Sau 23 năm, Nhật Bản mới tử hình kẻ đứng đầu giáo phái gây ra vụ khủng bố tàu điện ngầm
Sau 23 năm kể từ khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố làm thiệt mạng nhiều người, gần đây bản án tử hình mới được thực thi.
Shoko Asahara, kẻ cầm đầu giáo phái có tên gọi Aum Shinrikyo tại Nhật Bản đã bị tử hình, sau thời gian bị kết tội chủ mưu cuộc tấn công khủng bố bằng khí Sarin vào hệ thống tàu điện ngầm Tokyo năm 1995.
Vụ việc gây ra cái chết cho 13 người và khiến 6.000 người khác bị thương.
Giáo chủ Shoko Asahara và 6 tín đồ bị treo cổ vào sáng ngày 6/7/2018, theo thông tin của Bộ Tư pháp Nhật Bản.
Cái tên Shoko Asahara và tà giáo của hắn ta đã để lại rất nhiều ám ảnh và khiếp sợ cho người Nhật nói riêng và cả Châu Á nói chung.
Ngoài Asahara còn có 191 tín đồ của tà phái trên bị kết tội trong hàng loạt vụ án giết người, bắt cóc, sản xuất khí độc và súng trường tự động khác. Trong đó còn có 12 người bị tuyên án tử hình.
Sở dĩ việc thực thi án tử hình kéo dài đến 23 năm vì tòa án phải chờ hoàn tất xét xử các tín đồ của giáo phái này. Quá trình chỉ vừa được hoàn tất vào ngày 25/1 năm nay.
Nhật Bản là đất nước thường chỉ xét xử và thực thi tử hình với một số ít tội phạm trong các vụ giết người mỗi năm. Ngày hành quyết không được thông báo trước và quá trình xử tử cũng chỉ được thông báo cách đó vài giờ.
Tuy nhiên, vụ việc hành quyết Asahara đã được theo dõi và mong đợi từ tháng Giêng năm nay, khi Tòa án tối cao của Nhật từ chối kháng cáo của thành viên cuối cùng trong tà phái Aum Shinrikyo và xét xử hắn ta.
Sáng ngày 6/7/2018, Shoko Asahara chính thức bị thực thi án tử, kết thúc 23 năm thù hận và đau buồn của những nạn nhân vụ khủng bố năm 1995.
Trong vụ khủng bố kinh hoàng 23 năm trước, các thành viên thuộc giáo phái này đã mang túi khí Sarin lên 5 chuyến tàu đông đúc nhất giờ cao điểm tại Tokyo vào ngày 20/3/1995. Cuộc khủng bố đã làm cả nước Nhật bị sốc và đánh mất hình ảnh một quốc gia an toàn và trật tự.
Giáo phái này tấn công khi Nhật Bản đang đối mặt với nhiều khó khăn như kinh tế bị trì trệ và vài tháng sau là trận động đất tại thành phố Kobe giết chết hơn 6.000 người.
Vụ khủng bố bằng khí Sarin đã khiến 13 người chết và 6.000 người khác bị thương.
Giáo chủ Asahara bị bắt 2 tháng sau vụ tấn công tại một trong những tòa nhà của giáo phái. Nhóm này trộn lẫn giáo lý Phật giáo và Hindu với nhau, sở hữu hơn 10.000 tín đồ ở Nhật Bản và hơn 30.000 người ở Nga vào thời điểm khủng bố.
Trước khi thành lập tà phái trên, Asahara làm việc như một nhà trị liệu châm cứu và y học Trung Quốc. Hắn ta bị khiếm thị và theo học trường dành cho người mù.
Hắn đã lôi kéo nhiều người trẻ Nhật Bản có cùng suy nghĩ không hài lòng với sự thịnh vượng của đất nước. Tà giáo này phản đối chính quyền, và Asahara gieo rắc một lời tiên tri rằng vào năm 2000, Nhật Bản sẽ bị tàn phá bởi hàng loạt cuộc tấn công từ Mỹ và các đồng minh.
Vào thời điểm vụ việc xảy ra, giáo phái Aum Shinrikyo có 10.000 tín đồ ở Nhật Bản và hơn 30.000 người ở Nga.
Trong thời gian xét xử, Asahara rất ít nói, hắn chỉ ngáp và lẩm bẩm một cách không mạch lạc, kể cả khi bị kết tội và đối mặt với án tử hình vào năm 2004.
Trước cuộc tấn công năm 1995, Asahara còn đứng sau một loạt tội ác khác trong 2 thập niên 1980 và 1990. Cụ thể, hắn đã gây ra 13 vụ án và làm chết 29 người. Tiếp đó là vụ tấn công khí Sarin ở thành phố Matsumoto, tỉnh Nagono tháng 6/1994 làm 8 người chết và 600 người bị thương.
Cảnh sát Nhật Bản đã bị chỉ trích vì không có hành động nhanh chóng hơn để ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc do tà giáo này gây ra.
Người dân Nhật Bản đã chờ đợi rất lâu để thấy kẻ độc ác này bị hành quyết.
Asahara bị hành quyết như một sự đánh dấu kết thúc chuỗi ngày ám ảnh và tăm tối của rất nhiều người thân nạn nhân trong những vụ việc đau lòng trên.
“Tôi đã mong đợi điều này sẽ xảy ra sớm”, Shizue Takahashi, người đã mất chồng trong cuộc tấn công tàu điện ngầm, chia sẻ với đài truyền hình Nhật Bản NHK. “Và sau 23 năm, cuối cùng nó cũng đã đến.”
Minoru Kariya có cha cũng là nạn nhân trong vụ khủng bố bày tỏ: “Tôi nghĩ vụ hành quyết đã được thực thi đúng luật pháp.”
Con gái thứ tư của Asahara khẳng định rằng cô bị cha mẹ lạm dụng và không muốn có bất kì mối quan hệ nào với họ.
Giáo phái này tiếp tục đổi tên thành Aleph, các quan chức Nhật Bản cho rằng vẫn còn khoảng 1.650 thành viên cuồng tín gia nhập. Sự hiện diện của tà giáo Aleph được báo cáo là vẫn đang tồn tại ở nước ngoài.
Trong suốt hàng chục năm dài ngồi tù, Asahara không hề giải thích động cơ thực sự các tội ác mình làm. Đặc biệt, 10 năm gần đây hắn từ chối gặp gỡ người bên ngoài và chỉ ngồi im hoặc lẩm bẩm những thứ khó hiểu.
Trong năm 2016, nước Cộng hòa Montenegro đã trục xuất 58 người có liên quan đến giáo phái Aleph bao gồm 43 người từ Nga, 7 từ Belarus, 4 người từ Nhật Bản, 3 từ Ukraine và 1 người từ Uzbekistan.
Tuy giáo chủ trước đây đã bị tử hình nhưng chính phủ Nhật Bản vẫn đề cao cảnh giác mọi hành động trả thù để đảm bảo sự an toàn cho người dân và đất nước.
Theo Lostbird
Vụ bé Nhật Linh bị sát hại: Việc xin chữ ký kiến nghị tử hình nghi phạm có hiệu quả?
DNA chưa đủ để trắng án, tử tù sống lâu nhất thế giới lại đối mặt với nguy cơ quay lại nhà tù