Leo núi Phú Sĩ ở Nhật Bản vào mùa nào?
Du khách nào đến Nhật cũng muốn tham quan núi Phú Sĩ nổi tiếng. Tuy nhiên nếu muốn chinh phục đỉnh Phú Sĩ, ngắm bình minh trên núi thì bạn chỉ có thể đến đây vào mùa hè, khi núi mở cửa cho khách leo núi.
Nếu muốn leo núi Phú Sĩ ngắm bình minh thì bạn phải đến đây vào mùa hè
Ngoài việc đến ngắm, còn có một chương trình chinh phục đỉnh núi, leo núi ngắm bình minh. Chương trình này thường mở ra vào mùa hè, khi khí hậu quanh vùng núi ổn định. Còn trên đỉnh núi nhiệt độ khoảng 5-6°C, gió nhẹ, ít mưa.
Mở cửa vào mùa hè.
Hè là thời điểm núi đón nhiều du khách nhất
Hàng năm, núi Phú Sĩ được mở cửa trong vòng hai tháng. Từ ngày 1 tháng 7 tiến hành nghi thức làm lễ mở cửa ở núi Gogome thuộc cửa Yoshida. Ngày 31 tháng 8 mọi hoạt động chính thức kết thúc. Ðây cũng là thời gian Phú Sĩ đón nhiều khách du lịch nhất, thậm chí có những ngày cuối tuần có đến hàng chục ngàn người tìm đến quanh núi Phú Sĩ. Trong đó có khoảng 30% là người nước ngoài.
Khi xưa núi Phú Sĩ là nơi hành hương chứ không phải một khu thể thao giải trí, nên việc leo núi có rất nhiều quy định nghiêm ngặt. Những người hành hương lên núi sẽ phải trải qua nghi thức tẩy rửa thân thể trong sạch tại một trong năm hồ lớn ở chân núi, mặc trang phục trắng, lên tới trạm thứ 8 và nghỉ một đêm trong lều. Sáng sớm hôm sau, họ sẽ lên đỉnh núi để ngắm bình minh, sau đó đi một vòng quanh miệng núi lửa trước khi xuống núi theo một đường khác.
Khung cảnh mây mờ sương phủ nhìn từ núi
Ngày nay, việc leo núi đã dễ dàng hơn. Đoạn đường từ chân núi lên tới đỉnh Phú Sĩ đã được chia thành 10 tầng (hay 10 trạm). Tất cả đường đi đều được trải đá bằng phẳng nhằm giúp du khách dễ di chuyển. Tuy đường đi đã dễ, hành trình leo chỉ mất từ khoảng 7 giờ, nhưng nếu không chuẩn bị kỹ, bạn vẫn có thể bị thương tổn do thân nhiệt bị giảm hoặc gặp các tai nạn, sự cố xảy ra trong quá trình chinh phục đỉnh cao.
Xe ở trạm dưới chân núi Phú Sĩ chỉ đưa du khách lên tầng 5 – trạm dừng đầu của núi để bạn chuẩn bị mọi thứ, các tầng còn lại phải leo bộ. Nhiều người thường chọn leo núi theo cách này, vì nếu leo từ chân núi lên thì chưa chắc đi nổi cả ngày trong thời tiết mùa hè nóng bức. Khi lên tới trạm thứ 5, tức là bạn đã đi được một độ cao tới 2.300m so với mặt biển.
Xe ở trạm chỉ lên đến tầng 5, còn lại du khách phải tự leo
Gọi là leo chứ thực sự đã có đường đi, có cả bản chỉ đường bằng tiếng Nhật. Tại mỗi trạm dừng chân đều có nhà nghỉ (có tính phí), với chỗ ngủ và thức ăn nóng để du khách có thêm sức khỏe. Nơi đây có bán cả quần áo chuyên dụng, bởi càng leo lên cao, nhiệt độ càng thay đổi, từ trạng thái nóng chuyển sang mát và sau cuối là rất lạnh. Trang phục mỏng sẽ không chịu nổi.
Bạn phải mặc đủ ấm vì lên cao sẽ rất lạnh
Đi vào mùa leo núi, bạn sẽ thấy từng đoàn người nối đuôi nhau đi trong màn đêm, từng quầng sáng đèn pin chiếu rực rỡ tiến thẳng lên đỉnh núi. Đường lên đỉnh núi có năm cung đường chính: Kawaguchiko, Subashiri, Fujinomiya, Fuji-Yoshida và Gotemba. Thời gian đi lên đỉnh sẽ mất từ 5 đến 9 tiếng tùy theo sức khỏe, còn khi xuống chỉ mất khoảng 3 tiếng. Thời tiết trên núi thì có lúc ôn hòa, có lúc mưa gió, khó thể đoán trước.
Ban đầu, đường đi lên núi cũng không gập ghềnh lắm. Sau đó đường dốc dần. Thông thường là đến tối sẽ lên đến trạm chính ở tầng 8, bạn sẽ ngủ cho lại sức, khuya dậy leo tiếp lên đỉnh núi ngắm bình minh.
Với những du khách ít vận động thì lên đến được tầng 8 cũng không phải là dễ dàng. Đoạn đường đi khá dài, có một đoạn đường đá gập ghềnh, còn lại là đường đi bộ lên dốc. Đường cũng hơi trơn do bề mặt toàn cát sỏi – nếu không dùng giày leo núi tốt bạn sẽ rất dễ bị trượt chân.
Thời gian đi lên đỉnh sẽ mất từ 5 đến 9 tiếng tùy theo sức khỏe
Khi bạn leo núi, quan trọng là không bị mưa. Vì càng lên cao không khí càng lạnh, mưa gặp gió thổi sẽ càng dễ bị lạnh. Bù lại, bạn sẽ có cảm giác như đi xuyên qua mây, qua sương khói mờ mịt. Đây cũng là lúc dễ bị té ngã nhất vì nhìn lên nhìn xuống đều không thấy đường. Còn nếu như trời quang, từ trên núi cao nhìn xuống thung lũng bên dưới, bạn sẽ thấy phong cảnh tuyệt đẹp với thành phố, hồ nước, rừng cây…
Khi leo núi, bạn sẽ có cảm giác như đi xuyên qua mây khói mờ mịt
Tại tầng 8 này, bạn sẽ gặp rất nhiều “người quen” từng gặp ở chân núi, các trạm dừng. Nên nếu đã quen với những cái giường to rộng tại các khách sạn, bạn sẽ phải chấp nhận chia sẻ chỗ ngả lưng vừa đặt gọn một người. Vì các khách sạn ở trạm dừng thường là những căn nhà nhỏ được xây dựng trong mùa leo núi và luôn trong tình trạng chật cứng khách du lịch.
Sau khi ăn, đa số là các món nóng theo cách nấu của người Nhật, bạn nên đi ngủ sớm. Vì thường đến 1 giờ khuya là phải dậy để chuẩn bị leo tiếp. Bạn phải leo đến đỉnh trước bình minh để ngắm mặt trời mọc. Lúc này là leo núi trong đêm với những quầng sáng của đèn. Sẽ rất thú vị khi bạn nhìn xung quanh, gần như không thấy người, chỉ thấy những quầng sáng của đèn cứ nối tiếp nhau thành một con đường lấp lánh trên những triền núi.
Cảnh đêm huyền ảo nhìn từ núi
Khi thấy phía Đông hừng sáng là đã lên gần đến đỉnh. Cũng tùy theo thời tiết (mưa, mây) mà có thể bạn sẽ không thấy mặt trời mọc. Nhưng nếu được nhìn mặt trời mọc từ đỉnh núi cao sẽ thấy khác hẳn. Bình minh trên núi Phú Sĩ bao giờ cũng đẹp, rất xứng đáng để du khách leo lên đỉnh chỉ để ngắm.
Bình minh trên đỉnh Phú Sĩ bao giờ cũng đẹp, rất xứng đáng để leo lên chỉ để ngắm
Phú Sĩ là một ngọn núi lửa. Xung quanh miệng núi này có rất nhiều điểm cao và những chỗ bạn có thể dừng lại ngắm bình minh vẫn chưa phải là điểm cao nhất. Nhưng vì lý do an toàn, các hướng dẫn viên sẽ không cho du khách leo lên chỗ cao nhất để ngắm bình minh. Nơi đó thường chật hẹp, không khuyến khích nhiều người chen nhau đứng lên. Hơn nữa, muốn ngắm bình minh thì phải chọn chỗ có tầm quan sát thoáng đãng về hướng Đông.
Từ đỉnh núi nhìn xuống
Ngắm mặt trời xong, nếu thích bạn có thể đi thêm một đoạn để ngắm miệng núi lửa. Đường khá hẹp nên bạn sẽ phải xếp hàng, cần cẩn thận vì đoạn đường này có nhiều cát sỏi dốc và trơn. Miệng núi lửa có đường kính khoảng 850m và sâu 220m. Tuy đã ngủ yên từ năm 1707, nhưng các nhà địa chất vẫn đề phòng và xếp Phú Sĩ vào những ngọn núi lửa đang hoạt động.
Sau khi chụp ảnh miệng núi lửa, bạn sẽ leo xuống bằng một con đường khác (để tránh lẫn lộn với dòng du khách mới đang đi lên). Cả đường đi lên và đi xuống cũng không cách nhau xa lắm, các đoàn có thể nhìn thấy nhau. Đường xuống làm theo kiểu dích dắc chữ Z để giảm bớt độ dốc và được rải cát hay sỏi nên cũng giúp giảm trượt khá nhiều.
Đường xuống núi làm theo kiểu dích dắc để giảm độ dốc
Trạm dừng khi xuống vẫn là khu khách sạn ở tầng 8, để du khách ăn sáng lót dạ rồi mới xuống tiếp. Lúc này bạn có thể ung dung ngắm cảnh. Núi Phú Sĩ có độ cao 3776m và chỉ có từ 2.400 – 2800m trở xuống thảm thực vật của núi mới có thể mọc xanh tốt, còn quá độ cao đó cảnh quan sẽ là những sườn núi trơ trụi đá sỏi và dấu vết của nham thạch. Tuy nhiên, ngắm những sườn núi với những dấu vết nham thạch trong màn mây sương khói buổi sáng cũng sẽ rất thú vị.
Xuống đến tầng 5, nếu thích bạn có thể chậm rãi đi bộ xuống thêm tầng 4 hay 3 để hít thở không khí trong lành. Với tất cả những ai có dịp leo núi mùa hè, đó đều là trải nghiệm khó quên khi chinh phục được đỉnh Phú Sĩ huyền thoại.
Theo Samurai Tour