”Thiết phiến” – Chiếc quạt sắt ít ai biết của các Samurai, vũ khí quan trọng và mạnh mẽ không thua gì kiếm
Mới nhìn qua, những chiếc quạt sắt (Tessen) của các Samurai không có gì nổi bật thế nhưng đó là do bạn chưa được chứng kiến uy lực của nó.
Bề ngoài, Tessen trông giống như một phụ kiện đi kèm trang phục. Nhưng khi Samurai gặp tình huống nguy hiểm, nó lập tức biến thành vũ khí tấn công và phòng thủ tối thượng.
Biến thể từ vật dụng vô hại nhất
Samurai là tầng lớp thượng lưu ở Nhật, chỉ phục vụ dưới quyền các Shogun (tướng quân) và Daimyo (lãnh chúa). Họ được phép sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào, nhưng chủ yếu nhất là kiếm, bao gồm cả trường kiếm và song kiếm.
Bên cạnh kiếm, các Samurai Nhật Bản còn sử dụng thành thạo nhiều loại vũ khí khác.
Là cấp dưới của Shogun và Daimyo, các Samurai phải tuân thủ nhiều quy tắc. Họ không được phép mang kiếm khi tiếp kiến chủ nhân của mình. Ngoài ra, Nhật Bản thời phong kiến cũng cấm mang vũ khí tại một số địa điểm, lễ hội.
Samurai sống chết vì chủ nhân của họ. Nếu không có vũ khí bên mình, họ không thể đảm bảo an toàn cho những người họ cần bảo vệ. Trong khi đấu tranh giữa nguyên tắc và nhiệm vụ, các võ sĩ đã khám phá ra giải pháp từ thứ không ngờ nhất: Sensu (quạt gỗ).
Sensu là một chiếc quạt gấp được làm từ gỗ Bách. Người Nhật phát minh ra quạt gỗ gấp vào thế kỷ thứ 6, ban đầu chỉ dành riêng cho Mạc phủ.
Quạt gấp Nhật Bản ban đầu được làm từ gỗ Bách
Dần dần những chiếc quạt gấp trở thành vật dụng phố biến trong đời sống phong kiến ở Nhật Bản, đóng vai trò là một phụ kiện thiết yếu, được cả đàn ông và phụ nữ ưa chuộng. Ở nơi công cộng, họ dùng quạt gấp để che đi những cử chỉ và hành vi bị xem là thô lỗ, chẳng hạn như ho, hắt hơi…..
Đối với các Samurai, quạt gấp là phụ kiện trang phục bắt buộc để đánh giá tác phong. Quạt gấp cũng quan trọng như hai thanh kiếm, đặc biệt không thể thiếu khi tham dự các sự kiện quan trọng hoặc diện kiến chủ nhân.
Mặc dù quạt gấp nhẹ và vô hại, nhưng nếu thay đổi vật liệu đóng quạt sang kim loại như sắt, chuỵện sẽ khác đi. Ngoại trừ khả năng phòng thủ hữu hiệu ngang với khiên, quạt còn nặng và cứng, thích hợp để tấn công đối thủ.
Quạt sắt biến tấu từ quạt gỗ của Samurai
Từ phụ kiện thành vũ khí nguỵ trang
Một trong các nguyên tắc tác phong võ thuật của Samurai là phải đeo quạt gấp trên người. Quy tắc này không quy định chất liệu đóng quạt. Lợi dụng điều này, các Samurai biến tấu quạt gỗ thành quạt sắt, được gọi là Tessen (thiết phiến hoặc quạt chiến).
Bề ngoài, thiết phiến giống hệt bất cứ chiếc quạt gấp nào. Thông thường các Samurai cũng chỉ đeo thiết phiến cho đúng tác phong và sử dụng cho các mục đich chung.
Chỉ ở những nơi không được phép mang song kiếm, các Samurai mới phát huy được nét độc đáo của quạt chiến. Khi mở thiết phiến ra, nó trở thành tấm khiên chắc chắn cho các cuộc tấn công, vũ khí ẩn từ kẻ khác. Xếp thiết phiến lại, quạt giống như một cây gậy ngắn nhưng đầy uy lực, thậm chí có thể lấy mạng kẻ địch.
Quạt chiến thể hiện tác phong Samurai, bắt buộc luôn trong tầm tay
Không dừng lại ở đây, các Samurai còn kết hợp quạt chiến với song kiếm và các loại vũ khí tầm gần khác. Họ hình thành bộ môn võ thuật mới mang tên Tessen-jutsu (quạt pháp), sử dụng nhuần nhuyễn các tính năng của quạt sắt trong các cuộc đối đầu và trên chiến trường.
Trong dân gian, Nhật Bản lưu truyền câu truyện về “vị quạt khách” huyền thoại Ganryu. Tessen-jutsu của người này khủng khiếp đến mức chỉ cần có một chiếc quạt trong tay, anh ta không thua bất kỳ đối thủ hay loại vũ khí nào.
Quạt chiến vừa phòng thủ vừa tấn công, có thể kết hợp với mọi loại vũ khí tầm gần.
Trong sử sách ghi chép về vị Tướng quân tinh tường quạt pháp nhất chính là Tokugawa Ieyasu (1543 – 1616). Ông luôn giữ bên mình một chiếc quạt chiến cỡ lớn, thể hiện sự oai phong lẫm liệt. Chỉ cần thoáng thấy Tokugawa Ieyasu xuất hiện cùng với chiếc quạt chiến, các tướng sĩ quân địch đã thất thủ.
Mở rộng và tiếp tục bảo tồn
Mặc dù xuất hiện sớm nhưng quạt pháp không thành lập được trường phái riêng. Tuy nhiên nó là bộ môn võ thuật thiết yếu, góp mặt trong hầu hết các trường phái võ thuật cổ truyền Nhật Bản.
Đối với Samurai và Chonin (lãng khách), quạt pháp là một kỹ năng cần có. Hầu hết họ đều sử dụng thành thạo quạt chiến như khiên phòng thủ, kết hợp với kiếm thuật.
Đối với các Samurai, quạt pháp là một kỹ năng cần phải có
Các lãnh chúa của Nhật Bản cũng rất ưa chuộng những chiếc thiết phiến. Họ thường sử dụng quạt chiến có kích thước lớn, làm bằng sắt hoặc gỗ cứng để thể hiện sự uy nghiêm của mình.
Trên chiến trường, quạt chiến đóng vai trò quạt lệnh. Mỗi tướng quân Nhật Bản đều có chủ ý quạt lệnh riêng của mình. Họ truyền lệnh bằng tín hiệu quạt cho binh lính dưới quyền, tận dụng triệt để khi đối đầu với kẻ thù.
Trong suốt tiến trình lịch sử, Nhật Bản vẫn duy trì quạt pháp. Ngay cả khi Mạc phủ sụp đổ và Samurai đi vào dĩ vãng, quạt pháp vẫn tồn tại.
Giờ đây, nó là một phần trong các môn võ thuật cổ truyền, được giảng dạy ở một số trường dạy võ như Echigo-ryu, Miyake-Shingan-ryu, Uesugi-ryu…
AD