Bị bệnh gì sẽ không được sang Nhật làm việc?
Nhật Bản đưa ra yêu cầu mới về cấp thị thực từ sáu nước ở châu Á, trong đó có Việt Nam.
Trước tình hình người mắc bệnh lao là người nước ngoài tại Nhật Bản gia tăng, Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản đã có yêu cầu xét nghiệm bệnh lao đối với lao động người nước ngoài trước khi nhập cảnh vào Nhật Bản để làm việc.
Cụ thể, phía Nhật Bản đưa ra yêu cầu mới về cấp thị thực từ sáu nước (gồm Trung Quốc, Nepal, Indonesia, Myanmar, Philippines và Việt Nam) ở châu Á, trong đó có Việt Nam, muốn xin thị thực dài hạn (90 ngày) phải xét nghiệm lao trước khi nhập cảnh vào Nhật.
Bộ Y tế Nhật Bản sẽ áp dụng yêu cầu mới này sau khi đạt được thỏa thuận với sáu nước trên, lý do cả sáu nước nói trên đều có tỉ lệ người nhiễm lao cao. Trong khi đó Bộ Y tế nước này xác nhận số người Nhật mắc bệnh lao đang giảm, ngược lại số người nước ngoài mắc bệnh này lại tăng cao.
Người nộp đơn xin thị thực vào Nhật phải xét nghiệm lao tại các cơ sở được chỉ định. Theo đó, người xin thị thực chỉ được cấp khi chứng minh không có triệu chứng bệnh hoặc đã chữa khỏi bệnh lao.
Các thực tập sinh chuẩn bị đi Nhật làm việc. Ảnh: P.ĐIỀN
Đại diện một công ty xuất khẩu lao động tại TP.HCM thông tin thêm, ngoài yêu cầu không bị bệnh lao, phía Nhật còn yêu cầu thực tập sinh Việt Nam trước khi xuất cảnh có chứng nhận không bị viêm gan B, HIV, bệnh giang mai, răng hàm mặt, hô hấp, tim mạch, tâm thần… Ngoài ra, một số công việc còn yêu cầu thực tập sinh không bị bụi phổi, mù màu.
Thực tập sinh Võ Hữu Thắng (quê Quảng Bình) cho hay anh đã phỏng vấn trúng tuyển ngành cơ khí, sẽ xuất cảnh sang Nhật làm việc trong tháng 3-2018. Theo đó, ngoài đợt khám sức khỏe trước khi phỏng vấn để kiểm tra lao, HIV, giang mai, tiểu đường, thị lực… Sau khi trúng tuyển, cứ ba tháng một lần phía Nhật yêu cầu phải kiểm tra tổng thể để đảm bảo “sạch bệnh” trước khi xuất cảnh.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Trường Giang, Trưởng phòng Nhật Bản – châu Âu và Đông Nam Á (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: Thực ra quy định xét nghiệm không bị nhiễm lao có từ năm 1999 nên không có gì mới. Có thể do tình trạng bệnh lao bùng phát nên phía Nhật có động thái cảnh báo người nước ngoài nhập cảnh vào Nhật.
Theo ông Giang, so với thị trường lao động các nước, thị trường Nhật vẫn áp dụng chuẩn chung về điều kiện sức khỏe và chứng nhận để người lao động đi làm việc ngoài nước do Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam quy định. Trong đó có tất cả 13 nhóm bệnh tật không đủ tiêu chuẩn sức khỏe để xuất khẩu lao động. Năm 2017 có hơn 54.500 lao động Việt Nam, trong đó có 24.500 lao động nữ sang Nhật Bản làm việc.
Theo An Nhiên/ Plo.vn
Bạn có chọn đi xuất khẩu lao động Nhật Bản khi biết 9 sự thật kinh hoàng này?
5 rủi ro thường gặp khi đi xuất khẩu lao động Nhật Bản?
Giám đốc trẻ lừa gần 200 người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng