Mô hình “cửa hàng trung thực” ở Nhật có thể áp dụng thành công tại Việt Nam?
Như các bạn đã biết, tại Nhật có những cửa hàng không có người bán, khách hàng tự chọn món hàng mình muốn, sau đó để tiền lại theo đơn giá có sẵn. Sẽ như thế nào nếu mô hình này cũng được áp dụng tại Việt Nam?
Với mô hình này, chủ cửa hàng sẽ bày hàng ra vào buổi sáng, có để sẵn giá tiền. Khách hàng tự do lựa chọn, sau đó bỏ tiền tại quầy, hoặc cho vào một cái thùng rỗng. Tan làm, chủ cửa hàng ra gom tiền và hàng dư mang về nhà.
Đây là cửa hàng không người bán tại đảo Amami gần Okinawa. Cửa hàng này chuyên bán các loại rau vào mùa hè như ớt chuông, bí ngô, đỗ, dưa chuột.
Tấm hình trong biển ghi dòng chữ: “Rau giá 100 yen/cây”. Đây là cửa hàng của một người nông dân tại tỉnh Kagoshima, thuộc đảo Kyushu miền Nam nước Nhật.
Đây là ảnh do chủ một tài khoản mạng xã hội có tên Tottekun đăng tải vào cuối mùa hè năm 2015, với dòng chú thích: “Hôm nay trên đường đi làm, tôi mua được khá nhiều rau ở cửa hàng này. Rau chân vịt, súp lơ trắng, cà rốt, tất cả đều chỉ có 100 Yên/món, giá chỉ bằng 1/3 so với ở siêu thị mà rất tươi ngon”.
Không chỉ rau, mà hoa quả như quýt cũng được nhiều nông dân Nhật bán tại những cửa hàng không người như thế này.
Tấm biển góc phải có dòng chữ: “Chúc mừng năm mới quý khách”. Giá mỗi bịch quýt tại đây chỉ 100 yen. Chủ hàng đồng thời để lại số điện thoại, để khách có thể liên hệ nếu cần.
Hàng sáng, một người nông dân thu hoạch rau quả từ khu nông trại của ông ngay cạnh đó rồi để ra cửa hàng. Đến chiều, ông ra lấy giá hàng và thu tiền về.
Gần đây, học hỏi mô hình bán hàng độc đáo này của người Nhật, môt số cửa hàng “không người bán” đã xuất hiện ở Việt Nam.
Ví dụ một cửa hàng có tên Mama FanBox nằm trên phố Minh Khai (Hải Phòng) chuyên bán Chocolates tươi, đồ uống, kem tươi, bánh ngọt với đầy đủ 3 tiêu chí “Ngon, Tươi, Sạch”.
Khách hàng đến đây, chỉ việc bấm chuông, mở cửa và tự ý chọn lựa mặt hàng. Sau đó, khách mang sản phẩm đến bàn thanh toán, tự dùng máy check giá và in hóa đơn. Số tiền sẽ được người mua thả vào một chiếc thùng gỗ trong cửa hàng. Tất cả quy trình mua và bán này đều dựa hoàn toàn vào sự trung thực, tính tự giác của khách hàng.
Anh Nguyễn Phạm Trường Nam, chủ cửa hàng cho biết: “Khi mở cửa hàng này, tôi vấp phải sự phản đối khá quyết liệt từ gia đình, người thân, bạn bè, nhưng mình vẫn quyết tâm thực hiện đến cùng. Chủ yếu tôi muốn xây dựng niềm tin ở khách hàng và thông qua cửa hàng này thay đổi dần dần nhận thức của người dân về tính tự giác”.
Theo anh Nam, ý tưởng về mô hình tự phục vụ này xuất phát từ khi anh đọc một bài viết của Nhật về mô hình Mini Shop. Những cửa hàng dạng này không có người bán, khách hàng tự phục vụ chính mình. Cách làm này không chỉ tiết kiệm được nhân lực, khách hàng hoàn toàn yên tâm về giá thành cũng như chất lượng sản phẩm mà còn cảm thấy thoải mái.
Có một sự khác biệt giữa mô hình này ở Việt Nam và Nhật Bản. Đó là ở Việt Nam, Camera sẽ ghi lại hình ảnh hoạt động 24/24 và nếu khách hàng không trả tiền, hoặc trả thiếu, hệ thống sẽ nhận diện khuôn mặt và cho vào “danh sách đen”, đây cũng là lần cuối cùng vị khách đó được bước vào quán.
Anh Nam chia sẻ: “Từ khi mở cửa đến nay, quán của anh chưa hề gặp phải hiện tượng “bóc bánh không trả tiền”, có trường hợp khách hàng thiếu vài nghìn đồng đã ghi vào hóa đơn để thanh toán vào lần sau. Đây là một tín hiệu tốt và là tiền đề để anh xây dựng một chuỗi cửa hàng như trên”.
Một sinh viên trường Đại học Hải Phòng – Nguyễn Như Quỳnh chia sẻ: “Mình rất thích không gian của quán Mama FanBox này. Đến đây, mình được tự túc mọi thứ mà không phiền hà đến ai. Đồ uống của quán rất ngon hợp với giới trẻ chúng mình”.
“Một trải nghiệm khá thú vị khi tự tay làm mọi thứ. Mô hình theo phong cách tự phục vụ này là cách để chúng ta tự nâng cao ý thức bản thân về lòng trung thực và ý thức giữ gìn cái chung.
Hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa mô hình như Mama FanBox để thay đổi tính tự giác của giới trẻ nói chung và người Việt Nam nói riêng” – anh Phạm Minh Tuấn (24 tuổi, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng) chia sẻ.
Nguồn Tổng hợp
Ai bảo người Nhật trung thực, không biết nói dối là gì?
Lắng nghe người Nhật bàn tán về Việt Nam trên một số trang báo nổi tiếng