Giáo sư bị chỉ trích vì cáo buộc hoàng tử quấy rối tình dục Bạch Tuyết

Giáo sư ĐH Osaka ở Nhật Bản cho rằng hành vi hôn Bạch Tuyết của hoàng tử là quấy rối tình dục và ảnh hưởng tiêu cực lên nhận thức. Nhận xét này tạo nên cuộc tranh luận kịch liệt.

Nếu người thân yêu của bạn, ví dụ em gái hoặc con gái, đang nằm bất tỉnh trong bệnh viện, tình cờ, con trai của một chính trị gia có tiếng đi qua. Mê mẩn vẻ đẹp của cô ấy, hắn ta bước tới rồi đặt nụ hôn lên môi cô. Trong trường hợp này, chắc hẳn bạn sẽ tức giận và tấn công hắn.

Theo GS Kazue Muta – chuyên gia về xã hội học lịch sử, lý thuyết giới tính tại ĐH Osaka, tác giả cuốn sách nổi tiếng về quấy rối tình dục tại công sở Sir, that love is sexual harassment! – đây chính xác là tình tiết đã diễn ra trong truyện cổ tích Nàng Bạch Tuyết.

Bài đăng tố cáo hoàng tử có hành vi bạo lực tình dục trên Twitter của GS Muta. Ảnh chụp màn hình.

Ngày 11/12, GS Muta viết trên Twitter cáo buộc hoàng tử quấy rối tình dục Bạch Tuyết. Bà cũng đăng kèm câu chuyện thực tế về việc một người đàn ông ở Wakayama bị bắt vì hôn trộm một phụ nữ đang ngủ trên tàu.

“Suy nghĩ cẩn thận, mọi người sẽ thấy hai truyện Nàng Bạch Tuyết và Công chúa ngủ trong rừng đều miêu tả hành vi xâm hại tình dục với người vô thức. Có thể bạn cho rằng tôi đang phá hỏng thế giới cổ tích nhưng những câu chuyện này khuyến khích bạo lực tình dục. Tôi hy vọng mọi người hiểu rõ điều đó”, nữ GS viết.

Bài đăng của bà nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, tạo ra cuộc tranh cãi nảy lửa.

“Mặc kệ bà ấy suy diễn câu chuyện theo hướng nào, hoàng tử không hề xâm hại tình dục”, “Bà không thể áp đặt luật pháp và đạo đức thời nay lên các câu chuyện cổ tích”, những người trái quan điểm với bà Kazue Muta bình luận.

Họ cho rằng hành động của hoàng tử có thể coi như hô hấp nhân tạo – phương pháp phổ biến để cứu tỉnh người bị ngất.

GS Muta là chuyên gia về xã hội học và lý thuyết giới. Ảnh: Twitter.

Bên cạnh đó, không ít người “ném đá” nữ chuyên gia, chỉ trích bà bới móc văn hóa và truyền thống, gây ảnh hưởng xấu đến cách nhìn nhận của mọi người.

Một luật sư lý trí hơn, biện hộ rằng không thể cáo buộc hoàng tử xâm hại tình dục vì Bạch Tuyết không tố cáo.

Những lập luận đưa ra để bảo vệ hoàng tử còn bao gồm “nếu họ được cho là đã chết, liệu có thể coi họ là nạn nhân không?”, “vì hoàng tử đẹp trai nên được tha thứ hết, định luật này luôn đúng”, hay “nếu chúng ta có thể áp dụng luật ở đời thực vào truyện, liệu có thể thực hiện ngược lại không?”.

Tuy nhiên, phóng viên tờ Japan Today cho rằng bài đăng của GS Kazue Muta có tác dụng tích cực trong việc nâng cao nhận thức về tấn công tình dục. Tác giả bài báo khẳng định hoàng tử đã xâm phạm Bạch Tuyết.

Nhưng nếu tìm hiểu kỹ, phiên bản trong Truyện cổ Grimm không có chi tiết hoàng tử hôn Bạch Tuyết. Thay vào đó, chàng chỉ di chuyển quan tài thủy tinh, tạo ra sự xóc nảy khiến miếng táo độc văng khỏi miệng nàng. Như vậy, dù có nhiều điểm đáng ngờ khi hoàng tử mang thi thể của Bạch Tuyết đi, câu chuyện không có đủ chi tiết để cáo buộc chàng xâm hại tình dục.

Nhiều cộng đồng mạng phản đối GS Muta, cho rằng hoàng tử không xâm hại tình dục Bạch Tuyết. Ảnh: Wikipedia.

Đối với truyện Công chúa ngủ trong rừng, hoàng tử được chỉ dẫn dùng nụ hôn để đánh thức công chúa. Trường hợp này có thể hợp pháp hóa hành động bằng cách coi đây như thao tác hô hấp nhân tạo.

Nhưng chung quy lại, quan điểm của GS Muta không tập trung việc áp đặt các giá trị, luật pháp, đạo đức hiện tại lên truyện cổ tích. Từ góc độ một chuyên gia về xã hội và lý thuyết giới, bà chỉ muốn truyền đi thông điệp về bản chất của xâm hại tình dục.

Đây là hành động cần thiết khi hàng loạt vụ việc diễn ra tại Nhật Bản trong năm qua cho thấy người dân còn chưa nhận thức rõ về loại tội phạm này.

Theo news.zing.vn

Thật ra, Cinderella đã sát hại mẹ ghẻ của mình?

Bạch Tuyết đã là dĩ vãng ngày nay giới trẻ Nhật đua nhau truy lùng : Gương thần làm đẹp của mụ phù thuỷ

Kyoto và ký ức đen tối về những cuộc thanh trừng của Bách quỷ dạ hành

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: