Người Nhật vốn “thảo mai” nhưng giá trị của lời khen ngợi “đầu môi” thì chẳng ai phủ nhận được

“Đừng tin lời khen của người Nhật, họ “thảo mai” lắm”

Tôi còn nhớ như in lời răn của một đàn anh dành cho chúng tôi khi vừa “chân ướt chân ráo” bước vào khoa tiếng Nhật của một trường đại học ở Việt Nam.

Căn dặn một đường, nhưng trong đầu tụi sinh viên năm nhất khi đó, Nhật Bản chỉ toàn màu hồng và người Nhật trông thật tốt bụng và dễ mến mà thôi. Vì vậy, chúng tôi bỏ ngoài tai lời dặn của các đàn anh đi trước. Cho đến khi hiểu được lý do của những lời dạy bảo ấy.

Người Nhật xởi lởi và “hiếu khách” ngay từ lần gặp đầu tiên. Họ không ngớt lời khen ngợi dành cho đối phương mặc dù trong lòng chẳng nghĩ như vậy. Vâng, người Nhật rất Tatemae, và chính họ cũng biết điều đó.

Tuy nhiên, đã là văn hoá thì chẳng có ai có quyền phán xét cả. Tuy nhiên, nếu quan sát theo một khía cạnh khác, bạn có thấy sự khen ngợi đôi khi là liều thuốc rất hữu hiệu và dễ chịu hơn rất nhiều so với lời khiển trách?

Ảnh: http://www.irasutoya.com/

Nên dạy trẻ bằng sự dịu dàng hay nghiêm khắc? Là một người sếp, bạn có nên khiển trách nhân viên khi mắc lỗi hay vỗ về họ tiếp tục cố gắng? Đây cũng là hai quan điểm đối lập nhau, mà nhiều năm nay người Nhật vẫn tranh cãi và tốn không ít giấy mực để phân tích mặt lợi hại của hai phương pháp đối nhân xử thế này.

Tuy nhiên, bài viết này tôi dành để chỉ ra cách người Nhật sử dụng văn hoá Tatemae của mình vào những trường hợp mang lại hiệu quả tích cực không ngờ.

Trường dạy lái xe “khen nức nở”

Bạn đã bao giờ nghe đến sự khốc liệt của các kỳ thi lấy bằng lái xe ở Nhật?
Cũng giống như Việt Nam, thi bằng lái ở Nhật cũng có lý thuyết và thực hành. Tuy nhiên chi phí học khá “chát” từ 25-30 Man (50 -60 triệu đồng), và giám thị cũng vô cùng khắt khe. Vì vậy một khi thi trượt là tiền mất tật mang. Chính vì lý do này, mà các trường dạy lái xe ở Nhật rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ học viên, nhất là phần thực hành lái xe.

Thậm chí có người sợ hãi đến nỗi cả đời gắn bó với tàu điện thay vì đi học để lấy bằng.

Nắm được tâm lý đó, trường dạy lái xe NAMBU, tỉnh Mie đã nghĩ ra một mô hình dạy học kỳ lạ nhưng hiệu quả đạt được lại hết sức bất ngờ. Khoá học thực hành mang tên “Homechigiru Renshusho – sân tập khen-nức-nở”.

Ảnh: feedram.club

Đúng như tên gọi, tham gia vào khoá học, bạn hoàn toàn không bị chê trách hay la mắng từ giáo viên, mà chỉ toàn lời khen ngợi. Ngay cả khi học viên làm sai cũng nhẹ nhàng nhận được lời khuyên bảo:” Nhận thấy điểm đó là tốt rồi, chỉ cần cố gắng thêm điểm này bằng cách… là được thôi”.

Chính phương pháp giáo dục này đã giúp ngôi trường có số lượng học viên đăng ký tăng mạnh. Một số học viên cho biết:

“Vì được thầy phụ trách khen ngợi nên cảm thấy vui hơn khi học”

“Lúc mắc lỗi cũng không cảm thấy quá “suy sụp” vì nhận được những lời khuyên có ích”

Mỗi buổi sáng, các giáo viên đến trường đều phải làm một công việc bắt buộc đó là, đứng trước một chiếc máy quét và tập mỉm cười.

Kỳ thi khen ngợi 

Ở quận Nihonbashi, Tokyo, cứ hằng năm lại diễn ra một kỳ thi dành để…khen ngợi.

Khen là cả một nghệ thuật. Ngay từ chuyện nghĩ ra điểm tốt để khen cũng đã khó, huống hồ là phải khen như thế nào cho người đối diện cảm thấy mát lòng.

Ai cũng muốn mình được khen ngợi, nhưng người tình nguyện bỏ ra những lời mỹ miều có cánh ấy lại rất ít. Vì vậy, việc đưa hai quan điểm về thế cân bằng là việc hết sức cần thiết mà xã hội Nhật đưa ra. Vì lẽ đó, mà cuộc thi thu hút rất nhiều các trưởng phòng, trưởng bộ phận tham gia, để học cách quản lý và đối xử với nhân viên sao cho hợp lý. Thay vì la mắng, trách phạt, khen ngợi đôi khi sẽ giúp công việc hoàn thành suôn sẻ hơn.

Ảnh: http://www.irasutoya.com/

Tạm kết 

Giờ đây, tôi chẳng còn nghiêm trọng hoá vấn đề người Nhật có thảo mai hay không nữa. Mà tôi quan tâm hơn đến giá trị và sức ảnh hưởng của nó trong những trường hợp nhất định. Bởi dù nói là người Nhật, nhưng cũng có người dễ dàng thốt ra như một thói quen đã rèn luyện. Có người phải “moi móc” cả tâm can mới khen được một lời. Và tuy rằng là lời đầu môi thì nó vẫn khiến đối phương thấy dễ chịu hơn trong một thời điểm nào đó.

Vì vậy bạn à, người Nhật dù thiếu thành thật đi nữa thì suy cho cùng cũng là nghĩ cho đối phương mà thôi. Trước khi chăm chăm phán xét họ thì thử ngẫm nghĩ lại một chút mà xem nhé!

 

Chee 
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: