Nhật Bản kêu gọi các doanh nghiệp bật max điều hòa và mở cửa để đi xem Olympic 2020 cho nó mát
Tuy nhiên, không ít dân mạng lại cho rằng Bộ Môi trường Nhật Bản đã bỏ qua những định luật vật lý cơ bản và chưa tính đến quá tải điện năng.
Giành quyền đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất thế giới vừa là cơ hội, vừa là thách thức không nhỏ với bất kỳ quốc gia nào.
Nhật Bản cũng vậy, Olympic Tokyo 2020 (Games of the XXXII Olympiad, tên gọi chính thức: Thế vận hội Mùa hè 2020) đã đến gần và chính quyền Xứ sở Hoa anh đào đang gấp rút chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt này. Dù diễn ra vào mùa hè 2 năm tới nhưng mùa hè năm nay ở Nhật đã rất kinh hoàng, thậm chí đã không ít người chết vì nóng.
Bộ Môi trường Nhật Bản đang trưng cầu một kế hoạch có tên là Cool Share (Chia sẻ sự mát mẻ). Về cơ bản, Cool Share sẽ khiến người dân Nhật và du khách dễ dàng tìm thấy những không gian công cộng mát mẻ hơn là ở lì trong nhà và bật điều hòa.
Theo Bộ Môi trường, kế hoạch kỳ lạ này có thể giúp giảm thiểu điện năng sử dụng trên toàn Nhật Bản, chưa kể kích cầu kinh tế vì người dân/du khách sẽ kéo nhau đến các khu thương mại.
Bộ Môi trường Nhật Bản công bố và trưng cầu về kế hoạch Cool Share
Ngoài ra, trong các sự kiện thể thao ngoài trời như marathon, Bộ Môi trường đang xem xét việc kêu gọi các cửa hàng, tòa nhà văn phòng dọc đường đua tự nguyện bật điều hòa, mở cửa để giúp đường phố mát mẻ hơn.
Thực chất, nhiều nơi đã dùng cách này để lôi kéo khách hàng. Nếu có mặt ở Tokyo, bạn sẽ thấy nhiều loại điều hòa được lắp để làm mát không gian bên ngoài các cơ sở kinh doanh.
Vào ngày 2/8 vừa qua, cuộc khảo sát lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp về kế hoạch Cool Share đã được tổ chức. Nhiều người đồng tình và nói với đài NHK rằng dân Nhật nên tận hưởng cuộc đua marathon của Olympic 2020, họ muốn Cool Share trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, không ít dân mạng lại cho rằng Bộ Môi trường Nhật Bản đã bỏ qua những định luật vật lý cơ bản và chưa tính đến quá tải điện năng.
Chỗ này càng lạnh, chỗ kia càng nóng
Bạn đã từng đi qua một tòa nhà, xe hơi và cảm nhận luồng khí nóng chạy qua người chứ? Để giải thích rõ hơn, hãy nhìn vào những hình ảnh minh họa dưới đây để biết vì sao Cool Share lại không hợp lý:
Hãy để ý kỹ đến những khu vực được đánh số từ 1 – 5
Có thể thấy rõ, để tạo ra hiệu ứng như Bộ Môi trường Nhật mong muốn, hàng loạt máy điều hòa sẽ phải bật hết công suất. Khiến không gian bên trong các tòa nhà trở nên lạnh bất thường (1).
Tiếp này, những người yêu thể thao, hứng thú theo dõi các VĐV hoặc muốn lên TV sẽ kéo nhau ra trước các tòa nhà. Đây là khu vực có nhiệt độ dễ chịu nhất (2).
Bản thân các VĐV cũng chỉ nhận được lợi ích tối thiểu từ kế hoạch này. Vả lại, mỗi VĐV marathon đều đã trải qua khổ luyện, mát hơn một tẹo cũng chẳng phải điều gì quan trọng đối với họ (3).
Đổi lại sự mát mẻ đó, phần còn lại của Tokyo sẽ phải đánh đổi những gì?
Đương nhiên là sức nóng dữ dội hơn thông thường từ vô số những cục nóng điều hòa (4). Lượng không khí nóng này sẽ tích lũy quanh các tòa nhà, khu dân cư, tạo thành “vùng chết” (5), nóng đến mức chỉ có hồn ma và gấu nước 8 chân từ thời tiền sử mới tồn tại được.
Ngoài ra, nhìn vào sơ đồ marathon của Olympic Tokyo 2020, bạn sẽ nhận ra “vùng chết” siêu nóng đó rộng tới cỡ nào.
Nếu những tính toán phía trên chính xác, khu vực dành cho giải marathon sẽ trở thành nỗi kinh hoàng cho người già, trẻ nhỏ và những người sợ nóng.
Tóm lại, kế hoạch Cool Share nhằm giải nhiệt Olympic 2020 thực sự liều lĩnh và thiếu thận trọng. Nên đề cao tinh thần thể thao, ai chịu được nóng cứ ra ngoài xem, còn lại cứ ở nhà cho lành.
Nguồn: Sora News
Theo Long.J/ Tri Thức Trẻ
Bà cụ 90 tuổi học tiếng Anh mỗi ngày vì muốn trở thành tình nguyện viên cho Thế Vận hội Olympic