11 tác phẩm tham gia Liên hoan phim Nhật Bản tại Việt Nam 2017
Sự kiện điện ảnh thường niên do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức năm nay trình chiếu các bộ phim chất lượng như “Sweet Bean”, “Her Love Boils Bathwater”…
Sweet Bean (An – Vị ngọt đánh thức yêu thương) (2015): Tác phẩm của nữ đạo diễn nổi tiếng Naomi Kawase từng tham dự Liên hoan phim Cannes và Toronto năm 2015. Bộ phim xoay quanh mối quan hệ cảm động giữa một người quản lý hiệu bánh và một bà cụ già kỳ lạ. Vị bánh đặc biệt mà người phụ nữ cao tuổi làm ra đã thuyết phục vị quản lý thuê bà về cửa hàng của mình. Ảnh: Outnow.
Tsukiji Wonderland (Kỳ quan ẩm thực Tsukiji) (2016): Tác phẩm tài liệu dài 110 phút của Naotaro Endo đưa người xem tới Tsukiji – chợ hải sản lớn nhất thế giới nằm ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản) đã có hơn 80 năm lịch sử. Phim đồng thời đề cập đến những tranh cãi xung quanh việc chính quyền muốn di dời khu chợ để chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa hè 2020. Cách đây ba năm, Tsukiji là một trong những bối cảnh xuất hiện trong video clip ăn khách Rather Be của nhóm nhạc Clean Bandit. Ảnh: Shochiku.
Her Love Boils Bathwater (Người phụ nữ nhân hậu) (2016): Futaba (Rie Miyazawa) là một người mẹ nghiêm khắc nhưng luôn hết lòng vì gia đình. Cô bỗng nhiên nhận tin mình bị ung thư phổi ác tính và chỉ còn sống được vài tháng. Quãng thời gian ngắn ngủi đó liệu có đủ để Futaba tìm thấy người chồng đã bỏ nhà ra đi, mở lại dịch vụ tắm công cộng của gia đình, cũng như giúp chồng con hiểu được bí mật mà bản thân cất giữ bấy lâu? Her Love Boils Bathwater từng thắng giải Phim truyện xuất sắc tại lễ trao giải thưởng điện ảnh lần thứ 26 của Hiệp hội Phê bình phim Nhật Bản. Ảnh: KlockWorx.
Long Excuse (Lời xin lỗi muộn màng) (2016): Dựa trên cuốn tiểu thuyết Nagai Iiwake (2015), chuyện phim Long Excuse theo chân nhà văn nổi tiếng Sachio Kinugasa (Masahiro Motoki). Vợ anh bỗng qua đời sau một tai nạn xe buýt, và Sachio luôn phải tỏ ra đau đớn bởi anh không thực sự yêu thương người quá cố. Biến cố tiếp tục xảy ra khi nhà văn gặp gỡ Yoichi Omiya (Pistol Takehara) – người đàn ông cũng mất vợ trong cùng tai nạn xe buýt và nay phải tự mình nuôi hai đứa con thơ. Ảnh: Asmik Ace.
Rudolf the Black Cat (Rudolf, chú mèo đi lạc) (2016): Tác phẩm hoạt hình vi tính của hai đạo diễn Kunihiko Yuyama và Mikinori Sakakibara là chuyến phiêu lưu đầy màu sắc của mèo mun Rudolf (Mao Inoue). Bỗng nhiên đi lạc khỏi cô chủ nhỏ, Rudolf tỉnh dậy và thấy mình đang ở trên chuyến xe tải hướng thẳng tới Toyko (Nhật Bản). Lạc lõng ở vùng đất mới, chú mèo kết thân với nhiều người bạn mới để có thể tìm đường trở về nhà. Ảnh: Bandai.
Reflections (Những mảnh ghép cuộc sống) (2016): Chùm ba phim Những mảnh ghép cuộc sống là dự án điện ảnh do do Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản thực hiện. Tác phẩm bao gồm ba phim ngắn Shiniuma con ngựa giãy chết của đạo diễn Brilliante Ma Mendoza (Philippines), Bên kia cây cầu của đạo diễn Sotho Kulikar (Cambodia), và Bồ câu của đạo diễn Isao Yukisada (Nhật Bản). Ảnh: JPF.
Tora-san of Goto (Ông Tora ở đảo Goto) (2016): Đây là dự án phim tài liệu đầy hoài bão của đạo diễn Masaru Oura khi được ông thực hiện trong 22 năm. Ông Tora ở đảo Goto là câu chuyện về gia đình Inuzuka sinh sống bằng nghề bán mì udon ở đảo Goto, Nagasaki (Nhật Bản). Ông Tora là người đứng đầu, cố gắng duy trì nghề truyền thống cùng vợ và bảy người con. Khoảng thời gian hơn 20 năm cũng là lúc họ trải qua nhiều xáo trộn sinh ly tử biệt. Ảnh: JPF.
Daytime Shooting Star (Ánh sao băng ban ngày) (2017): Bộ phim điện ảnh được đạo diễn Takehiko Shinjo thực hiện dựa trên loạt manga cùng tên của Mika Yamamori (2011-2014). Nhân vật chính của Daytime Shooting Star là cô nữ sinh trung học Suzume Yosano (Mei Nagano). Chuyển đến Tokyo từ vùng nông thôn, Suzume nhanh chóng phải lòng chàng giáo viên đẹp trai Satsuki Shishio (Shohei Miura). Nhưng cùng lúc đó, cậu bạn cùng lớp Daiki Mamura (Aran Shirahama) cũng bắt đầu nảy sinh tình cảm với cô gái. Ảnh: Toho.
ReLIFE (Làm lại cuộc đời) (2017): Cũng được thực hiện dựa trên truyện tranh là ReLIFE của đạo diễn Takeshi Furusawa. Chuyện phim theo chân Arata Kaizaki (Taishi Nagakawa) – chàng trai thất nghiệp 27 tuổi. Anh nhận lời tham gia chương trình thí nghiệm mang tên “ReLIFE”, uống liều thuốc giúp bản thân trẻ ra 10 tuổi rồi quay trở lại trường trung học. Tại đó, Arata đem lòng yêu cô nữ sinh Chizuru Hishiro (Yuna Taira). Ảnh: Shochiku.
Survival Family (Nếu một ngày thế giới không có điện) (2017): Tác phẩm hài hước – viễn tưởng của đạo diễn Shinobu Yaguchi vẽ ra bối cảnh “đáng sợ”: cả thế giới bỗng dưng mất điện. Ngay cả thành phố Tokyo phồn hoa cũng không thể tránh khỏi cảnh đổ nát, và ông Yoshiyuki Suzuki (Fumiyo Kohinata) quyết định đưa cả gia đình trốn khỏi thủ đô, dấn thân vào một chuyến phiêu lưu khó lường. Ảnh: Toho.
Honnouji Hotel (Bí mật khách sạn Honnouji) (2017): Cô gái Mayuko (Haruka Ayase) đang đứng trước quyết định kết hôn với người bạn trai Kyoichi (Hiroyuki Hirayama). Đến nghỉ ngơi tại khách sạn Honnouji, Mayuko bất ngờ trở về quá khứ và gặp gỡ lãnh chúa Nobunaga Oda (Shinichi Tsutsumi) – người nổi tiếng tàn bạo và đang nỗ lực thống nhất Nhật Bản. Từ đây, cô gái nhận ra nhiều điều ý nghĩa về cuộc sống. Ảnh: Toho.
Liên hoan phim Nhật Bản tại Việt Nam 2017 diễn ra tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Hà Nội (từ 27/10 tới 11/11), rạp CineStar Hai Bà Trưng, TP.HCM (từ 24/11 tới 9/12) và rạp Lê Độ, Đà Nẵng (từ 5/1 tới 14/1/2018).
Giá vé cho mỗi suất chiếu là 30.000 đồng/vé. Riêng ở Đà Nẵng, vé được phát miễn phí tại rạp.
Theo Tuấn Lương/ News Zing
Những “gia vị”không thể thiếu làm nên các bộ phim truyền hình Nhật Bản