Mặc cho tỷ lệ sinh tiếp tục sụt giảm, 3 mâu thuẫn kỳ lạ chưa có hồi kết vẫn tồn tại trong xã hội Nhật

Ảnh: ユーリカ!

Năm 2018 đã trôi qua, chúng ta thường nghe nhắc đến những cụm từ như “già hoá dân số”, “lao động trẻ thiếu hụt trầm trọng”… khi nói về Nhật Bản. Nhưng bạn có biết tình hình ấy đang nghiêm trọng đến mức nào?

Năm 1954 đánh dấu cột mốc kỷ lục khi mà số lượng trẻ em bằng hoặc dưới 14 tuổi đạt ngưỡng 29,89 triệu người. Tuy nhiên cho đến năm 1997, những số liệu  đầu tiên đã dần “vẽ” nên tương lai của một nước Nhật mất cân đối giữa 2 cán cân già-trẻ. Thời điểm ấy, số lượng người già trên 65 tuổi đã vượt quá số trẻ em dưới 14 !

Và xu hướng ấy không ngừng tiếp diễn, cho đến năm 2017 chỉ có 941.000 em bé ra đời, mức thấp nhất kể từ năm 1899. Trong khi đó, số lượng người cao tuổi trên 65 chiếm 27.7% và 13.8% ở độ tuổi trên 75. Chiếm hơn 40% dân số toàn nước Nhật. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế, xã hội, phúc lợi của nước này, đồng thời đặt lên vai người trẻ chồng chất những gánh nặng, của một đất nước mà tương lai chỉ còn lại một màu xám…

Biểu đồ số liệu dân số theo độ tuổi qua từng năm và dự đoán cho đến năm 2060

Ảnh: wikipedia

Trước tình hình ấy, chính phủ Nhật ra sức khuyến khích thanh niên kết hôn, sinh nở bằng nhiều hình thức, lấp đầy sự thiếu hụt lao động bằng chính sách “thực tập sinh kỹ năng”, nới lỏng chính sách Visa cho một số nước Đông Nam Á…

Thế nhưng tất cả những biện pháp “gấp gáp” ấy có lẽ vẫn chưa đủ “che đậy” những tiêu cực trong chính sách phúc lợi dành cho đối tượng nòng cốt của đất nước, còn dai dẳng đến tận bây giờ.

1/Cuộc chạy đua vào trường mẫu giáo

Nếu đã từng biết đến “phong trào” chạy trường điểm cho con, hẳn các bạn sẽ dễ dàng liên tưởng đến tình trạng “chạy đua” vào mẫu giáo ở Nhật. Việc đăng ký đi nhà trẻ ở Nhật cũng cần nộp hồ sơ và mỗi trường đều có một chỉ tiêu tuyển vừa đủ với số lượng hồ sơ. Gia đình nào không nộp kịp cho con thì bắt buộc vợ phải ở nhà chăm và đợi đến năm sau mới đi xin cho con học được.

Đây là vấn đề bất cập xảy ra hầu hết ở các thành phố lớn, nơi người lao động dồn về để làm ăn, sinh sống gây nên tình trạng quá tải trường học. Hầu như năm nào “chuyện thiếu trường” cũng được đưa ra tranh luận tại Quốc Hội nhưng có vẻ như vẫn chưa tìm được “lối thoát”.
Muốn tăng số lượng trẻ em nhưng trường học lại không đáp ứng đủ. Trong khi trường làng thì “ế chỏng chơ” chẳng thấy bóng trẻ em đến nỗi phải đóng cửa. Vậy thì nên làm thế nào?

Ảnh: https://farmhaircafe.com/2017/08/31/post-1271/

2/Ôm nợ nần sau khi tốt nghiệp đại học

Bạn đã từng nghe đến cụm từ 自己破壊 (Jiko hakai) = tự tuyên bố phá sản? Thoạt tiên, có vẻ như đây là vấn đề khá to tát liên quan đến các chủ doanh nghiệp, cơ sở, đoàn thể… thế nhưng bạn có biết, một cậu sinh viên vừa ra trường tại Nhật Bản vẫn có thể ký vào tờ đơn với cái tên tương tự. Và một khi đã ký, đồng nghĩa với việc bị xã hội quay lưng.

Ở Việt Nam, học bổng là một cái tên mỹ miều dành cho những học sinh, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc hay gia cảnh khó khăn có ý chí vươn lên.

Thế nhưng ở Nhật, học bổng đồng nghĩa với NỢ NẦN.

Học đại học đối với nhiều người Nhật không phải là chuyện đơn giản. Không bàn đến độ khó của kỳ thi đại học, tiền học tại những đại học dân lập của đất nước này tương đương với cả khối gia tài. Và để hỗ trợ những sinh viên muốn đi học đại học nhưng không muốn nhận trợ cấp từ gia đình, trường học có những gói hỗ trợ tài chính. Quá nửa sinh viên đại học Nhật hiện nay đều vay học bổng để đi học.

Điều kiện nhận học bổng là họ phải có một người thứ hai bảo lãnh, đồng thời người đó phải chứng minh khả năng trả nợ sau khi sinh viên kia tốt nghiệp đại học. Thời gian trả nợ học bổng tuỳ theo số tiền vay và số tiền sẽ trả hằng tháng. Có người phải trả đến 20 năm mới hết được số nợ.

 

Ảnh: syakkin-g.com

Thế nhưng, không phải chuyện gì cũng dễ dàng như thế, sau khi tốt nghiệp, đối mặt với đủ các thứ chi phí từ nhà cửa, ăn uống, đi lại… việc trích ra một khoản hằng tháng để trả nợ đủ khiến cuộc sống của những sinh viên nọ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Bị “dồn đến chân tường”, nhiều người không đủ sức trả đến nỗi phải ký vào đơn “tuyên bố phá sản”. Lúc đó, món nợ ấy sẽ được chuyển lại cho người bảo lãnh, tất nhiên, đổi lại họ thoát khỏi món nợ khổng lồ. Nhưng “vết nhơ” ấy sẽ theo cậu sinh viên mới ra trường đến cuối đời. Mất lòng tin của xã hội, xin việc khó khăn, ngay cả làm một chiếc thẻ tín dụng cũng khó được chấp nhận.

Dù các khoản vay theo học ở Nhật Bản chưa là gì so với nước Mỹ nhưng nó vẫn đủ gây hệ lụy cho nền kinh tế quốc gia này. Thứ nhất, nó khiến giới trẻ chịu áp lực lớn từ vấn đề tài chính, những người vốn phải gánh phần lớn hơn về thuế và phúc lợi. Thứ hai, nó là rào cản với sinh viên nghèo, những người lo ngại tình trạng thất nghiệp sau khi ra trường khiến họ không thể trả nợ.

3/Phụ nữ khó trúng tuyển công việc nếu có con

Trong xã hội Nhật, việc phụ nữ không được trọng dụng ở công sở bắt nguồn từ một nguyên nhân. Họ sẽ nghỉ để dưỡng thai và sinh con. Dù chỉ nghỉ tạm thời nhưng trong khoảng thời gian họ tịnh dưỡng đó, ai sẽ làm thay công việc? Thiếu nhân lực, công ty buộc phải thuê người mới và đào tạo từ đầu. Đó là lý do mục kết hôn hay độc thân trong sơ yếu lý lịch cũng ảnh hưởng đến quyết định của nhà tuyển dụng khi tuyển ứng viên nữ.

Nghĩ đến tương lai mù mịt sau khi kết hôn, sinh con, thử hỏi còn phụ nữ nào mơ ước lấy chồng nữa?

Ảnh: 吉祥寺の婚活なら吉サテにお任せ!

Việc dự đoán tình hình già hoá dân số đã bắt đầu từ năm 1997, đến nay đã là 2019. Nếu không có chính sách hợp lý thay đổi những quan niệm đã cũ thì lâu dần dần, phải chăng nước Nhật sẽ thật sự biến mất như những gì thế giới đang rỉ tai nhau?

Chee

Đây là cách người Nhật “hồi sinh” những vùng quê xơ xác vì già hóa dân số

Nghịch lý nửa dân số Nhật không tôn giáo, nhưng thích kết hôn trong nhà thờ và chết ở chùa?

Lời tiên tri đáng sợ của vị tướng thiên tài: Có thật Nhật Bản sẽ tái chiến với Mỹ, dân số sẽ giảm đi quá nửa?

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: