Lý do phụ nữ biến mất khỏi sân khấu kịch Kabuki?

Kịch Kabuki là một loại hình sân khấu cổ điển của Nhật Bản, đã được UNESCO công nhận là ”Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại”.

Nét đặc trưng Kabuki nằm ở những bộ trang phục biểu diễn lộng lẫy, lớp phấn trang điểm đậm, tài năng biểu diễn của các diễn viên, tuy nhiên lại không hề có sự xuất hiện của diễn viên nữ.

Kabuki bắt đầu với các đoàn kịch toàn diễn viên nữ

Nghệ thuật Kabuki được khai sinh bởi một người phụ nữ tên là Izumo no Okuni vào thế kỷ 17. Với tư cách là Miko (Vu nữ) của Đền Izumo, bà bắt đầu tổ chức các buổi biểu diễn nhỏ, hát và múa (nghĩa đen của từ “Kabuki” –  ca vũ kỹ) ở lòng sông cạn của dòng sông Kamo, Kyoto.

Các diễn viên trong buổi biểu diễn do Okuni tổ chức thường đến từ những tầng lớp thấp nhất trong xã hội Nhật Bản bấy giờ, bao gồm gái mại dâm, người ăn xin và những người khác bị xã hội ruồng bỏ.

Một điểm chung nữa là tất cả đều là phụ nữ. Những vở diễn của Okuni có nội dung về các sự kiện lịch sử, tình yêu và những trải nghiệm cuộc sống đã nhanh chóng trở thành cơn sốt vào thời bấy giờ.

Chẳng bao lâu sau, Okuni và đoàn kịch được biểu diễn trong hoàng cung Kyoto. Trước sự thành công của đoàn Okuni, rất nhiều đoàn kịch nữ khác đã được thành lập xung quanh kinh đô Kyoto. Lẽ ra họ nên tận hưởng hiện tại vinh quang và tương lai xán lạn, tuy nhiên bi kịch đã ập tới với các đoàn kịch nữ này.

Kabuki trở thành một loại hình nghệ thuật dành riêng cho nam giới

Năm 1629, Mạc phủ Tokugawa ban hành lệnh cấm tất cả phụ nữ biểu diễn kịch Kabuki, với lý do kịch Kabuki được phụ nữ biểu diễn đang làm suy đồi đạo đức công cộng.

Nguyên nhân được đưa ra là vì nội dung kịch có tính khêu gợi, nhưng nguyên nhân thực sự vì đa số các diễn viên Kabuki là gái mại dâm.

Trên thực tế, trước đó vào năm 1617, chính quyền đã chấp thuận việc thành lập Yoshiwara, một khu đèn đỏ lớn ở Edo (Tokyo ngày nay). Không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều vở kịch Kabuki được biểu diễn tại đây.

Điều thực sự làm cho kịch Kabuki do phụ nữ biểu diễn trở thành ”cái gai ” trong mắt của các quan chức là vì kịch phổ biến với cả những người ở tầng lớp cao và thấp. Bộ phận khán giả trung thành của kịch Kabuki trải dài trên nhiều tầng lớp khác nhau.

Thành phần khán giả hỗn tạp này khiến cho chính quyền Mạc phủ với tư tưởng phân chia giai cấp rõ ràng, mong muốn quý tộc chỉ quan hệ với quý tộc, ra sức loại trừ Kabuki. Một giả thuyết khác cho rằng các quan chức lúc bấy giờ cấm phụ nữ biểu diễn trên sân khấu kịch Kabuki, vì hy vọng điều này sẽ khiến cho loại hình nghệ thuật Kabuki mất dần sức hút và cuối cùng lụi tàn.

Thế nhưng thú vị thay, lệnh cấm phụ nữ biểu diễn kịch Kabuki lại mở ra giai thoại rất thú vị trong lịch sử Nhật Bản về giới LGBT+.

*** Bạn có biết:  Kịch Kabuki đã giúp hình thành nên nét văn hoá cơm Bento của Nhật Bản ngày nay. Vì các buổi biểu diễn Kabuki đôi khi có thể kéo dài cả ngày, nên những khán giả bắt đầu mang theo hộp cơm trưa đến buổi diểu diễn.

Onnagata: Những diễn viên nam giả gái tận tâm trong kịch Kabuki

Với lệnh cấm phụ nữ biểu diễn, nam giới đảm nhiệm toàn bộ vị trí trong vở kịch. Theo thời gian, một thể loại diễn viên mới ra đời, được gọi là Onnagata – những người đàn ông đóng vai phụ nữ trên sân khấu.

Vào khoảng thế kỷ 18 khi kịch Kabuki đang ở đỉnh cao, những Onnagata được kính trọng nhất là những người sống, hành động và ăn mặc như phụ nữ, ngay cả khi họ không biểu diễn. Còn với những người mặc trang phục của nam giới, có vợ con, đều sẽ bị các nhà phê bình sân khấu chỉ trích trên báo chí.

Lệnh cấm của Chính phủ đã được dỡ bỏ vào cuối thế kỷ 19 nhưng phụ nữ không bao giờ quay trở lại sân khấu.

Rất nhiều lý do được đưa ra để giữ lại Onnagata cho rằng phụ nữ không có đủ thể lực để mang những bộ tóc giả và trang phục biểu diễn Kabuki nặng nề, hay thậm chí phụ nữ không ý thức được việc là một phụ nữ.

 

Những người mang quan điểm bảo thủ cho rằng các Onnagata không ngừng phân tích ý nghĩa của việc trở thành một người phụ nữ. Họ tin rằng quan điểm của người ngoài cuộc giúp việc nắm bắt bản chất thực sự của sự nữ tính dễ dàng hơn chính bản thân người phụ nữ.

Với cùng “logic” như vậy, liệu chúng ta có thể suy ra rằng vai nam nên để diễn viên nữ đóng không?

Sự vắng mặt của phụ nữ trong Kabuki đã giúp tạo nên hình ảnh Ninja thời hiện đại như thế nào?

Chính quyền Mạc phủ không chỉ cấm phụ nữ biểu diễn kịch Kabuki mà về sau còn cấm cả các thanh niên trẻ không được phép vào vai phụ nữ. Khi đó tất cả các vai nữ, kể cả phụ nữ trẻ cũng do diễn viên nam trung niên đảm nhận. Điều này đòi hỏi phải dày công đầu tư vào việc trang điểm nhiều hơn, làm tóc cùng trang phục cầu kỳ hơn để tạo được hình ảnh thiếu nữ chân thật nhất có thể.

Tất cả vở kịch Kabuki, để có thể diễn ra suôn sẻ trên sân khấu, đã xuất hiện thêm những người hỗ trợ với trang phục màu đen, được gọi là “Kuroko” hay “Kurogo”. Họ đảm nhiệm vai trò giúp thay đổi trang phục cho diễn viên hay điều phối đạo cụ trên sân khấu..v..v..

 

 

Kuroko mặc trang phục đen kín từ đầu đến chân, và cố gắng để khán giả không nhận ra sự hiện diện của họ trên sân khấu.

Tiếp đến, một số vở kịch Kabuki bắt đầu cho các Kuroko đóng vai Ninja. Nhờ trang phục màu đen, các Kuroko với ”khả năng tàng hình” là một cách diễn đạt tuyệt vời sự lén lút và khả năng ẩn thân của các Ninja.

Một số học giả tin rằng đây là điều đã tạo nên hình ảnh Ninja hiện đại như những sát thủ với trang phục màu đen. Trên thực tế, Ninja “phiên bản gốc” chủ yếu mặc các trang phục bình thường để tránh làm bản thân quá nổi bật.

Tương lai nào dành cho phụ nữ trong kịch Kabuki?

Ngày nay, diễn viên nữ trong thế giới kịch Kabuki vẫn tồn tại nhưng họ chỉ chiếm thiểu số. Hiện nay không ai có thể ngăn cản phụ nữ tham gia đóng kịch Kabuki.

Không thể phủ nhận vai trò người phụ nữ trong việc tạo ra và phát triển văn hoá Kịch Kabuki. Vì vậy, có thể một ngày nào đó, phụ nữ sẽ quay trở lại với số lượng lớn hơn trong các vở kịch truyền thống mà họ đặt nền tảng. Như vậy mới thật sự là công bằng cho phụ nữ.

yuk
Xem thêm: