Nông dân quấn “đuôi trâu” xuất khẩu sang Nhật Bản

Nghề quấn rơm khô thành hình “đuôi trâu” để xuất khẩu sang Nhật Bản phục vụ tín ngưỡng của người dân đất nước mặt trời mọc, giúp nhiều nông dân Ninh Bình có thu nhập ổn định.

Từ tháng 6 đến 7 âm lịch hàng năm, nhiều hộ dân ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) lại tất bật với công việc quấn “đuôi trâu”. Thực chất là quấn thừng rơm, nhưng do hình thù giống đuôi trâu nên người dân hay gọi như vậy cho dễ hiểu.

d3

Chị Duyên cho hay, với mức tiền công 24.000 đồng cái đuôi trâu lớn và 5.000 đồng cái nhỏ, người dân cũng kiếm được 200-300 nghìn mỗi ngày. Ảnh: Phương Vy.

Chị Phạm Thị Luân (xã Ân Hòa), người gắn bó gần chục năm với công việc này cho biết, nguyên liệu chính để làm “đuôi trâu” là thân cây lúa tám thơm chưa trổ bông.

Các doanh nghiệp trong huyện cấy loại lúa này, sau khoảng 45 ngày gặt về sấy khô và xử lý rồi cung cấp cho người dân làm và trả công theo sản phẩm.

Đuôi trâu phình to ở giữa, nhỏ dần ở hai đầu. Người làm phải sắp xếp gọn gàng các thân lúa thành nắm, rồi quấn chặt.

Đoạn giữa sẽ được độn thêm rơm hoặc rạ khô để tạo hình phình to.

Chị Đào Thị Duyên (xã Ân Hòa) cho biết, người Nhật rất cẩn thận và yêu cầu cao trong từng sản phẩm, nhất là vật thờ cúng như thừng rơm nên nhìn thì dễ nhưng không phải ai cũng làm được. “Chồng tôi tranh thủ làm nhưng chỉ xếp rơm cho gọn và thực hiện công đoạn độn rơm rạ bên trong, còn tôi quấn thừng. Những sản phẩm không đạt yêu cầu sẽ bị doanh nghiệp trả lại”, chị Duyên nói.

d2

Nguyên liệu chính làm đuôi trâu là lúa tám thơm ở giai đoạn chưa trổ bông, được gặt về sấy khô. Ảnh: Phương Vy.

Mỗi ngày thợ lành nghề như chị Duyên làm được 20-30 sản phẩm.

Thừng to được trả 24.000 đồng tiền công còn thừng nhỏ chỉ 5.000 đồng. Trung bình mỗi ngày chị Duyên kiếm được 200-300 nghìn từ nghề quấn đuôi trâu.

Nhờ có công việc này mà nhiều năm nay kinh tế gia đình chị Duyên khấm khá lên. “Khi làm thêm nghề quấn đuôi trâu, mỗi vụ gia đình tôi thu nhập 20-30 triệu đồng. Ngoài nuôi 2 con ăn học ngoài Hà Nội, tôi dành dụm được một khoản tiết kiệm để cất căn nhà mới”, chị Duyên nói.

Gia đình ông Vũ Văn Chiến (54 tuổi, xã Ân Hòa) gắn bó với nghề quấn thừng rơm gần 10 năm.

Nhà có 3 lao động nên phân công làm theo dây chuyền. Ông Chiến độn rơm, rạ khô bên trong còn vợ và mẹ khéo tay sẽ quấn thừng.

Bà Thừa mẹ ông Chiến vẫn thoăn thoắn quấn từng nắm rơm khô dù đã 80 tuổi. Nhờ nghề này gia đình ông nuôi được 3 người con học đại học.

d

Dù 80 tuổi nhưng cụ bà Vũ Thị Thừa vẫn quấn thừng rơm thoăn thoắt. Ảnh:Phương Vy.

Ở huyện Kim Sơn, ngoài xã Ân Hòa, người dân các xã Quan Thiện, Kim Chính, Như Hòa… cũng làm nghề quấn thừng rơm. Dù một năm chỉ làm trong vài tháng nhưng công việc này đã nuôi sống nhiều gia đình ở Ninh Bình.

Theo VnExpress

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: