Góc khuất đáng sợ đằng sau vụ nữ nhà báo Nhật Bản bị xâm hại tình dục
Nhà báo tự do Shiori Ito đã khiến cả nước Nhật chao đảo sau khi dám tố cáo việc mình bị nhà văn chuyên viết tiểu sử nổi tiếng Noriyuki Yamaguchi tấn công tình dục vào tháng 05/2017 vừa qua.
Mặc dù cơ quan cảnh sát tại Nhật Bản đã tuyên bố cáo buộc của cô Ito không có hiệu lực, song nữ nhà báo tự do vẫn quyết tâm vạch trần sự thật bằng cách viết một cuốn sách nhằm kể lại những gì mà bản thân từng phải trải qua.
Ngoài ra, cô này cũng khích lệ các nạn nhân khác hãy tố giác thủ phạm sau khi bị quấy rối tình dục chứ đừng giữ im lặng.
Nữ nhà báo tự do Ito từng công khai việc mình bị nhân vật có thế lực hiếp dâm ngay trước giới truyền thông.
Cuốn sách phát hành vào ngày 20/10 vừa qua, ngay sau khi trào lưu phản đối nạn tấn công tình dục #MeToo được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội kể từ vụ bê bối liên quan tới ông trùm điện ảnh Harvey Weinstein.
Chính sự trùng hợp này đã góp phần đẩy mạnh thông điệp mà cô Ito muốn gửi gắm, đồng thời cũng thu về lượng ủng hộ khá lớn – một điều khó có thể trở thành hiện thực trong xã hội Nhật Bản cách đây bốn tháng trước.
Nữ nhà báo bị quấy rối tình dục
Nếu bạn nghĩ mọi chuyện từng xảy ra bên trong kinh đô điện ảnh Hollywood là quá mức tồi tệ thì hiện thực đang diễn ra tại Nhật Bản còn ghê tởm hơn thế gấp nhiều lần, và trường hợp của cô Ito cũng không phải ngoại lệ.
Cô từng trình báo sự việc với lực lượng chức năng nhằm hy vọng gã đàn ông đốn mạt vừa hiếp dâm mình sẽ bị bắt giữ, song điều đó lại thất bại hoàn toàn.
“Trước kết quả đáng thất vọng ấy, tôi quyết định công khai toàn bộ câu chuyện mà mình từng trải qua theo cách chân thực nhất. Chẳng có gì là xấu hổ khi nói ra sự thật, bởi sự thật nào cũng đáng được trân trọng”.
Mọi chuyện từng xảy ra bên trong kinh đô điện ảnh Hollywood cũng chưa thể sánh bằng hiện thực đang tồn tại ở xã hội Nhật Bản.
Nếu chỉ vì cáo buộc tấn công tình dục nhằm vào ông Yamaguchi thì xã hội Nhật Bản sẽ không chao đảo như thế. Mấu chốt nằm ở việc một người phụ nữ dám đứng trước máy quay để miêu tả lại việc mình bị hiếp dâm cũng như chỉ đích danh tên tuổi của hung thủ.
Cô Ito nhấn mạnh: “Chưa tới 20% nạn nhân tại quốc gia này muốn trình báo sự thật sau khi bị tấn công, và lực lượng cảnh sát chưa chắc sẽ tiếp nhận thông tin giống như trường hợp của tôi vậy.
Thậm chí, nếu thủ phạm hiếp dâm bị bắt giữ thì khả năng cơ quan công tố không đưa vấn đề ấy ra trước tòa án cũng chiếm khoảng 50% rồi. Họ có muôn vàn lý do khác nhau để thoái thác trách nhiệm”.
Sau khi cơ quan cảnh sát thành phố Tokyo tuyên bố đóng hồ sơ vụ án, cô Ito đã liên hệ với các luật sư nhằm khiếu nại vụ việc lên Ủy ban Thẩm tra Truy tố với hy vọng khiến quá trình điều tra được khôi phục, song yêu cầu này lại bị bác bỏ vào tháng trước.
Ngày 28/09 vừa qua, nữ nhà báo tự do tiếp tục viết đơn kiện ông Yamaguchi ra Tòa án dân sự nhằm đòi khoản bồi thường tổn thất mà hành vi hiếp dâm của ông này gây ra. Vậy mà khi nhóm điều tra viên thu thập đủ chứng cứ và chuẩn bị bắt giữ hung thủ tại Sân bay quốc tế Narita thì mọi chuyện bỗng đổ bể hoàn toàn.
“Dù cố gắng tìm kiếm sự trợ giúp từ bệnh viện hay thậm chí là sở cảnh sát song cũng chẳng người nào có thể giúp được tôi. Hóa ra, hệ thống pháp luật và xã hội tại Nhật Bản hiện đang không hoạt động hiệu quả trong việc trợ giúp các nạn nhân bị tấn công tình dục”.
Chưa tới 20% nạn nhân tại quốc gia này muốn trình báo sự thật sau khi bị tấn công tình dục.
Cuộc hành trình đòi lại công bằng
Cô Ito cho biết văn hóa truyền thống của Nhật Bản luôn kì vọng người bị quấy rối tình dục phải giữ im lặng, ngay cả giới truyền thông cũng tìm cách che giấu sự thật đau lòng ấy vì như vậy sẽ “tốt cho nạn nhân hơn”.
Theo một khảo sát của kênh truyền hình NHK liên quan tới vấn đề đồng thuận khi làm chuyện ấy thì có tới 11% nam giới cho rằng việc ăn tối cùng nhau tại nhà riêng là một tín hiệu đủ rõ ràng.
Nghiêm trọng hơn, 23% cánh đàn ông tại xứ hoa anh đào còn tin chắc phụ nữ ăn mặc gợi cảm là tương đương với lời nói đồng ý. Con số này tăng lên 35% nếu đôi bên rơi vào trạng thái say xỉn.
23% nam giới tại Nhật Bản cho rằng phụ nữ ăn mặc gợi cảm là ngầm đồng ý với việc quan hệ tình dục.
Khi được hỏi cần phải làm gì để thay đổi hiện trạng của xã hội, giúp cho các nạn nhân bị quấy rối tình dục nhận được sự hỗ trợ tốt hơn thì cô Ito đã trả lời như sau: “Tôi từng nói chuyện với nhiều người bạn là nam giới về vấn đề ấy nhưng kết thúc cuối cùng luôn là một cuộc cãi vã to tiếng.
Đa phần đều cho rằng nếu lúc nào cũng phải xin phép thì cánh mày râu sẽ chẳng bao giờ tìm được cơ hội làm việc mình muốn. Nói chung, họ thường không quan tâm tới sự đồng thuận của phụ nữ trong khía cạnh tình dục”.
Lực lượng cảnh sát tại Nhật Bản còn quá thờ ơ trước vấn nạn tấn công tình dục.
Tình dục không được coi là vấn đề cấm kỵ tại Nhật Bản khi mà nhiều văn hóa phẩm hay dịch vụ khiêu dâm vẫn xuất hiện công khai trên đường phố. Thậm chí, ngành công nghiệp sản xuất phim “người lớn” cũng vô cùng phát triển nhưng không bị chính phủ cấm đoán.
Dẫu vậy, phụ nữ lại không thể chia sẻ với người khác về đời sống chăn gối của bản thân – đặc biệt là vấn đề đồng thuận khi làm chuyện ấy cũng như việc mình bị quấy rối.
Đây chính là nguyên nhân dẫn tới sự thờ ơ và thiếu quan tâm của các cơ quan chức năng: “Cảnh sát ít khi được huấn luyện để điều tra các cáo buộc liên quan tới vấn đề tấn công tình dục. Đa phần đều chẳng biết tới sự hiện diện của bộ dụng cụ thu thập chứng cứ hiếp dâm, ngay cả các bệnh viện cũng vậy”.
Người dân tại Nhật Bản thường có định kiến rất khắt khe trước việc bị xâm hại tình dục.
Ngoài ra, cảnh sát tại Nhật Bản thường nghi ngờ mọi nguồn thông tin mà họ được tiếp nhận, bao gồm cả lời khai của nạn nhân. Người bị hại sẽ phải dành hàng tiếng đồng hồ để kể lại những trải nghiệm kinh khủng mà mình vừa đối mặt theo cách chi tiết nhất.
Cô Ito kể lại: “Tôi không hề nhận được giải thích vì sao kế hoạch bắt giữ ông Yamaguchi bỗng nhiên bị hủy bỏ, hay vì sao họ lại bất ngờ thay đổi cả điều tra viên lẫn cán bộ công tố được phân công phụ trách vụ án này.
Họ từ chối giải thích bất cứ điều gì và coi bản sao băng giám sát ghi lại hình ảnh ông Yamaguchi đưa tôi vào phòng khách sạn là một thứ vớ vẩn. Ngay cả người làm chứng cho tôi cũng bị đuổi về”.
Nước mắt đằng sau cuốn tự truyện đau đớn
Đã có lúc cô Ito không dám đọc nội dung bản thảo do chính mình viết ra, bởi nó lại gợi nhớ về những điều kinh khủng mà cô từng trải qua trong quá khứ. Nữ nhà báo tự do người Nhật Bản đã nghĩ việc hoàn thành cuốn sách “Hộp đen” sẽ khó mà thực hiện nổi.
“Tôi cố gắng làm chủ bản thân, vượt qua nỗi đau đớn và tổn thương vô cùng để kiểm tra lại toàn bộ nội dung của cuốn sách. Thực sự quá day dứt khi quyết định công khai một vết nhơ trong cuộc đời theo cách trần trụi như vậy, song tôi chưa bao giờ hối hận cả”.
Cô Ito luôn muốn những người phụ nữ khác biết rằng họ không hề đơn độc. Cô muốn mọi người hiểu nạn tấn công tình dục có thể xảy ra với bất kì ai, và hãy cứ đứng lên tố cáo mọi chuyện chứ đừng mãi núp sau bóng tối của sự ám ảnh triền miên.
Nhiều văn hóa phẩm hay dịch vụ khiêu dâm vẫn xuất hiện công khai tại Nhật Bản.
Chính quyền tại Nhật Bản đã quyết định cập nhật lại hệ thống luật pháp liên quan tới vấn đề tấn công tình dục sau hơn một thế kỉ kéo dài. Dẫu vẫn biết là muộn nhưng điều này là thực sự cần thiết.
Theo Kênh 14
Bóc mẽ những góc khuất không ngờ đằng sau sự yên ấm giả tạo của nhiều gia đình Nhật Bản
Góc khuất đáng sợ trong xã hội Nhật Bản và nguyên nhân bấy lâu quốc gia này muốn chối bỏ