Tại sao trước cổng vào nhà hàng Nhật lại có bát chất đầy muối?

Bạn có biết rằng muối đóng vai trò quan trọng trong văn hoá Nhật Bản?

Muối là một trong những gia vị phổ biến, giống như đường, Shoyu, Miso,… tuy nhiên ngoài là một gia vị, người Nhật còn có những cách sử dụng muối khác, tượng trưng cho nền văn hoá độc đáo riêng biệt của họ.

Ngay trước khi bắt đầu trận đấu đô vật Sumo sẽ có tục ném muối (bốc 1 nắm rồi vung lên). Sau khi đi dự đám tang về, trước khi vào nhà người Nhật sẽ rắc muối lên người. Ở trước cửa nhà hàng thường để bát chất đầy muối,…Tất cả những phong tục này đều mang ý nghĩa thanh tẩy trong văn hoá Nhật Bản.

Muối được khai thác từ biển, mà biển thường được ví như người mẹ, do đó mà người Nhật xem trọng muối như một món quà nhận được từ nơi linh thiêng đã ban cho họ sinh mệnh.

Trong Thần thoại Nhật Bản có một người tên là Izanagi Mikoto, sau khi trở về từ Hoàng Tuyền đã dùng nước biển để gột rửa những ô uế trong tâm hồn. Từ câu chuyện này có thể thấy văn hoá tẩy uế bằng muối của người Nhật đã có từ rất lâu đời.

Từ câu chuyện Thần thoại này đã sinh ra nghi lễ Thanh tẩy (大祓 – ō harae) trong Thần đạo là tôn giáo đặc trưng của nước Nhật.

Nghi lễ được thực hiện nửa năm 1 lần nhằm “rửa sạch” những bụi bẩn bám trên người bằng nước biển. Trong tiếng Nhật, mỗi khi muốn quên đi chuyện gì đó, có cách nói 水に流す (mizu ni nagasu, nghĩa đen là để nước cuốn đi, theo nghĩa bóng có thể hiểu là cho cái gì đó vào dĩ vãng). Gốc của từ này xuất phát từ nghi lễ Thanh tẩy đề cập ở trên.

Tục rắc muối lên người sau khi đi dự tang lễ về để không cho uế khí của người chết vào nhà cũng xuất phát từ Thần thoại này.

Ngoài ra, bạn đã bao giờ chứng kiến cảnh Sumo rải muối trước trận đấu chưa nhỉ?

Ảnh https://www.memcode.jp/4812

Hành động này mang ý nghĩa tẩy uế võ đài.
Thêm nữa khi không ưa ai đó, người Nhật cũng thường rắc muối lên người đó để thanh lọc những “vết nhơ” từ họ khiến bản thân khó chịu.

Trở lại với tiêu đề, Tại sao trước cổng vào nhà hàng Nhật lại có bát chất đầy muối?

Nếu để ý bạn có thể bắt gặp nhiều nhà hàng kiểu Nhật đặt một bát muối được chất thành hình dạng đẹp mắt như thế này ở trước cửa.

Vật này gọi là 盛り塩 (mori-jio). Hình dạng của Mori-jio là hình chóp.

“Chất thành đống” trong tiếng Nhật cũng mang nghĩa thứ hai là “sôi động, náo nhiệt”, bên cạnh đó hình dạng vững chắc, cao như núi còn thể hiện ước nguyện làm ăn thịnh vượng, phát đạt.

Tuy nhiên không chỉ có vậy, vật này còn bao hàm ý nghĩa đây là nơi Thần linh hạ phàm.

Như các bạn cũng biết, người Nhật có lượng từ để đếm số rất phức tạp. Nếu khi đếm người, người Nhật dùng 一人 (hitori, 1 người), 二人 (Futari, 2 người) thì khi đếm Thần, người Nhật nói 一柱 (Icchuu, 1 trụ), 二柱 (nichuu, 2 trụ).

Người Nhật quan niệm Thần linh chống đỡ thế gian nên dùng hệ đếm “trụ”. Vì vậy nơi Thần hạ phàm cũng phải có hình chóp trụ, thêm nữa là một chóp trụ bằng muối để tẩy uế, theo như ý nghĩa giải thích ở trên.

Từ hình dạng cho đến thành phần đều mang ý nghĩa đặc trưng, do đó khi thấy bát muối này, cấm kỵ đâm chọt cho đổ, và đương nhiên cũng không được nếm, ăn.

Thêm nữa, ở Trung Quốc cổ đại có câu chuyện về một nữ phi tần, vì muốn Hoàng đế ghé đến khuê phòng của mình đã rắc nước muối vào lá tre để dụ cừu đến ăn. Thời đó trong cung có tục dắt cừu đi dạo, cừu dừng ở phòng phi tầng nào thì đêm đó Hoàng đế sẽ qua đêm với người đó.

Khi câu chuyện này được kể ở Nhật, nó được mở rộng thành “dùng muối để mời gọi khách ghé qua cửa hàng”, bởi vậy mà nhiều cửa hàng Nhật để bát muối ở trước cửa.
Thế nhưng nếu suy nghĩ kỹ chút, thì cừu thích ăn lá tre rắc nước muối, chứ để nguyên bát muối thì đáng thương cho chúng quá !!!

Nhìn chung có rất nhiều ý nghĩa xung quanh bát muối này. Vậy nên nếu bạn có nhìn thấy, tuyệt đối đừng nghịch, quậy, chọc phá nhé.

Nếu bạn đang kinh doanh nhà hàng và cũng muốn áp dụng thử, hãy sử dụng muối thiên nhiên khai thác từ biển nhé. Theo tôi hầu hết muối giá rẻ mua ở Nhật đều là nhân tạo, mất đi kết nối với biển, vậy nên chắc cũng chả có tác dụng gì…

Kengo Abe
Xem thêm: