Nữ giáo viên tiếng Nhật xinh đẹp và chiêu trò lừa kiếm tiền tỷ
Ngày 4-11, CQĐT CATP Hà Nội đã hoàn tất điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, chuyển hồ sơ đề nghị Viện KSND TP truy tố bị can Vũ Huyền Vi (27 tuổi, quê quán huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh), về tội danh nêu trên.
Theo CQĐT, tháng 11-2015 anh Dũng (quê quán Thanh Hà, Hải Dương) cùng một số người gửi đơn đến CAQ Hoàng Mai, Hà Nội tố cáo bị Vũ Huyền Vi lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Các nguyên đơn trình bày, đầu năm 2015, qua mạng xã hội, họ biết đến Vũ Huyền Vi quảng cáo làm việc ở công ty đào tạo ngoại ngữ và cung ứng nhân lực SAKURA – TOKYO, hoặc chi nhánh Công ty ICA Group); hứa hẹn làm thủ tục đi lao động xuất khẩu tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nhiều người tin tưởng đã nộp tiền và hồ sơ tuy nhiên Vi đã không thực hiện cam kết, không đưa được ai đi xuất khẩu lao động, không trả lại tiền và bỏ trốn.
Bị can Vũ Huyền Vi
Căn cứ vào đơn tố cáo của các bị hại và tài liệu thu thập được, ngày 24-12-2015, CQĐT CAQ Hoàng Mai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Huyền Vi.
Trung tuần tháng 5-2017, từ tin báo của người dân, CQĐT đã bắt được Vi khi đang trốn tại địa bàn phường 11, quận Bình Thạnh, TP. HCM. Vụ án sau đó được chuyển đến Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội điều tra theo thẩm quyền.
CQĐT xác định, từ tháng 4-2015, Vi làm thủ quỹ kiêm giáo viên tiếng Nhật Bản tại công ty đào tạo và cung ứng nhân lực HAUI (LETCO) chi nhánh Hưng Yên.
Tại đây, Vi đã dùng danh nghĩa cá nhân để nhận tiền đặt cọc của nhiều người (khoảng 1.000 USD/người). Vi là người trực tiếp nhận tiền, viết phiếu thu, đứng tên người lập phiếu.
Sau khi nhận tiền, Vi đã trích lại 200USD/người cho đại diện chi nhánh này (địa chỉ liên hệ cho người có nhu cầu xuất khẩu lao động đi Nhật Bản và Hàn Quốc tại xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên và phố Bùi Huy Ích phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội). Tổng số tiền Vi đã chiếm đoạt của 19 bị hại là hơn 4,2 tỉ đồng. Trong số này, Vi đã trả lại 1,4 tỉ đồng.
Vũ Huyền Vi có nhận thức và am hiểu pháp luật vì đã từng đi xuất khẩu ở nước ngoài. Công ty của Vi không có chức năng xuất khẩu người đi lao động nhưng Vi vẫn cố tình thông tin sai trên mạng xã hội. Hành vi của bị can Vũ Huyền Vi đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ Luật hình sự.
Trong vụ án này, còn một số đối tượng khác liên quan, CQĐT tách các tài liệu để tiếp tục điều tra, xử lý sau.
Theo M.H, THEO AN NINH THỦ ĐÔ
Báo động tình trạng tội phạm tăng đột biến ; Ai nói người Nhật không lừa đảo?
Giám đốc trẻ lừa gần 200 người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng
Bạn có chọn đi xuất khẩu lao động Nhật Bản khi biết 9 sự thật kinh hoàng này?