“Đêm Giao thừa” – không chỉ người sống mới bận rộn !!!

Đêm 31 tháng 12 là Đêm giao thừa, đánh dấu đêm cuối cùng của năm cũ, tiếng Nhật gọi là 大晦日 (Ōmisoka). Ngày cuối cùng của mỗi tháng gọi là 晦日 (misoka) nhưng ngày cuối cùng của cả một năm thì sẽ có thêm chữ 大 (đại) để thành 大晦日 (Ōmisoka).

Không riêng gì đêm Giao thừa mà phần lớn người Nhật đều rất bận rộn trong tháng 12 này.

Ở Nhật cuối tháng 3 là kết thúc “năm học”, cũng là cuối năm tài chính, do đó nhiều doanh nghiệp kết toán vào tháng 3. Với ý nghĩa này bạn có thể tưởng tượng ra tháng 3 bận đến mức nào, nhưng trong tháng 12, những thứ cần phải được hoàn thành còn nhiều gấp mấy lần.

Chưa kể đến viết thiệp mừng cho năm mới, tham gia tiệc cuối năm,… nhiều người muốn làm hết việc của năm cũ để có thể bắt đầu một năm mới với những thắng lợi mới. Do đó mà tháng 12 mới thực sự là lúc tất bật nhất.

Tháng 12 còn được gọi với một cái tên khác là 師走 (Shiwasu). Nghĩa của từ này là “đến cả Sư phụ cũng phải chạy lòng vòng”, ý diễn tả đây là một tháng hết sức bận rộn.

Hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản nghỉ làm từ sau ngày 28, thế nhưng sau đó người Nhật sẽ lao vào chuẩn bị cho năm mới, bao gồm dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị nấu nướng cho mùng 1,…

Tóm lại tháng 12 rất bận rộn, nhưng không chỉ người sống mới bận. Ông bà tổ tiên cũng đang rất bận rộn chuẩn bị để “về nhà” vào đêm giao thừa. Tôi là người Nhật nhưng không hề biết điều này.

Bản chất của đêm giao thừa ở Nhật

Khác với ở Việt Nam, ông bà tổ tiên về ăn Tết với gia đình thì ông bà tổ tiên của người Nhật về nhà để chào đón vị Thần năm mới. Ở Nhật, cách chào đón đêm giao thừa “chuẩn” là chuẩn bị sẵn sàng để đón Thần năm mới, giữ nhà sạch sẽ hết mức có thể. Thần năm mới ở Nhật mỗi năm mỗi khác tuỳ thuộc vào 12 con giáp, tục đón Thần nhằm mục đích cầu cho năm mới hạnh phúc tốt lành. Hoá ra việc đón Thần này không chỉ giới hạn với người sống mà Tổ tiên cũng bận rộn để chuẩn bị.

Thông thường ông bà tổ tiên sẽ về vào lễ Obon vào tháng 8, hoá ra họ còn về vào Đêm giao thừa. Do đó dù có đi viếng mộ vào đêm giao thừa hay mồng 1 hay 3 ngày trong Tết thì ông bà cũng không ở đó.

Nhân đây tôi cũng chia sẻ câu chuyện đón đêm giao thừa của người Nhật thời Edo. Tháng 12 là thời điểm của rất nhiều sự kiện. Đầu tiên vào khoảng từ ngày 8 đến ngày 13 là dọn dẹp nhà cửa. Ý nghĩa của hành động này là quét sạch mọi “vết nhơ” tích tụ trong năm cũ.

Tiếp theo vào ngày 28 sẽ trang trí bánh Mochi và Kagami Mochi năm mới.

https://intojapanwaraku.com/culture/180351/

Bây giờ người Nhật mua bánh ở siêu thị nhưng thời đó mọi người tự làm ở nhà. Có một điều kiêng kỵ là tuyệt đối không được làm bánh Mochi vào ngày 29. Ngày 29, trong tiếng Nhật đọc là Nijuuku, cùng âm với 二重苦 có nghĩa là “Khổ gấp đôi”. Thêm nữa họ cũng tránh gần đến giao thừa mới lo chuẩn bị.

Có một sự khác biệt rất rõ ràng trong việc đón giao thừa từ xưa đến nay đó là khái niệm về giờ giấc. Ngày nay đồng hồ điểm 00 giờ mới tính là hết ngày, nhưng ngày xưa quan niệm hết ban ngày đã là sang ngày mới, do đó họ đón năm mới vào hoàng hôn của ngày 31.

Vào những ngày thường, đến hoàng hôn là phần lớn các hoạt động sẽ kết thúc và người dân chuẩn bị đi ngủ, nhưng hoàng hôn ngày 31 lại có ý nghĩa đặc biệt. Người dân không ngủ mà thức đón Thần năm mới để cầu nguyện.

Thêm nữa người Nhật cho rằng ngủ quên vào đêm giao thừa sẽ bị bạc tóc, nên có người cố thức cả đêm.

Văn hoá ăn Soba vào đêm giao thừa cũng có từ thời Edo.

Có 2 ý nghĩa đằng sau phong tục này. Đầu tiên vì cọng mỳ Soba rất dài nên ăn Soba để cầu cho sinh mệnh dù mỏng manh vẫn có thể kéo dài. Một ý nghĩa khác vì cọng mỳ Soba rất dễ đứt nên ăn Soba mang ý nghĩa “cắt đứt mọi điều xấu và nợ nần của năm cũ để chúng không bám theo sang năm mới”.

Khoan, trả nợ đi rồi hãy ăn Soba chứ đừng có ăn mỳ để cắt nợ như vậy chứ…

Đã sắp hết năm 2021 rồi, năm nay lại là một năm thật dài mà cả thế giới gồng mình chống trả dịch COVID-19, thêm nữa là các tranh chấp mâu thuẫn trong nước khiến đời sống người dân vất vả. Thế nhưng xin đừng mang theo những sự khó chịu ấy sang năm mới nhé, hãy cùng ăn Soba và hy vọng vào một năm sáng sủa hơn !!!

Kengo Abe
Xem thêm: