Người Việt tự làm xấu mặt người Việt – Xin hãy lắng nghe tiếng khóc từ những kẻ trong cuộc
Tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật bị bắt giữ tại Nhật Bản vẫn gia tăng trong những năm gần đây. Đa số bị bắt do ăn cắp vặt tại các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi. Thậm chí cảnh sát đã từng lần ra đường dây tổ chức gửi đồ ăn cắp về Việt Nam.
Ảnh Zing.vn
Đa phần những thành phần phạm tội này sang Nhật ở dạng thực tập sinh. Thực ra đó chỉ là cái cớ để sang Nhật, sau đó một số người bỏ trốn và thực hiện các hành động phạm pháp.
Tại sao hiện tượng này lại diễn ra nhiều đến vậy?
Tràn lan trên các mặt báo, các thông tin liên quan đến việc bắt giữ người Việt ăn cắp tại Nhật khiến nhiều người Việt phẫn nộ. Tại sao họ lại phải làm xấu mặt đồng bào trên đất bạn như vậy? Có thể kể ra lý do cơ bản sau.
Không được cung cấp đầy đủ kiến thức sinh sống và làm việc an toàn tại Nhật.
Dù là bên Việt Nam, hay phía Nhật Bản, tình trạng các công ty môi giới lao động xấu vẫn tồn tại. Nhưng những việc làm của các công ty này tệ hại đến đâu, phải nhìn thật kỹ chúng ta mới có thể phát hiện ra.
Trước khi sang Nhật, đối tượng không được cung cấp kiến thức, ngôn ngữ, cũng không nhận được giải thích kỹ càng về công việc sắp tới. Kết quả, họ bị bỏ mặc nơi xứ người, lâm vào hoàn cảnh khó khăn, ở chẳng được về cũng không xong, từ đó dẫn đến hành vi phạm pháp.
Ảnh Xuat khau Lao dong Nhat Ban
Nếu bạn muốn sang Nhật thực tập, phải lựa chọn công ty thật kỹ càng. Hãy quên cái suy nghĩ “Miễn là được sang Nhật, ra sao cũng được”, bạn còn phải suy nghĩ đến cuộc sống của bạn sau này nữa. Nên nhớ rằng Nhật Bản không phải là quốc gia dễ sống, đặc biệt với người nước ngoài.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu trở thành một thực tập sinh bỏ trốn? Tôi sẽ trình bày bằng một vụ việc vừa xảy ra gần đây.
Một người đàn ông 28 tuổi đã bị bắt giữ tại thành phố Sendai. Anh ta thế chấp căn nhà của mình ở Việt Nam, kiếm 1,500,000 Yên để đến Nhật làm việc dưới dạng thực tập sinh. Công việc của anh tại Miyagi là phá dỡ nhà cửa công trình bằng thiết bị cơ khí nặng hoặc thủ công. Công ty thực tập cung cấp cho anh chỗ ở là một căn phòng chật hẹp 15 mét vuông cùng với 2 người khác. Tiền lương (đã trừ thuế) hằng tháng là 80,000 Yên, nhưng số tiền gửi về cho gia đình đã là 60,000 Yên.
Ảnh Sputnik
Tóm lại cuộc sống sinh hoạt vô cùng tù túng, khó khăn.
Thế nhưng tại sao anh lại chấp nhận điều kiện như vậy để đến Nhật? Có thể vì chế độ đãi ngộ anh ta được hứa hẹn và thực tế hoàn toàn khác nhau.
Để giải quyết tình trạng này đòi hỏi công ty giới thiệu lao động phía Việt Nam phải làm việc với bên Nhật Bản để đưa ra giải pháp, thống nhất về quyền và nghĩa vụ của người lao động. Nhưng một công ty làm ăn bất hợp pháp và phi đạo đức sẽ không thực hiện điều này.
Quá mệt mỏi, anh ta trốn khỏi công ty hiện tại, bắt đầu tìm kiếm việc làm khác trên Facebook. Tại đây, anh nghe theo lời dụ dỗ của một người Việt Nam tại Osaka gia nhập đường dây ăn cắp. Lâm vào hoàn cảnh này cũng vì bất đắc dĩ, với những lao động từng bỏ trốn, sẽ rất khó cho họ có thể xin việc được tại một doanh nghiệp Nhật Bản khác.
Ảnh Morning Japan
Người đàn ông này bị bắt giữ và khép vào 2 tội danh: cư trú bất hợp pháp (do vi phạm hợp đồng với công ty thực tập) và trộm cắp.
Với tội cư trú bất hợp pháp, mức phạt cao nhất lên đến 3,000,000 Yên, đồng thời cưỡng chế về nước. Trong vòng 5 năm không được phép quay lại Nhật Bản. Rất có thể, anh ta cũng sẽ bị từ chối nhập cảnh tại các quốc gia khác vì vết nhơ này.
Cũng chính bởi tình trạng này dạo gần đây đang gia tăng, cục quản lý, cấp VISA Nhật Bản cho người Việt Nam buộc phải đưa ra nhiều quy định khắc nghiệt hơn, đồng nghĩa với việc nhập cảnh của người Việt vào Nhật sẽ khó khăn hơn.
Ảnh Visa Vietpower
Dù rằng số người Việt muốn đến Nhật rất nhiều, người Nhật cũng muốn khuyến khích du khách Việt Nam du lịch Nhật Bản, tuy nhiên đây là việc nên làm để hạn chế những trường hợp không đáng có gây ảnh hưởng đến quan hệ, hình ảnh của hai nước.
Trường hợp thực tập sinh bị lợi dụng kể ra ở trên dù rằng rất đáng thương, và phần lỗi tất nhiên không thể bỏ qua những công ty môi giới lao động chất lượng kém, lừa đảo, tuy nhiên bản thân thực tập sinh cũng phải chịu trách nhiệm vì không xác nhận thông tin thật kỹ trước khi sang Nhật.
Đầu tiên, để bảo vệ cuộc sống của chính mình, cũng như không làm ảnh hưởng danh tiếng của người Việt Nam tại Nhật, vui lòng tìm hiểu thật kỹ thông tin và nhìn nhận mọi chuyện thật tỉnh táo trước khi quyết định ký hợp đồng với bất kỳ công ty môi giới thực tập nào.
Kengo Abe
Thực tập sinh Việt Nam tố bị lừa khử nhiễm phóng xạ ở Nhật Bản
Bác sĩ Nhật cảnh báo thực tập sinh Việt về nguy cơ nô lệ lao động