Shimenawa – Sợi dây thần trong “văn hoá lãnh thổ” của người Nhật
Bạn đã từng thấy những vật như thế này treo tại các ngôi đền của Nhật Bản chưa?
Những vật này xuất hiện rất nhiều trong phim ảnh, chương trình truyền hình có liên quan đến Nhật Bản nên cho dù bạn chưa từng đến Nhật, rất có thể bạn cũng đã từng thấy chúng.
Bạn cũng có thể thấy chúng bên ngoài Điện thờ. Trong bức ảnh bên dưới, sợi dây nối hai tảng đá lớn.
Những sợi dây này, gọi là Shimenawa, mang ý nghĩa “kết giới”. Chúng ngăn cách lãnh thổ của các vị Thần với lãnh thổ của những điều xấu bên ngoài.
Ban đầu, Shimenawa xuất phát từ truyền thuyết về hang Iwato. Chuyện kể rằng Amaterasu Omikami – nữ thần mặt trời đã đi vào trong hang động Iwato và đóng cửa hang lại. Khi không có nữ thần, mặt trời không chiếu sáng, vạn vật chìm vào bóng tối. Vì vậy các vị thần khác đã lên kế hoạch tổ chức một bữa tiệc trước cửa hang Iwato.
Tiếng nô đùa vui vẻ đã làm cho nữ thần Amaterasu chú ý. Truyền thuyết kể rằng, một vị thần quyền năng đã mở cửa và mời nữ thần đi ra khi phát hiện nàng hé cửa nhìn ra ngoài.
Để ngăn cho cửa hang Iwato không bị đóng lại nữa, họ đã dùng Shimenawa để phong ấn. Đây là nguồn gốc của văn hóa Shimenawa.
Theo Shinto (Thần Đạo) – tín ngưỡng và tôn giáo cổ xưa của Nhật Bản, thần linh trú ngụ trong mọi vật. Đặc biệt, đối với những vật càng lớn, càng lâu đời, càng có khả năng cao thần linh đang trú ngụ nên cây to của miếu và tảng đá lớn (như đã được đề cập ở trên) cần phải có “kết giới” để đánh dấu lãnh thổ của thần linh.
Khi xây một ngôi nhà mới, người Nhật thực hiện một nghi lễ cổ xưa: sử dụng Shinenawa mỏng làm kết giới. Trong nghi lễ, người ta sẽ bao quanh vùng đất với Shimenawa để ngăn chặn những điều xấu và cầu xin thần linh ban phước lành. Đây là một nghi lễ quan trọng để kết nối với vị thần địa phương mà gia đình sẽ cùng chung sống trong tương lai. Vì vậy, chạm vào Shimenawa là điều hoàn toàn không nên.
Có vẻ như người Nhật khá rạch ròi trong việc phân chia khu vực, việc đi trên con đường dành riêng cho thần ở điện thờ cũng là một việc không được phép. Đường đi trong điện thờ cơ bản là một đường thẳng, trong đó, đường dành cho thần nằm ở chính giữa, đường dành cho con người sẽ là ở rìa.
Tuy nhiên, do trên đường không có đánh dấu rõ ràng, rất nhiều người Nhật vẫn không biết và đi vào đường giữa. Đi thăm Đền nhưng lại vô ý làm cho thần linh nổi giận chẳng phải là một việc tốt lành gì, thế nên chúng ta hãy chú ý đừng đi vào đường của thần nhé.
Thật ra có một loại Shimenawa cho phép chúng ta chạm vào. Đó chính là Shimenawa dùng để trang trí ở nhà vào ngày Tết. Gần đây, những gia đình sử dụng Shimenawa để trang trí vào ngày Tết đã giảm xuống. Nhưng 30 năm trước, hầu như nhà nào cũng có một món trang trí bằng Shimenawa.
Khi nhìn vào một ngôi nhà được trang hoàng lộng lẫy, mọi người sẽ nghĩ rằng “Chà, đây là một gia đình khá giả!”
Bên cạnh đó cũng có Shimenawa dùng trang trí cho phần mũi xe hơi. Đây là đồ dùng trang trí nên bạn hoàn toàn có thể chạm vào. Không biết là có tác dụng gì không nhưng nhìn thiết kế rất dễ thương nhỉ. Chỉ cần vậy là đủ để trang trí rồi!
Vào thời điểm đầu năm mới, người Nhật có phong tục dọn dẹp nhà sạch sẽ để đón thần tài. Thời gian trang trí nhà là sau ngày 13/12. Ngày này được gọi là Shougatsu koto hajime, là ngày để bắt đầu chuẩn bị cho năm mới.
Tuy nhiên, bây giờ người Nhật còn đón cả lễ giáng sinh nên có nhiều gia đình chuyển sang trang trí sau Noel. Tuy nhiên, ngày 29 là ngày xấu. Người ta cho rằng, nếu trang trí vào ngày này, thiệt hại sẽ nhân đôi. Vì vậy, tốt hơn hết là hoàn thành việc trang trí vào ngày 28.
Sau đó, người ta sẽ giữ nhà cửa được trang trí như vậy đến ngày 7 (hoặc 15 tùy khu vực) để tiếp đón thần linh, rồi dọn dẹp để kết thúc ngày Tết. Shimenawa sau khi gỡ xuống sẽ được đốt tại một sự kiện gọi là Dondoyaki, được tổ chức tại các ngôi đền địa phương vào ngày 15.
Đối với người Nhật, văn hóa “lãnh thổ” là một văn hóa rất quan trọng. Cũng vì thế, dường như mỗi người nơi đây cũng tồn tại một rào chắn trong tim.
Kengo Abe