Hajichi: Câu chuyện về những hình xăm truyền thống “biến mất” ở Okinawa
Những hình xăm này có nguồn gốc từ người Ryukyu, từng bị cấm một thời và gần đây đang quay trở lại.
Mim – một người thợ xăm chia sẻ câu chuyện của mình về lần đầu tiên tiếp xúc với tập tục truyền thống “biến mất” ở Okinawa, nơi cô đang sinh sống.
“Tôi biết về Hajichi trước khi bắt đầu công việc của mình với body art. Đó là vào khoảng năm 2012, tôi làm công việc trị liệu ở bệnh viện. Khi đó tôi gặp một bệnh nhân gần 100 tuổi, trên tay bà có nhưng dấu xăm nhỏ, mờ”.
Chỉ hơn một thế kỷ trước, những hình xăm thánh giá nhỏ, dấu chấm, hình khăn xếp hoa,…và các thiết kế tối giản khác, gần như xuất hiện trên bàn tay của mọi phụ nữ, trải dài từ vùng Yaeyama ở phía Nam đến Amami ở phía Bắc.
Ảnh Buzzfeed
Thế nhưng vào năm 1899, chính phủ Minh Trị sáp nhập Okinawa vào chính thể, đã cấm hình xăm Hajichi như một phần của nỗ lực tổng thể nhằm dẹp bỏ văn hóa Okinawa. Bây giờ, ngay cả một cư dân gốc Okinawa như Mim, đã đến tuổi trưởng thành nhưng không bao giờ được biết về những truyền thống cũ.
Tuy nhiên, mọi thứ đang bắt đầu thay đổi.
Tái kết nối với quá khứ
Tua nhanh đến năm 2021; Mim hiện là một thợ xăm sống ở Chatan, trên hòn đảo chính Okinawa. Ở Nhật Bản đại lục, hình xăm vẫn gợi lên những ấn tượng không tốt, gắn liền với tội phạm (và đặc biệt là với Yakuza). Body art vẫn có thể bị cấm ở một số khu suối nước nóng. Trong khi mọi thứ đang dần thay đổi ở naichi (cái mà người Okinawa gọi là bốn hòn đảo chính khác của đất nước), những thái độ khác nhau với hình xăm ở Okinawa đã giúp Mim tìm thấy niềm đam mê của mình.
“Okinawa là nơi có các căn cứ quân sự của Mỹ, nơi có nhiều người Mỹ sinh sống. Tôi thấy họ đi trên đường với hình xăm và nghĩ rằng thật tuyệt vời. Okinawa có rất nhiều cửa hàng xăm, và tôi nghĩ rằng chúng tôi có ít thành kiến hơn đối với hình xăm so với trên đất liền. Gần đây, ngày càng nhiều người trẻ bắt đầu thích xăm mình như một phong cách thời trang ”.
Trong một Video gần đây trên YouTube, Mim đã trình diễn kiểu dáng hajichi có nguồn gốc từ Miyakojima, nơi cô sinh sống, cách đảo Okinawa khoảng 175 dặm về phía nam. Tay phải của cô được phủ bởi những ký hiệu đặc biệt. Mim chia sẻ về lịch sử bị lãng quên của những hình xăm và sự biến mất của chúng khỏi hòn đảo của cô.
“Là một Uchinanchu (người Okinawa bản địa), hajichi đối với tôi rất thú vị, hấp dẫn; và cũng rất ngầu. Sau khi Vương quốc Ryukyu trở thành một phần của Nhật Bản, các khía cạnh đặc biệt như ngôn ngữ hay hajichi đã bị hạn chế. Mặc dù tôi thấy điều đó thật đáng buồn, nhưng tôi nghĩ rằng quan trọng hơn là những người trong chúng ta biết về văn hóa Ryukyu phải tiếp tục thực hiện và lưu truyền. Đó là bởi vì nền văn hóa cho phép tôi cảm thấy được kết nối với cội nguồn của mình, cho phép tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên của mình ”.
Nguồn gốc chính xác của hình xăm hajichi vẫn còn là một bí ẩn. Nhiều tài liệu cho thấy tập tục đánh dấu bàn tay của phụ nữ đã tồn tại ít nhất từ thế kỷ 16. Vào thời điểm này, Vương quốc Ryukyu đã lan rộng quyền thống trị của mình trên khắp các hòn đảo của quần đảo. Ryukyu là một cường quốc thương mại lớn trong khu vực, với vị trí rất gần Đông Nam Á, giới quý tộc ở vùng này có thể đã bị ảnh hưởng bởi văn hóa xăm mình từ nước láng giềng như Đài Loan hoặc xa hơn ở các đảo khác trên Thái Bình Dương như Samoa hoặc Palau.
Ảnh http://okinawa-sanshin.com/hajichitatoo/okinawatatoo.html
Mặc dù xuất phát từ giới thượng lưu Ryukyu, qua nhiều thế kỷ, hajichi đã trở nên phổ biến ở mọi cấp độ xã hội trên năm nhóm đảo chính. Mỗi vùng Yaeyama, Miyako, Okinawa, Amami, … đều có phiên bản hình xăm của riêng họ. Các dân tộc khác nhau trên hòn đảo sử dụng những cách gọi khác nhau. “Hajichi” được sử dụng ở Okinawa và Amami, nhưng ở Miyakojima được gọi là “pizukki” (ピ ヅ ッ キ). Hơn nữa, kiểu dáng của các biểu tượng tương tự có thể khác nhau giữa các tầng lớp. Các bé gái Ryukyu sơ sinh thường được xăm những đường nét tinh tế trên mu bàn tay và ngón tay. Tuy nhiên, phụ nữ thuộc tầng lớp thấp hơn có thể xăm hình dày và sẫm màu hơn.
Phụ nữ là Thần
Lời giải thích phổ biến nhất về hajichi là các hình xăm này được dùng để báo hiệu quá trình trưởng thành. Vào khoảng 11 tuổi, một cô gái trẻ người Uchinanchu sẽ đến gặp một thợ xăm (hajitiya), đôi khi là một chuyên gia được trả lương, đôi khi là một người bạn thân của gia đình để đánh dấu trên cơ thể của mình. Trong những năm tiếp theo, khi cô gái lớn dần lên, nhiều biểu tượng hơn sẽ được thêm vào, mỗi ngón tay sẽ có một ký hiệu riêng. Khi cả hai bàn tay đã được xăm kín, cô gái đã là một phụ nữ và sẵn sàng cho hôn nhân.
Ảnh Feel Japan
Một số người cho rằng phiên bản này của hajichi là minh chứng của văn hóa Ryukyu gia trưởng. Tuy nhiên, người dân ở đây trải qua lịch sử lâu dài về chủ nghĩa tâm linh lấy phụ nữ làm trung tâm, được gọi là Onarigami (おなり 神). Thật vậy, khi Ryukyu vẫn còn độc lập, phụ nữ nắm giữ tất cả các vị trí tinh thần quan trọng của nhà nước. Các nữ tu sĩ vĩ đại ban hành những nghi thức quan trọng nhất của triều đình, các nữ tu sĩ mặc áo choàng trắng gọi là Noro được cho là hóa thân của kami – thần thánh.
Trong khuôn khổ này có thể dễ dàng nhận thấy tính biểu tượng vốn có trong hajichi, vốn là những biểu tượng chỉ được thực hiện với phụ nữ. Chúng là một biểu tượng tâm linh khác mà phụ nữ sở hữu. Các cuộc khảo sát được thực hiện trong các thế hệ cuối cùng của phụ nữ Okinawa vẫn còn hajichi thường tiết lộ những lý do tâm linh đằng sau việc xăm mình.
Kết thúc cho Ryukyu, và cho cả Hajichi
Đối với các Samurai, sức mạnh quyền lực của phụ nữ ở Ryukyu đặc biệt khó coi. Với cuộc thống trị của phiên Satsuma, Nhật Bản trở thành một xã hội gia trưởng. Satsuma thúc ép triều đình Ryukyu cấm phụ nữ vào các vị trí quyền lực trong Chính phủ. Cuối cùng, triều đình đầu tư nhiều hơn vào Nho giáo và Phật giáo để được lòng các quan chức Trung Quốc và Nhật Bản. Cả hai hệ thống tín ngưỡng này đều không ưu ái phụ nữ.
Vào năm 1859, vào cuối thời kỳ thuộc địa Satsuma trên Ryukyu, Samurai nổi tiếng nhất – Saigo Takamori – bị đày đến Amami Oshima. Mặc dù chính thức là một phần của Satsuma chứ không phải Ryukyu, Amami vẫn được yêu mến bởi những người duy trì văn hóa, tín ngưỡng và ngôn ngữ Ryukyu. Saigo thương hại những người anh gặp trên Amami, anh đánh giá hoàn cảnh của họ còn tồi tệ hơn hoàn cảnh của người Ainu ở Hokkaido. Tuy nhiên, đối với những hình xăm trên tay phụ nữ, Saigo vẫn xem chúng với thái độ khinh thường.
Ảnh https://twiman.net/user/155948572/illust/1264112157563564032
Anh ta đã chế nhạo phong tục của hòn đảo trong một bức thư gửi cho Okubo và Saisho Atsushi:
“Những phụ nữ trẻ trên đảo là những người đẹp tuyệt vời, nhưng không giống như phụ nữ ở Kyoto hay Osaka, họ sử dụng một lớp tro bẩn dày đặc để trang điểm và vẽ lên mu bàn tay”.
Saigo cuối cùng kết hôn với một phụ nữ Amami và có những đứa con lai Amami. Tuy nhiên, khi trở về từ hai cuộc lưu đày, anh ta cố gắng quên đi những trải nghiệm của mình ở đó. Thay vào đó, Saigo giúp lãnh đạo cuộc nổi dậy dẫn đến kết thúc sự thống trị của Samurai ở Nhật Bản. Kết quả là Chính phủ Minh Trị – được tổ chức theo đường lối phương Tây – lấy mục tiêu chính là tập trung hóa toàn bộ Nhật Bản ra đời, bao gồm trong việc này là loại bỏ sự kiểm soát của một triều đại Samurai duy nhất ở Ryukyu. Những người Ryukyu bản địa ở Okinawa giờ đây trở thành người Nhật – mà người Nhật khi đó không xăm mình.
Từ Kiêu hãnh đến Xấu hổ
Chính phủ Minh Trị có nhiều lý do để loại bỏ truyền thống hajichi. Chính quyền Nhật Bản mới lo lắng về ấn tượng của “người khác” đối với phong tục này, cụ thể là người phương Tây. Họ không muốn người Okinawa bước ra thế giới và tạo ấn tượng rằng phụ nữ Nhật Bản mang những dấu ấn bộ lạc như vậy. Chính quyền cũng hy vọng rằng bằng cách loại bỏ Okinawa khỏi các biểu tượng tôn giáo cũ, họ có thể phá vỡ mối liên hệ giữa người Ryukyu với quá khứ và với “sự khác biệt”. Okinawa là tương lai, và nó là một phần của Nhật Bản – Ryukyu cần bị lãng quên.
Năm 1899, lệnh chính thức ban hành, hình xăm bị cấm ở Okinawa. Đã có sự phản đối với mệnh lệnh này, và trong nhiều thập kỷ, nhiều phụ nữ (đặc biệt là từ các hòn đảo xa xôi) vẫn tiếp tục nghệ thuật hajichi. Tuy nhiên, một số chính quyền địa phương tích cực hơn trong việc loại bỏ truyền thống. Như đã xảy ra trong suốt lịch sử Okinawa, sức hút để hiện đại hóa và tìm cách cải thiện đời sống vật chất thường rất mạnh mẽ. Một số người Okinawa đã bắt đầu coi nền văn hóa của họ là lạc hậu và cổ xưa.
Ảnh https://ameblo.jp/thereisbetterway/entry-12669932892.html
Vào thời điểm đó, chỉ có những người cao tuổi vẫn còn hình xăm nhưng họ thường giấu đi khi chụp ảnh. Đến năm 1990, phần lớn những người này cũng qua đời. Giờ đây, hầu như không còn nhân chứng sống cho truyền thống này, ngay cả kiến thức về Hajichi cũng phai mờ như bao nhiêu vết mực.
Sự hồi sinh
Ở nước ngoài, hai Uchinanchu đã cùng nhau viết và minh họa một cuốn sách đa ngôn ngữ về các hình xăm truyền thống của Okinawa. Cuốn sách được viết bằng ba ngôn ngữ – Hawai‘i Creole, tiếng Nhật Bản và ngôn ngữ Okinawa.
Cùng năm đó, Bảo tàng Nghệ thuật và Bảo tàng Tỉnh Okinawa hoàn thành vai trò của mình trong việc giới thiệu hajichi với công chúng. Bảo tàng đã tổ chức một cuộc triển lãm kéo dài một tháng, tập trung vào các nền văn hóa hình xăm của hai khu vực lân cận, được giáo sư Kuramoto Sumie phụ trách. Kuramoto Sumie là người gốc Okinawa ở Đại học Tsuru, đã dành sáu năm để nghiên cứu chủ đề này.
Hajichi đang quay trở lại. Những hình xăm này, về cơ bản đã bị xóa sổ trong nhiều thập kỷ. Nhưng chúng hiện là một phần di sản văn hóa mà rất nhiều thanh niên Okinawa tự hào.
Kết lại, Mim nói:
“Bản chất phong phú; tính cách thoải mái của những người sống ở đây, cả nền văn hóa đa dạng, thú vị còn sót lại, bao gồm ở thời kỳ Vương quốc Ryukyu là những điều mà tôi vô cùng yêu thích. Tất cả những điều đó là lý do tôi cảm thấy rất tự hào khi được sinh ra là một người Okinawa.”
Sacchan