ngày 19-5 và dự kiến được phê chuẩn trước khi kết thúc kỳ họp Quốc hội nước này vào ngày 18-6 tới.
Hiện Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe cũng đang cân nhắc lựa chọn thời điểm thoái vị của Nhật hoàng Akihito vào tháng 12-2018 khi vị hoàng đế này bước sang tuổi 85. Tuy nhiên, một số nguồn tin lại cho biết thời điểm Nhật hoàng Akihito thoái vị có thể sẽ thay đổi và được lùi sang đầu năm 2019 để Nhật hoàng kỷ niệm tròn 30 năm nắm giữ ngai vàng.
Theo luật Hoàng gia hiện hành, chỉ khi nào Nhật hoàng qua đời thì Thái tử mới được phép nối ngôi, song vào tháng 6-2016, Nhật hoàng Akihito đã bày tỏ nguyện vọng thoái vị do tuổi tác và tình hình sức khỏe không đảm bảo. Nếu mong muốn thoái vị được Quốc hội chấp nhận, Nhật hoàng Akihito sẽ là vị hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản thoái vị trong 200 năm qua.
Nhật hoàng Akihito (Nhật hoàng Bình Thành) sinh ngày 23-12-1933 tại Tokyo, lên ngôi vào ngày 7-1-1989, là Nhà vua thứ 125 của Nhật Bản sau khi vua cha là Nhật hoàng Hirohito (Nhật hoàng Chiêu Hòa) băng hà ở tuổi 87 do bệnh ung thư. Nhật hoàng Akihito kết hôn với bà Michiko Shoda (sinh ngày 20-10-1934), con gái cả của một doanh nhân, vào năm 1959. Bà Michiko là nữ thường dân đầu tiên trở thành Hoàng hậu Nhật Bản.
Khác với thông lệ tiền triều, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko quyết định giữ cả ba con là Thái tử Naruhito, Hoàng tử Akishino và Công chúa Sayaco bên mình. Mặc dù bận rộn, Hoàng hậu Michiko vẫn tự mình yêu thương chăm sóc các con. Bà cho ba con bú sữa mẹ hoàn toàn và khi đến tuổi đi học, bà tự mình chuẩn bị hộp cơm trưa cho các con mỗi sáng.
Theo Hiến pháp Nhật Bản, Nhật hoàng là biểu tượng của quốc gia và khối đoàn kết nhân dân. Dù không nắm trong tay quyền lực chính trị, nhưng Nhật hoàng vẫn đóng một vai trò vô cùng quan trọng như một biểu tượng quốc gia, đồng thời chủ trì việc tiếp đón các nguyên thủ tới Nhật Bản, cũng như thực hiện các chuyến công du nước ngoài.
Nhật hoàng có trách nhiệm thực hiện nhiều hoạt động chính thức như: bổ nhiệm Thủ tướng dựa trên chỉ định của Quốc hội; bổ nhiệm Chánh án Tòa án tối cao theo chỉ định của Nội các; công bố Hiến pháp sửa đổi, pháp luật, pháp lệnh và các điều ước; triệu tập các phiên họp Quốc hội; giải tán Hạ viện; công bố bầu nghị sĩ quốc hội. Nhật hoàng cũng bổ nhiệm và bãi miễn Bộ trưởng và các chức danh tương đương theo quy định của pháp luật; đại xá, đặc xá, giảm án, miễn thi hành án, phục chức…
Khi Quốc hội Nhật Bản chấp nhận nguyện vọng thoái vị của Nhật hoàng Akihito, Cơ quan quyết định các vấn đề về Hoàng gia Nhật Bản là Hội Nghị Hoàng thất (với các thành viên gồm: 2 thành viên Hoàng gia, Thủ tướng, 4 Chủ tịch và Phó chủ tịch lưỡng viện, Chánh án Tòa án tối cao, 1 Thẩm phán Tòa án tối cao, Cục Trưởng Hoàng cung) sẽ quyết định việc Thái tử Naruhito nối ngôi Vua cha, cuộc chuyển giao lịch sử trên đất nước Mặt trời mọc.
Theo anninhthudo.vn
Tin nhanh : Quốc dân Nhật Bản sắp được chứng kiến một lễ cưới Hoàng gia mới sau 3 năm.
Chuyện tình đẹp của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản
Ngất ngây vẻ đẹp thiên thần của công chúa xinh nhất Nhật Bản