“Mặt tối” của hoa Anh Đào – Anh Đào đem lại “điềm rủi”?

Rất nhiều người nước ngoài đến Nhật Bản vì lý do muốn ngắm hoa Anh Đào. Đặc biệt Hoa Đào Nhật Bản là giống đã qua chọn lọc, gọi là Anh Đào Yoshino, có nhiều điểm đặc thù, khác biệt so với Anh Đào ở các quốc gia khác.

Hoa Anh Đào Yoshino có màu trắng hồng xinh xắn, hoa nở trước khi ra lá, vì vậy vào mùa hoa tưởng chừng như lạc vào chốn huyền không. Hoa đẹp một cách mong manh, bỗng từ đâu cơn gió thổi đến khiến cánh hoa bay lả tả, thế nhưng đến cách hoa rơi cũng thật diễm lệ.

Ở Nhật mỗi loài hoa đều có “ngôn ngữ” riêng gọi là Hanakotoba. Vậy hoa Anh Đào nói lên điều gì? Hôm qua hãy cùng JAPO “lắng nghe” những điều mà hoa Anh Đào muốn nói nhé !!!

Sự trung thực

Bạn có biết câu chuyện Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên Washington chặt cây Anh Đào của cha không?

Tuy đứng trước người cha lúc này đang vô cùng giận dữ, cậu bé Washington sau này trở thành Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ đã trung thực thú nhận tội lỗi, vì lỡ dại mà dùng rìu mới được cho để chặt cây. Người cha ngạc nhiên trước sự thành thực của con mình đã thốt lên rằng “Sự trung thực của con đáng giá 1000 lần cây Anh Đào”.

Người con gái thanh lịch

Nhìn dáng hoa mỏng manh nhưng vô cùng duyên dáng người ta nghĩ ngay đến người phụ nữ thanh lịch, nhẹ nhàng. Đây cũng là một cách liên tưởng rất đẹp.

Xin đừng quên tôi

Đây là ý nghĩa của hoa Anh Đào ở Pháp. Vì cánh hoa rơi bay lả tả trong gió gợi nên khung cảnh chia tay, quyến luyến, vì vậy mới sinh ra nghĩa này.

Đến đây các lớp nghĩa của hoa Anh Đào vẫn rất đẹp và nên thơ.

Thế nhưng nếu đào sâu vào hình ảnh biểu tượng của Anh Đào ở Nhật, bạn sẽ phát hiện ra mặt tối khác liên quan đến “biệt ly” và cả “cái chết”.

Trước kia người Nhật tin rằng hoa Anh Đào đem lại điềm rủi.

Trong 古事記 (Kojiki – Cổ Sự Ký) – Quyển Sử Ký cổ nhất của Nhật Bản có ghi rằng sống trong hoa Anh Đào là nữ thần 木花開耶姫 (Konohana no sakuya hime). Thế nhưng vì nữ thần vốn là một cô gái đoản mệnh nên Anh Đào chỉ nở trong thoáng chốc. Từ đó cây hoa gắn liền với “sự sống ngắn ngủi”, “biệt ly” và “cái chết”.

Khoảng 1200 năm về trước, văn hoá ngắm hoa Đào xuất hiện ở nhiều vùng trên khắp nước Nhật, đến thời Edo, hoa Đào đã mang dáng dấp của cây Anh Đào Yoshino giống hiện tại. Thế nhưng liên tưởng về “cái chết” của Anh Đào không thể bị gạt bỏ do đó ở nhiều nơi, người ta trồng Anh Đào để cầu hồn.

Đó cũng là lý do bạn thấy Anh Đào thường được trồng ở Chùa hoặc gần khu mộ. Cây Anh Đào ở Đền Yasukuni (Tokyo Kudan) là để cầu siêu cho vong linh những người lính ra đi trong chiến tranh. Khi cuộc chiến đương khốc liệt, các quân nhân thường nói với nhau rằng “Hẹn gặp nhau dưới tán cây Anh Đào Yasukuni”, ý câu này là sau khi chết linh hồn sẽ hội tụ tại nơi này, quả nhiên cũng gắn liền với ý nghĩa về cái chết.

Ngoài ra 80% Anh Đào trên khắp nước Nhật là giống Đào Yoshino. Như đã nói ở trên đây là giống cây nhân tạo nên hầu như không thể tự sinh tồn ngoài tự nhiên. Bởi vậy mà Anh Đào Nhật Bản là “thuần chủng” 100% vì được ghép và chiết cành từ bàn tay của thợ thủ công.

Do tính chất đặc thù này mà Anh Đào Nhật Bản sở hữu vẻ đẹp khó có thực vật “thiên nhiên” nào bì kịp.

Dù bản chất của Anh Đào mang ý nghĩa buồn, thậm chí là không hay, thế nhưng dù sống bao nhiêu năm ở Nhật, tôi vẫn không khỏi bồi hồi khi ngắm nhìn hình ảnh Anh Đào nở rộ, báo hiệu một mùa Đông lạnh giá đang qua đi.

Kengo Abe
Xem thêm: