Hoả táng, thổ táng đến mộ kỹ thuật số – Điểm qua quá trình tiến hoá của các hình thức mai táng ở Nhật Bản

Khác với Việt Nam, thổ táng bị pháp luật Nhật Bản cấm. Ngoài hoả táng, tất cả các biện pháp mai táng khác đều vi phạm pháp luật.

Thế nhưng lịch sử mai táng của Nhật lại khá “vòng vèo”, bắt đầu với thổ táng đến hoả táng, rồi quay lại thổ táng rồi lại đến hoả táng. Cứ lẩn quẩn như vậy cho đến khi những ngôi mộ Nhật Bản thành hình dáng hiện tại. Từ đây về sau không biết các hình thức mai táng ở Nhật sẽ
“tiến hoá” như thế nào.

Trong bài hôm nay hãy cùng Japo “lần theo” lịch sử hình thành và phát triển của các ngôi mộ ở Nhật Bản. Phải đào sâu tìm hiểu ta mới nhận ra nhiều điều thú vị ẩn trong văn hoá chôn cất người chết của quốc gia này.

Ảnh https://natgeo.nikkeibp.co.jp/nng/article/news/14/7677/

Từ thuở xa xưa khoảng 40,000 năm về trước, người Neanderthal đã có phong tục mai táng người chết.

Khi phát hiện được những bộ xương cốt chôn cất trong các hang động cùng với một số vật dụng khác được cho là của người đã khuất, các nhà khảo cổ biết được rằng người xưa cũng có phong tục riêng để thương tiếc người chết.

Trong trường hợp của Nhật Bản, hành động mai táng xuất hiện lâu đời nhất là từ thời kỳ Jomon khoảng 10,000 năm trước. Những dấu tích lịch sử cho thấy rằng vào thời này người chết sẽ được chôn cất, cùng với các đồ tuẫn táng.

Sau đó vào khoảng thế kỷ 3 và thế kỷ 4, những người thuộc hoàng tộc xây dựng các khu mộ vĩ đại dành riêng cho giới quý tộc. Tuy không hoành tráng như Kim tự tháp của Ai Cập, nhưng những ngôi mộ cổ của Nhật cũng có quy mô lớn.

Có một ngôi mộ cổ vẫn còn sót lại đến hiện tại của Nhật Bản là một trong 3 ngôi mộ lớn nhất trên thế giới.

Ảnh http://5106.jp/kyoto/2888/

Có truyền thuyết rằng trong thực tế đã từng tồn tại tục chôn người sống để làm bạn đồng hành với người đã khuất, nhưng sau đó, người thật được thay thế bằng Haniwa là những hình nhân bằng đất nung không tráng men.

Ảnh https://www.asahi.com/articles/ASN1T24D3N1LUJHB008.html

Đến năm 645 là năm bùng nổ đại cải cách Taika, việc làm hậu sự xa xỉ bị nghiêm cấm, văn hóa xây mộ cổ cũng dần biến mất.

Tiếp đến vào thời Heian, Phật giáo có ảnh hưởng mạnh mẽ, mai táng kiểu hỏa táng bắt đầu thịnh hành trong một bộ phận giai cấp thượng lưu thuộc tầng lớp quý tộc.

Vào thời Kamakura, tục hỏa táng lan rộng trong dân chúng và trở thành tập tục chủ đạo trên toàn quốc. Tuy nhiên sau khi hỏa táng, tro cốt chỉ được chôn xuống đất chứ không có bia mộ.

Giới quy tộc và tầng lớp thượng lưu Samurai phát triển khái niệm “mộ phần” không chỉ đơn giản mang nghĩa cá nhân, mà còn gắn liền với việc bảo vệ, kết nối với gia đình. Từ đó, mộ phần trở thành nơi chôn cất chung cho một gia tộc. Đây là thời kỳ bắt đầu văn hóa mai táng theo gia tộc của Nhật Bản.

Thế nhưng thú vị là đến thời Edo, thay vì hỏa táng, phong tục thổ táng một lần nữa thịnh hành.

Mật độ dân cư ở Edo dày đặc, người dân cảm thấy bức bối với khói tỏa ra sau mỗi lần hỏa táng. Do đó họ chuyển sang chôn người chết. Người Edo đắp một ụ đất lớn để đánh dấu mộ phần. Mộ của Samurai có thanh bia bằng gỗ và được dựng Thạch tháp, sau đó phổ biến ra toàn dân, hình thành nên hình dạng của bảo tháp và bia mộ.

Hình dạng mộ phần của người Nhật hiện nay đã được hoàn thiện vào thời Edo.

Đến thời Minh trị, khi giá đất tăng vọt, người Nhật lại quay trở về với hỏa táng. Sau đó họ tạo ra các loại nghĩa trang. Người Nhật có 2 từ để chỉ nghĩa trang, một là 墓地 (bochi) là nghĩa trang ở trong khuôn viên Chùa, và một loại nữa là 霊園 (Reien), chỉ những nghĩa trang khác không phải là 墓地 (bochi). Điểm khác biệt lớn giữa hai loại này là chế độ Danka, cụ thể để có một khu mộ ở trong 墓地 (bochi) phải hỗ trợ xây dựng và đóng góp cho Chùa.

Về bia mộ, ngày nay không chỉ có bia mộ theo kiểu truyền thống mà có thể tự chọn thiết kế bia mộ riêng. Bà của tôi sống vào thời Taisho đã có thể tự chọn nơi an nghỉ cũng như bia mộ cho mình. Nếu bạn thắc mắc bia mộ của bà ra sao thì bà đã chọn một tấm bia theo kiểu phương Tây. Bà là người khá thích văn hóa phương Tây.

Cùng với đô thị hoá, giá đất ở thành thị cũng tăng vọt, thêm vào đó, các gia đình Nhật Bản chủ yếu là gia đình hạt nhân, vì vậy nên số lượng mộ có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Việc mua những ngôi mộ có giá lên tới 3 triệu Yên đang ngày càng phổ biến.

Nhật Bản là quốc gia mà người dân đến chết cũng khó an tâm nằm xuống. Hình thức mai táng 納骨堂 (nhà chứa bình đựng tro cốt) được xem như phong cách mới của thời hiện đại.

Thông thường nhà chứa được làm giống như tủ khoá. Hũ tro của thành viên trong mỗi gia đình được đặt vào cùng một ô.

Dần dần, các nhà mai táng được cải tiến, tích hợp vận chuyển tự động và các ứng dụng công nghệ. Mỗi gia đình sẽ được phát hình một loại thẻ chuyên dụng. Khi quét thẻ này, hộp đựng tro sẽ được thang máy vận chuyển và đưa ra phía trước. Ngoài ra nếu đăng ký còn có dịch vụ tích hợp chiếu slide ảnh trên nền bài hát yêu thích của người đã khuất.

Nếu so với các phần mộ ngoài trời, mộ kỹ thuật số đỡ được công dọn dẹp. Bên trong nhà mai táng có trang bị đầy đủ điều hoà hai chiều. Loại này có giá từ 600 đến 1 triệu Yên và thường nằm gần nhà ga.

Thế nhưng đến đây vẫn chưa phải kết thúc. Khi cuộc sống con người còn có những biến đổi thì các hình thức mai táng, phúng viếng vẫn còn sẽ còn được cập nhật trong tương lai.

Kengo Abe
Xem thêm: