Glico Morigana: Bí ẩn vụ án Ác quỷ 21 sắc diện – Từ tống tiền đến một cảnh sát tự thiêu

Bất cứ tội ác nào cũng đến lúc bị trừng phạt, nhưng có những siêu tội phạm mà mãi đến sau này hành tung của chúng vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn. Một trong những vụ án xảy ra vào những năm 1980 đã khiến cảnh sát Nhật Bản huy động lực lượng quy mô lớn nhất trong suốt 17 tháng mà cuối cùng không đi đến một kết quả khả quan.

Sự kiện chấn động này đã xóa tan những quan điểm cho rằng Nhật Bản là một nơi tuyệt đối an toàn. Đây là câu chuyện nổi tiếng về Ác quỷ 21 mặt, một tổ chức dẫn đầu bởi một nhân vật bí ẩn đã khiến cảnh sát lao tâm khổ tứ trong suốt hơn 30 năm qua và trở thành một trong những vụ án chưa giải quyết kỳ lạ nhất trong lịch sử Nhật Bản.

1. Ác quỉ 21 mặt, một tỷ Yên và 100 kilôgam vàng

Hơn 30 năm trước, lúc 9 giờ 30 phút tối ngày 18/3/1984, hai người đàn ông đeo mặt nạ mang theo súng xông vào nhà ông Katsuhisa Ezaki, Chủ tịch hãng bánh kẹo Glico.

Glico là hãng bánh kẹo nổi tiếng với sản phẩm Pocky và biểu tượng Glico Man ở Dotonburi, Osaka

Trước khi bước vào nhà, bọn chúng đã sang nhà bên cạnh là nhà mẹ của ông Ezaki để cướp chìa khóa. Ngang nhiên mở cửa, hai đối tượng trói vợ và con gái ông Ezaki. Tin rằng đó chỉ là hai tên cướp bình thường, vợ ông Ezaki định cho chúng ít tiền nhưng bị từ chối. Bọn cướp sau đó bắt đầu cắt các đường dây điện thoại và xông vào phòng tắm, nơi ông Ezaki và hai đứa con khác đang trốn. Ông Ezaki bị đưa đi và bị giam trong một nhà kho ở thành phố Ibaraki, Osaka.

Sáng sớm hôm sau một bức thư được gửi đến nhà một nhân viên của hãng Glico, báo có thư đặt ở cabin điện thoại công cộng trong đó đòi “1 tỷ yên và 100kg vàng thỏi để chuộc mạng Katsuhisa Ezaki”. Tuy nhiên, Ba ngày sau khi bắt cóc, ông Ezaki đã tự tìm cách trốn thoát trong khi bọn tội phạm vắng mặt.

Ngày nay, cái nhà kho bọn tội phạm dùng giam giữ ông Ezaki vẫn còn nhưng cỏ đã mọc lên um tùm

Mọi việc dường như mới chỉ bắt đầu. Ngày 10-4, bãi đỗ xe tại trụ sở của Glico bị phóng hỏa. Ít ngày sau, một thùng nhựa chứa axit và một lá thư đe dọa gửi đến Glico đã được tìm thấy tại Ibaraki.

Ngày 10-5, Glico bắt đầu nhận được thư từ một người hoặc một nhóm tự xưng là “Ác quỷ 21 sắc diện” giống như tên nhân vật trong cuốn tiểu thuyết trinh thám của Edogawa Rampo.

“Ác quỷ” này tuyên bố đã tẩm kali xyanua (là chất kịch độc, có thể gây chết người) vào kẹo của Glico. Hãng bánh kẹo Glico phải thu hồi toàn bộ sản phẩm của mình khiến họ tổn thất 21 triệu USD và cho nghỉ 450 nhân viên bán thời gian. Cùng thời gian này, những tên tội phạm bí ẩn còn gửi thư cho một số hãng truyền thông và cảnh sát để khiêu khích họ.

Hình ảnh từ Camera của một người đàn ông được cảnh sát cho rằng đó chính là” Ác quỷ 21 sắc diện”

2. Tha cho Glico, chuyển sang phá 30 công ty khác, cảnh sát trưởng tự thiêu và vụ án khép lại.

Ngày 20/6/1984, thủ phạm kí tên “Ác quỷ” này viết thư tuyên bố “tụi tao tha cho mày đấy, chán lắm rồi…” một cách rất khó hiểu, chuyển mục tiêu sang các sản phẩm của 30 công ty khác trong đó có công ty bánh kẹo Morinaga (thuộc tập đoàn Sữa Morinaga), xí nghiệp thịt xúc xích Marudai và sản phẩm của công ty Thực phẩm House (chế biến cà-ri ăn liền…).

Quả đúng như lời đe dọa, cảnh sát đã tìm thấy các hộp bánh của Morinaga có dán thêm dòng chữ :”nguy hiểm, có chất độc” của “Ác quỷ 21 mặt” vào ngày 7/10/1984 và tháng 2/1985.

Tính từ ngày 7/4/1984 đến 26/12/1984 chúng đã gửi tất cả 15 bức thư đe dọa như trên, dư luận hoảng loạn trước sự khủng bố, cảnh sát tỏ ra bất lực trong việc truy tìm hung thủ đưa đến tình trạng căng thẳng đẩy ông Yamamoto, người đứng đầu Sở Cảnh sát tỉnh Shiga vào tháng 8-1985, sau loạt thất bại dài trong suốt 1 năm 6 tháng trong việc truy tìm “Ác quỷ 21 mặt”, và phải tự thiêu.

5 ngày sau, “Quái vật” gửi tin nhắn cuối cùng của mình tới giới truyền thông, trong đó nói rằng muốn gửi lời chia buồn về cái chết của ông Yamamoto: “Chúng tao quyết định quên việc tấn công các công ty thực phẩm. Về sau, nếu bất cứ ai có hành vi tống tiền tương tự thì chỉ là hành vi sao chép”.

3. Trách nhiệm của các bên

Cho đến ngày nay chưa ai biết được thỏa thuận bên trong giữa hung thủ và các công ty này là bao nhiêu, cũng như tiền chuộc ông Tổng giám đốc Katsuhisa Ezaki của Glico vẫn chìm trong bóng đêm chứng tỏ đây là một hành vi tống tiền có kế hoạch và tổ chức chu đáo, biết lợi dụng các cơ quan truyền thông và dư luận để gây sức ép một cách hữu hiệu.

Mặc dù sự việc diễn ra trong một thời gian khá dài trên một diện tương đối rộng (Tokyo, Osaka, Kyoto, Aichi, Shiga…) nhưng cảnh sát điều tra vẫn bất lực, như một bộ phim hình sự mà phần thua thuộc về những người cảnh sát.

Vụ án số 114 đã được đóng nhãn “Kết thúc điều tra”.

Quốc Bảo 

[Kinh dị] Bí ẩn những vụ “biến mất vào hư không” vẫn chưa có lời giải

[Cảnh báo rùng rợn] Thử tài phá án – Bạn suy luận tình huống này như thế nào?

Kỳ lạ vụ án học sinh trung học ăn cắp tương đương 2 tỷ VND tại nhà bạn, mất vài tháng mới phát hiện ra -Vụ án còn nhiều uẩn khúc

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: